THỨ HAI, NGÀY 25 THÁNG 11 NĂM 2024 07:38

Nhà vệ sinh công cộng vô hiệu, nhiều người dân phóng uế bừa bãi

Từ cuối năm 2016, nhằm giải quyết thực trạng thiếu hụt trầm trọng các nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu lắp đặt và đưa vào sử dụng 1.000 nhà vệ sinh công cộng mẫu mới. Dự án trên do công ty cổ phần Thương mại và Truyền thông Vinasing đề xuất xây dựng theo hình thức xã hội hóa. Nguồn vốn do doanh nghiệp đầu tư và khai thác từ quảng cáo trên chính các công trình vệ sinh. Theo đó các công trình sẽ được vận hành theo hình thức nhà đầu tư quản lý, vận hành trong thời gian 10 năm sau đó chuyển giao cho các đơn vị của thành phố quản lý, vận hành.

Một nhà VSCC bên cạnh sân vận động Mỹ Đình bị bỏ hoang cỏ cây mọc um tùm

Theo ghi nhận của PV, sau khoảng gần 1 năm triển khai hàng loạt nhà vệ sinh công cộng mẫu mới đã được TP.Hà Nội tiến hành lắp đặt tại nhiều tuyến đường nội đô. Tuy nhiên, qua khảo sát cho thấy, có rất nhiều nhà vệ sinh công cộng được lắp đặt từ khá lâu nhưng vẫn trong tình trạng chưa thể sử dụng do cửa luôn bị khóa chặt, một số chưa kết nối đủ điện nước…

Điển hình như trên các tuyến đường: Láng Hạ (quận Đống Đa) đây là khu vực có đông người qua lại, các nhà vệ sinh công cộng được lắp đặt đã 1 năm nay nhưng luôn trong tình trạng đóng cửa. Theo nhiều người dân ở đây, công trình này từ khi thi công xong đến nay, chỉ mở cửa có 1 - 2 ngày rồi từ đó luôn khóa của im lìm. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại nhà vệ sinh công cộng trên tuyến đường Dương Đình Nghệ (quận Cầu Giấy) và các nhà vệ sinh công cộng quanh khu vực sân vận động Mỹ Đình…

Hiện tượng các NVSS đã bàn giao nhưng không sử dụng được diễn ra tại nhiều nơi

Mặc dù nhà vệ sinh công cộng đã được lắp đặt xong nhưng không thể sử dụng khiến nhiều người dân không khỏi bức xúc và cho rằng đó là sự lãng phí cho thành phố. Do tình trạng thiếu nhà vệ sinh công cộng, nên tình trạng người dân vẫn tiểu bậy, vệ sinh không đúng chỗ diễn ra rất phổ biến, thậm chí ngay tại xung quanh các nhà vệ sinh đang đóng cửa. Điều này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn làm mất mỹ quan thành phố.

Anh Hoàn (một người dân quận Nam Từ Liêm) chia sẻ: “Với những người cả ngày làm việc ngoài đường như chúng tôi, không có nhà vệ sinh công cộng thì rất bất tiện. Nhiều khi bí quá thì vẫn phải đi bậy, như vậy không hay lắm nhưng không biết phải làm sao”.

Thiếu nhà vệ sinh, nhiều người dân sẵn sàng phóng uế ngay cửa NVSCC đang đóng cửa

Còn đối với cô Nguyễn Thị Bình (một người dân quận Đống Đa) thì cho rằng “ Nhà vệ sinh công cộng làm là để sử dụng chứ không phải làm ra để đấy, mà nhiều người dân đi vào dựng xe rồi lại phải quay đầu đi ra. Đầu tư như thế vừa mất diện tích, mất công sức và lãng phí tiền của của nhà nước”.

Thực trạng trên đã diễn ra từ nhiều tháng qua, và trong thời gian chờ đợi cơ quan chức năng và các bên liên quan vào cuộc giải quyết những tồn đọng của công tác triển khai 1.000 nhà vệ sinh công cộng mẫu mới, thì người dân thủ đô vẫn phải chấp nhận cảnh có nhà vệ sinh cũng như không.

Tuấn Anh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh