CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:21

Không để xứ Dừa tụt hậu

 

Ông Võ Thành Hạo, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre

* Thưa ông, là người con của quê hương Đồng Khởi, 40 năm trước được trực tiếp chứng kiến giây phút cả miền Nam hoàn toàn giải phóng, khi đó ông cảm nhận  như thế nào về hai từ hòa bình?

- Các bạn trẻ hôm nay có thể hiểu qua sách vở, qua lời kể, chứ không thể nào cảm nhận được giá trị thiêng liêng của hai từ “hòa bình” như thế hệ chúng tôi ngày ấy. Hòa bình có nghĩa là được ngủ thẳng giấc mà không phải giật mình vì tiếng gầm của đạn pháo, là được đi ra đường hít thở không khí tự do với cảm nhận “trời của ta, đất của ta…” mà không còn nơm nớp lo sợ máy bay bắn trên đầu, trái nổ dưới chân. Hòa bình có nghĩa là không còn bồng bế nhau chạy càn, chạy lính, không còn chết chóc tang thương…  

Và, sau những ngày say sưa tận hưởng cảm giác sung sướng dâng trào trong bầu không khí hòa bình theo cái lẽ bình thường, mọi người dân cùng trở lại với cuộc sống thực tại vốn đang bộn bề khó khăn từ chuyện miếng ăn, cái mặc…

Ông Võ Thành Hạo thăm và chúc tết mẹ VNAH tại Bến Tre.

Trước khi được sống trong hòa bình thì Bến Tre vốn là căn cứ địa của cách mạng. Nhiều năm liền vùng đất này là chiến trường ác liệt, là trọng điểm đánh phá của Mỹ, ngụy. Tất cả những loại vũ khí hiện đại bậc nhất của Mỹ sử dụng ở Việt Nam đều có mặt ở chiến trường Bến Tre. Và tất nhiên, độ hủy diệt của chúng cũng là vô cùng khủng khiếp. Lúc đó, trừ một số vùng thuộc tỉnh lỵ Trúc Giang và các huyện lỵ (tức thị xã, thị trấn bây giờ), Mỹ ngụy có xây dựng một ít trường học, nhà thương, đường sá… để phục vụ cho bộ máy chiến tranh, còn hầu như tất cả đều “năm không”: Không đường, không trường, không trạm, không điện, không chợ. Ngoài ruộng hố bom, hố pháo chi chít, trong vườn cỏ mọc hoang vu như rừng, những cây dừa cụt đọt đứng trơ vơ.

Hậu quả chiến tranh để lại cho Bến Tre vô cùng nặng nề: Sau ngày 30/4/1975, dân số Bến Tre chỉ khoảng 60 vạn người thì đã có hơn 30.000 liệt sĩ, 18.000 thương binh và hàng chục ngàn dân thường bị thương, hoặc tử vong do bom đạn. Lực lượng lao động thiếu thốn một cách trầm trọng, nông nghiệp kiệt quệ, công nghiệp gần như không có gì ngoài một số cơ sở xay lúa và một nhà máy phát điện công suất thấp ở cầu Chẹt Sậy. Đó cũng là lý do người dân Bến tre không thể mãi say sưa với niềm hạnh phúc chiến thắng, mà tất thảy cùng nỗ lực xây dựng cuộc sống mới sau ngày giải phóng…

Ông Võ Thành Hạo tặng quà cho hộ nghèo dịp tết 2015.

* Quê hương Đồng Khởi đã chuyển mình phát triển thế nào, thưa ông?

Sau 40 năm giành lại đọc lập, với truyền thống đoàn kết, sáng tạo, tự lực, tự cường, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bến Tre bắt đầu vươn lên, vật lộn với khó khăn để hồi phục và phát triển. Tất cả đều bằng sức người. Những con đường được đắp bằng sức người, thủy lợi đào bằng sức người, trường học cũng bằng sức người. Chỉ với sức người, sau 10 năm, vết thương chiến tranh ở Bến Tre đã dần lành lặn, tuy dân còn đói, địa phương còn nghèo, còn thiếu thốn nhưng cơ bản đã có đường, có trường, có trạm, có chợ, chỉ còn thiếu điện.

Đến một thập niên tiếp theo chúng ta có điện lưới quốc gia, đồng nghĩa với việc một chương mới trong phát triển kinh tế -  xã hội ở Bến Tre bắt đầu: Công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Rồi trong cái thế đổi mới đi lên chung của cả nước, Bến Tre thay da đổi thịt từng ngày. Từ vùng đất nghèo nàn, chiến tranh tàn phá nặng nề, sông rạch chằng chịt, địa hình chia cắt, giao thông cách trở, Bến Tre đã có một hệ thống giao thông liên hoàn kết nối được 3 dãy cù lao. Từ đường đất, phát triển dần dần thành đường sỏi đỏ, rồi bê tông hóa, nhựa hóa. Từ cầu khỉ, cầu sắt nhỏ hẹp đến cầu bê tông vĩnh cửu. Giao thông thuận tiện đã mở ra cánh cửa phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch.

Vườn chim Vàm hồ  ở huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.

 Có được thành quả như đã nêu là nhờ công sức, mồ hôi, thậm chí là xương máu của các thế hệ người dân Bến Tre, từ người lãnh đạo đến từng người dân, hết lớp này đến lớp khác, kế tục truyền thống và trách nhiệm, thay nhau vun đắp, kiến tạo, xây dựng, phát triển, từ không có đến có; từ có ít đến có nhiều, từ đơn sơ, tạm bợ đến đàng hoàng, to đẹp. Đó là một chuỗi giá trị được kết tinh liên tục, không đứt rời của các thế hệ lãnh đạo và người dân Bến Tre, không phân biệt thành phần, tôn giáo, trí thức, nó tạo ra năng lượng để cả Đảng bộ và nhân dân Bến Tre làm ra từ lúa, dừa, tôm cá đến hạ tầng cơ sở và công nghiệp… Đó cũng là kết quả của sự ủng hộ, giúp đỡ, chia sẻ đầy tình nghĩa của Trung ương, của các tỉnh, thành và bạn bè quốc tế, trong đó cao nhất là kết tinh của truyền thống đoàn kết, trên dưới một lòng của Đảng bộ và nhân dân trên địa bàn.

* Thưa ông, dù có sức bật lớn kể từ sau ngày giải phóng, thế nhưng Bến Tre hiện vẫn là tỉnh còn nhiều khó khăn, nếu không muốn nói là tỉnh nghèo?

Tự hào và vui mừng trước những thành tựu to lớn đạt được trên các lĩnh vực sau 40 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, chính quyền và người dân Bến Tre không bao giờ quên ơn công lao to lớn của các anh hùng, liệt sĩ, thương binh, các mẹ VNAH, những chiến sĩ cách mạng bị tù đày, những người đã vĩnh viễn ngã xuống, đã hy sinh một phần xương máu để có được độc lập, tự do, hòa bình, cơm áo.

Tuy vậy, chúng tôi cũng không được quyền tự mãn, bằng lòng với thành quả và những gì đã có. So với 40 năm trước đây thì Bến Tre có sự phát triển vượt bậc, nhưng so với các tỉnh, thành khác, với xu thế và đòi hỏi của cuộc sống thì xứ Dừa vẫn còn đầy thách thức trên con đường hội nhập. Bởi vậy chúng tôi hiểu rằng, nếu như Bến Tre không bứt phá vươn lên mạnh mẽ hơn nữa thì vùng đất này sẽ lại tụt hậu…

 Sức bật mới được chúng tôi kỳ vọng vào năm 2015, là năm thứ năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ IX, là năm kết thúc nhiệm kỳ có ý nghĩa quyết định trong việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội, tỉnh thống nhất một số chỉ tiêu chủ yếu là: GDP tăng 7,8%, tổng kim ngạch xuất khẩu 730 triệu USD, tổng vốn đầu tư toàn xã hội 13.500 tỷ đồng, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 1.425 tỷ đồng theo dự toán Trung ương giao, địa phương phấn đấu 1.525 tỷ đồng.

Cùng trong năm nay, Bến Tre đặt mục tiêu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 50%, tạo việc làm cho 23.000 lao động, xuất khẩu lao động 500 người; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 5,5%;…

* Trân trọng cảm ơn ông !

40 năm sau ngày giải phóng, 100% xã ở Bến Tre đã có đường ô tô đến được trung tâm xã, có trạm xá kiên cố; 99% hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia. Từ “5 không”, Bến Tre đã có một hệ thống hạ tầng kinh tế - kỹ thuật và kinh tế - xã hội khá hoàn chỉnh. Thu nhập bình quân đầu người từ 28.700 đồng năm 1986 lên 31,5 triệu đồng năm 2014. Cơ cấu kinh tế từ chủ yếu là nông nghiệp đã chuyển sang công nghiệp, dịch vụ, thương mại với tỷ trọng gần 60%; xuất khẩu đạt hơn 700 triệu USD; bộ mặt nông thôn, thành thị đã thay đổi hoàn toàn, cuộc sống của người dân cả về vật chất và tinh thần đã được cải thiện và nâng cao.

Ngọc Tánh (thực hiện)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh