CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:20

Không để ai bị bỏ lại phía sau và hành động của Việt Nam

 

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền và các đại biểu trong nước, quốc tế tại Diễn đàn

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền đã điểm lại những thành tựu giảm nghèo của Việt Nam trong hơn 20 năm qua, trong đó có cam kết thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ(MDgs) bắt đầu từ năm 2000. Theo Bộ trưởng, triển khai thực hiện MDGs, Việt Nam đã  thể hiện cam kết mạnh mẽ trước cộng đồng quốc tế bằng cả quyết tâm chính trị, giải pháp và nguồn lực, do vậy các MDGs đã hoàn thành sớm so với kế hoạch đề ra, đặc biệt là giảm tỷ lệ hộ nghèo cùng cực: Tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam giảm nhanh từ 58% năm 1993, xuống còn 5,97% cuối năm 2014. “ Kết quả giảm nghèo đã góp phần ổn định xã hội, tạo diều kiện phát triển bền vững đất nước, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Người dân đã được tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản như: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, thông tin…Thành tựu giảm nghèo của Việt Nam được Liên hợp quốc và cộng đồng thế giới đánh giá cao, ghi nhận là điểm sáng về giảm đói nghèo…”-Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh.

 

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền chia sẻ thành tựu giảm nghèo của Việt Nam

Thông tin về công tác giảm nghèo bền vững trong giai đoạn tới, theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, để tiếp tục phát huy những thành tựu giảm nghèo, mới đây Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã thay mặt nhà nước và nhân dân Việt Nam, và các nguyên thủ quốc gia trên thế giới tham dự Hội nghị Thượng đỉnh của Liên hợp quốc cùng thông qua Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển bền vững, trong đó cam kết xóa bỏ tình trạng nghèo dưới mọi hình thức, không để bất cứ ai bị bỏ lại phía sau. “Đây là một trong các mục tiêu mà Đảng, Nhà nước Việt Nam đặc biệt quan tâm và kiên trì thực hiện, nhằm đạt mục tiêu dân giầu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”-Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết.

 

Vùng dân tộc thiểu số và miền núi đổi thay từ các chính sách giảm nghèo

 Để thực hiện cam kết trước cộng đồng quốc tế, Chính phủ Việt Nam đã chủ động đổi mới cách tiếp cận, các giải pháp hỗ trợ nhằm tiến tới thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững. Trong đó, có việc đổi mới phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều, áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu: Cùng với các giải pháp hỗ trợ tạo sinh kế, tăng thu nhập, nâng cao hơn nữa khả năng tiếp cận của người dân về các dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, thông tin; cùng với đó là việc tiến hành phân loại đối tượng hộ nghèo để có các giải pháp hỗ trợ phù hợp, theo thứ tự ưu tiên nhận diện hộ nghèo toàn diện hơn, qua đó đánh giá được mức độ tiến bộ xã hội qua từng năm và cả giai đoạn.

“Đây là phương pháp tiếp cận mới được cộng đồng quốc tế khuyến nghị các nước trên thế giới áp dụng để giải quyết tận gốc đói nghèo, và Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á đi tiên phong áp dụng, triển khai thực hiện phương pháp này trong thời gian tới. Điều đó thể hiện qua việc mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1614/QĐ-TTg phê duyệt Đề án chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường từ đơn chiều sang đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020…”-Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền thông tin.

Bà Pratibha Mehta, đại diện UNDP bày tỏ ấn tượng về chương trình giảm nghèo của Việt Nam

 Tại Diễn đàn, các đại biểu quốc tế đại diện cho Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Đại sứ quán Cộng hòa Ailen đã chúc mừng, đánh giá cao những bước đi, thành tựu giảm nghèo của Việt Nam. Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, ghi nhận: “ Trong 15 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam đã giảm từ hơn 50% xuống dưới 10% hiện nay, tỷ lệ giáo dục tiểu học đạt gần 100% đối với cả trẻ em trai và trẻ em gái, các vùng dân tộc thiểu số khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo không những giảm, đời sống người dân được cải thiện mạnh, được tiếp cận với những dịch vụ xã hội cơ bản…Đó là những thành quả mà không nhiều quốc gia có thể đạt được..”.

 

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm trả lời các câu hỏi về chương trình giảm nghèo

Ông Ngô Trường Thi, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo chia sẻ Đề án giảm nghèo từ đơn chiều sang đa chiều

Đại diện UNDP, Đại sứ quán Cộng hòa Ailen cũng chia sẻ những khó khăn, thách thức công tác giảm nghèo bền vững của Việt Nam trong giai đoạn tới, đặc biệt trong việc giảm khoảng cách phát triển, thụ hưởng an sinh xã hội giữa các vùng-miển của Việt Nam, trong đó có khu vực dân tộc miền núi-nơi còn tỷ lệ hộ nghèo cao hơn trung bình chung cả nước.

Đại diện Đại sứ quán Cộng hòa Ailen bày tỏ cam kết hỗ trợ Việt Nam giảm nghèo bền vững

“Năm 2013, Đại sứ quán Ailen, UNDP và các đối tác phát triển đã hợp tác cùng Chính phủ Việt Nam, các bộ, ngành đặc biệt với Bộ LĐ-TB&XH, Ủy ban Dân tộc triển khai chương trình giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số. Rất nhiều sáng kiến đã được triển khai, thực hiện và đã cho những kết quả tốt, cũng như nhiều bài học kinh nghiệm, qua đó chúng ta sẽ điều chỉnh thực hiện tốt hơn trong giai đoạn tới…”-đại diện Đại sứ quán Cộng hòa Ailen, chia sẻ.

Minh Hoàng/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh