THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 01:43

Kinh tế tăng trưởng, hỗ trợ tốt giảm nghèo

 

Tốc độ giảm nghèo nhóm thiểu số chậm lại 

Bản báo cáo nêu rõ, hoạt động kinh tế của Việt Nam tiếp tục tăng cường trong năm 2015 do cầu trong nước tăng. 

Quá trình hồi phục được thúc đẩy bởi tăng trưởng trong ngành công nghiệp chế tạo và xây dựng. Cả hai khu vực này đóng góp gần một nửa tổng tăng trưởng GDP. Về phía cầu, đầu tư (do nguồn vốn FDI tăng mạnh) và tiêu dùng cá nhân tăng mạnh đã kéo theo tăng trưởng. Sự tăng trưởng mạnh này, theo WB, đã tạo điều kiện giảm nghèo.

Sau khi phân tích sơ bộ số liệu cuộc Điều tra mức sống hộ gia đình Việt Nam 2014, Ông Sudhir Shetty, chuyên gia kinh tế trưởng WB tại khu vực Đông Á- Thái Bình Dương cho biết: “nghèo nói chung đã giảm trên cả nước, và nghèo cùng cực tính theo chuẩn mới 1,90 USD theo ngang giá sức mua năm 2011 đã giảm xuống dưới mức 3%. 

Quan ngại về nghèo nay tập trung vào nhóm thiểu số vốn chiếm 15% dân số. Hiện nay đối tượng nghèo là người dân tộc thiểu số chiếm trên một nửa số người nghèo, trong khi tốc độ giảm nghèo trong nhóm thiểu số có vẻ chậm lại”.

Cũng trong bản báo cáo của WB, đã phân tích rất rõ việc mất cân đối tài khoá kéo dài đang gây quan ngại trong bối cảnh nợ công tăng. Trước đó trong một bản báo cáo khác vào tháng 7 vừa qua, WB đã đưa ra con số nợ công của Việt Nam gây giật mình, lên đến 110 tỷ USD. Với con số này, cao hơn mọi công bố từ trước tới nay của các cơ quan Việt Nam, và như vậy mỗi người dân đang phải gánh trên 1.200USD nợ công, tương đương hơn nửa năm thu nhập.

“Tình hình thu ngân sách năm 2015 cho tới thời điểm này cho thấy áp lực tài khoá còn tiếp diễn với thâm hụt ngân sách (tính cả trả nợ gốc) dự tính chiếm 5,6% GDP trong nửa đầu năm 2015. Điều đó thể hiện thu hiệu quả ngân sách kém trong khi chi thường xuyên và chi đầu tư cơ bản tăng. Tổng nợ công và nợ do chính phủ bảo lãnh tiếp tục tăng và đạt mức 59,6% trong năm 2014 (54,5% năm 2013). Tuy nợ công vẫn nằm trong giới hạn bền vững nhưng chi phí trả nợ đã bắt đầu ăn vào các khoản chi hỗ trợ sản xuất khác trong ngân sách”, WB cho biết. 

Về vấn đề này, tại buổi công bố báo cáo, các chuyên gia cho rằng, trong 50 năm qua, thế giới đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ nợ công của các nước, đặc biệt là các khoản nợ nước ngoài mà nguyên nhân chính là để bắt kịp tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của thế giới, nhiều nước buộc phải vay nợ nước ngoài để phát triển kinh tế. 

Tuy nhiên, nợ công là một trong những nguyên nhân đáng kể dẫn đến tình trạng đói nghèo toàn cầu. Các khoản vay lãi suất lớn có thể khiến một quốc gia thêm nghèo khó do họ phải trích một lượng tiền lớn từ GDP để trả nợ, thay vì dùng số tiền đó để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

Mức giảm nghèo khá lạc quan trong các năm tới 

Do đó, theo WB, viễn cảnh trung hạn Việt Nam nói chung là tích cực nhưng vẫn còn tiềm ẩn một số rủi ro tiêu cực. Dự kiến tăng trưởng sẽ đạt trên 6% trong năm 2015 nhờ cầu trong nước mạnh, và cầu trong nước mạnh lại phản ánh tăng trưởng tiêu dùng cá nhân và đầu tư.

Mặc dù chính sách tiền tệ mở rộng nhưng lạm phát vẫn sẽ thấp do ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài và do giá năng lượng và giá lương thực thấp. Theo dự kiến, thâm hụt tài khoá sẽ được điều chỉnh nhờ các nỗ lực chấn chỉnh nhằm hạn chế tăng nợ công. 

Cán cân thương mại dự kiến sẽ thâm hụt trong năm 2015 do xuất khẩu tăng trưởng chậm trong khi nhập khẩu tăng do các hoạt động kinh tế trong nước tăng. Do đó, “tỉ lệ nghèo sẽ tiếp tục giảm”, WB khẳng định. 

Không chỉ thế, báo cáo còn nêu rõ mức giảm nghèo của Việt    trong các năm tới khá lạc quan: Nghèo cùng cực (1,90 USD / ngày theo PPP 2011) sẽ giảm từ 2,8% năm 2012 xuống 1% năm 2017, trong khi tỉ lệ dân số sống dưới mức 3,10 USD / ngày sẽ giảm từ 12,3% năm 2012 xuống còn 6,7% năm 2017. 

Nền kinh tế phục hồi cùng với điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định sẽ giúp tiếp tục giảm nghèo, nhưng nông nghiệp tăng trưởng chậm hơn nên sẽ ảnh hưởng tới thu nhập khu vực nông thôn và làm tăng khoảng cách thu nhập nông thôn – thành thị. 

Dự kiến các đối tượng dân tộc thiểu số sẽ ngày càng chiếm tỉ trọng cao hơn trong số người nghèo.

Tuy nhiên, WB cũng phân tích rõ, kết quả đánh giá giảm nghèo kể trên cũng chỉ mang tính tương đối, vì sẽ phụ thuộc vào các rủi ro tiêu cực, cả từ bên ngoài và trong nước. 

Các rủi ro bên ngoài gồm có tăng trưởng chậm và còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố bất ổn và các yếu tố đó sẽ tác động mạnh tới Việt Nam do Việt Nam phụ thuộc nhiều vào thương mại.

Thêm vào đó, giá gạo và các nông sản khác giảm sẽ tác động tiêu cực lên thu nhập và tiêu dùng nông thôn. Về phía các yếu tố trong nước, cần có một kế hoạch tốt nhằm củng cố tài khoá trung hạn và được thực hiện cùng với quá trình tái cơ cấu tổng thể nhằm củng cố tài chính cho doanh nghiệp nhà nước và các ngân hàng quốc doanh. 

Đây chính là yếu tố quan trọng nhằm hạn chế áp lực nợ công và tăng cường niềm tin của khu vực tư nhân.

Nguyễn Thanh / Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh