Hỗ trợ vốn kịp thời để giảm nghèo bền vững
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 14:11 - 15/09/2015
Đến cuối năm 2014, số hộ nghèo theo chuẩn tỉnh còn 4.205 hộ, đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,73%. Theo chuẩn quốc gia là 1.464 hộ, giảm còn 0,6%. Như vậy tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo trước 1 năm so với kế hoạch. Để có được kết quả đó, theo Ban chỉ đạo giảm nghèo tỉnh, trong 4 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh phối hợp với Phòng LĐTBXH các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn đã xét duyệt, giải quyết cho 35.339 lượt hộ nghèo vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh với tổng số tiền hơn 433 tỷ đồng; 15.061 lượt hộ cận nghèo vay hơn 291 tỷ đồng; xét duyệt cho 30.509 hộ nghèo có HS-SV vay vốn học tập với số tiền 196 tỷ đồng; chăm sóc y tế, mua BHYT cho người nghèo 170 tỷ đồng; hỗ trợ giáo dục, miễn giảm học phí cho HS nghèo tổng cộng 16 tỷ đồng; xây dựng nhà ở và sửa chữa nhà cho hộ nghèo với số tiền 93 tỷ đồng…
Việc thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách đã giúp cho công tác giảm nghèo của tỉnh hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Chi nhánh NHCSXH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang thực hiện cho vay 10 chương trình tín dụng ưu đãi (không thế chấp tài sản, lãi suất cho vay thấp…) dành cho người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội, mạng lưới hoạt động của Chi nhánh được mở rộng đến 82 điểm giao dịch/82 xã, phường, thị trấn và 1.628 tổ tiết kiệm vay vốn ở các địa bàn dân cư.
Bà Trần Thị Nương huyện Đất Đỏ thoát nghèo nhờ nuôi bò
Bà Nguyễn Thị Trà (xã Xà Bang, huyện Châu Đức) cho biết, gia đình bà thuộc diện hộ nghèo. Hai năm vừa qua, thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn ở địa phương, gia đình bà được NHCSXH cho vay 40 triệu đồng đầu tư cho sản xuất chăn nuôi heo và trang trải chi phí học nghề cho con trai. Đối với khoản vay nuôi heo, việc chăn nuôi hiệu quả nên đã trả nợ vay gốc và lãi đúng hạn, đang làm hồ sơ để xin vay lại. Đối với khoản vay chi phí học nghề cơ khí hệ cao đẳng, sau khi con bà kết thúc khóa học sẽ mở tiệm sửa chữa nông cụ tại địa phương để tạo thu nhập cho cuộc sống tương lai.
Hộ gia đình bà Dương Thị Kiểng (tổ 6, thôn 7, xã Long Sơn –TP.Vũng Tàu) là “khách hàng truyền thống” của NHCSXH. Bà Kiểng cho biết, hiện gia đình bà đang có dư nợ vay của chương trình tín dụng nước sạch-vệ sinh môi trường nông thôn 8 triệu đồng và hộ cận nghèo 15 triệu đồng. Vốn vay được sử dụng cho lắp đặt đường ống cấp nước sạch, cải tạo công trình vệ sinh của gia đình và đầu tư nuôi hàu trên sông Chà Và ở Long Sơn. Bà Kiểng dự kiến đợt thu hoạch hàu tới đây sẽ cho doanh thu 60 triệu đồng, trả nợ cũ xong sẽ vay tiếp vốn mới để mở rộng quy mô nuôi hàu lên gấp vài lần.
Cũng là gia đình thuộc diện hộ nghèo, một mình bà Trần Thị Lý (thôn Tân Tiến, xã Châu Pha, huyện Tân Thành) phải làm thuê, làm mướn, chật vật nuôi 3 con đang tuổi ăn, học. Được vay tổng cộng 60 triệu đồng từ 3 nguồn vốn (hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, Ngân hàng Chính sách xã hội và chương trình hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết), bà Lý mua bò về nuôi. Có vốn, có bò, gia đình bà Lý đã dần ổn định cuộc sống, không còn bữa đói, bữa no như trước. Ngoài việc nuôi bò, bà Lý còn nấu ăn ở một trường mầm non tại địa phương với thu nhập 3 triệu đồng/tháng. Sau 3 năm, bà Lý đã trả hết số nợ vay, xây được căn nhà khang trang.
Sở Lao động TB&XH Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết: Công tác giảm nghèo, đặc biệt là cho đồng bào dân tộc thiểu số luôn được quan tâm, nhiều chính sách ưu tiên đã giúp các hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số có cuộc sống ổn định hơn. Cùng với đó, dạy nghề, được coi là chính sách giúp người nghèo có cơ hội vươn lên cũng chưa thu hút đông đảo đối tượng là hộ nghèo tham gia.