Khói thuốc lá – môi trường cực kỳ nguy hại đối với trẻ em
- Sức khỏe
- 18:47 - 21/07/2015
Hậu quả của hút thuốc lá thụ động đối với trẻ em
Theo BS.Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô Hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1, thì hút thuốc thụ động được hiểu là người không trực tiếp hút thuốc nhưng vẫn hít phải khói thuốc của người hút thuốc lá, xì gà hay ống điếu. Môi trường có khói thuốc bao gồm dòng khói thở ra từ người hút và dòng khói tỏa ra từ đầu điếu thuốc lá đang cháy. Dòng khói tỏa ra từ đầu điếu thuốc đang cháy sẽ vất vưởng trong phòng lâu hơn và có nồng độ của những chất gây ung thư cao hơn so với dòng khói thuốc chính thở ra từ người hút. Vì vậy việc có người hút thuốc trong nhà, dù là hút thuốc ở phòng khác thì trẻ vẫn có nhiều nguy cơ hít phải khói thuốc.
Nghiên cứu của các nhà khoa học Hà Lan thực hiện tại Nam Phi cho thấy số trẻ em hút thuốc lá thụ động sống chung nhà với một bệnh nhân lao có tỷ lệ nhiễm lao cao gấp gần 5 lần so với trẻ em sống trong môi trường không khói thuốc.
Các chuyên gia ước tính rằng mỗi năm khoảng 150.000 - 300.000 trẻ em dưới 18 tháng tuổi bị viêm phế quản hoặc viêm phổi có liên quan đến môi trường có khói thuốc. Những trẻ dưới 1 tuổi là con của những người hút thuốc bị viêm phế quản hoặc viêm phổi cao gấp đôi những người không hút thuốc.
Những đứa trẻ trong gia đình có người hút thuốc có nguy cơ lên cơn hen hàng ngày tăng gấp 2 lần, số lần phải nhập viện để điều trị cơn hen cũng nhiều hơn so với những đứa trẻ mà các thành viên trong gia đình không hút thuốc.
Những trẻ em có phơi nhiễm với môi trường khói thuốc hay bị viêm họng, viêm tắc mũi, khàn tiếng, và bị cúm hơn những đứa trẻ không phơi nhiễm. Những trẻ có tiếp xúc khói thuốc cũng phải nạo VA và cắt Amidal nhiều hơn.
Đe dọa tính mạng:
Hút thuốc thụ động (HTTĐ) đặc biệt nguy hiểm cho trẻ em vì phổi của trẻ chưa phát triển hoàn thiện. Chúng rất nhạy cảm với các chất kích thích và chất độc trong khói thuốc. Trẻ có bố mẹ hút thuốc sẽ bị giảm các chức năng của phổi và dễ gặp các vấn đề sức khoẻ. HTTĐ ở trẻ em có thể gây viêm đường hô hấp, hen, viêm tai giữa, đột tử ở trẻ sơ sinh (SID), kém phát triển chức năng phổi và làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại bệnh khác
Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh
Hội chứng trẻ chết đột tử được định nghĩa như cái chết bất ngờ của trẻ nhỏ mà không có bằng chứng về bất cứ sự ốm yếu của bào thai khi khám nghiệm tử thi. Tỷ lệ đột tử ở trẻ em bị phơi nhiễm với thuốc lá trong quá trình bào thai cao hơn trẻ em khác từ 1,4 cho đến 8,5 lần.
Trẻ nhỏ cần được sống trong môi trường trong lành, không có khói thuốc.
Cân nặng khi sinh thấp
Trẻ sơ sinh có mẹ tiếp xúc thụ động với khói thuốc khi sinh ra có cân nặng trung bình thấp hơn những trẻ khác khoảng 200 gam.
Viêm đường hô hấp cấp tính
Viêm đường hô hấp cấp tính là bệnh cấp tính phổ biến nhất trong thời kỳ thơ ấu. Các bệnh hô hấp cấp tính có thể phân ra thành các bệnh liên quan tới đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới (viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi). Khói thuốc thụ động thấm vào đường dẫn khí và phế nang của phổi có thể gây bệnh hô hấp cấp tính và làm bệnh này nặng hơn do làm tăng phù nề và viêm của phổi. Nhìn chung các nguy cơ làm bệnh hô hấp cấp tính trầm trọng thêm cao hơn ở trẻ sống trong gia đình có người thân hút thuốc. Nguy cơ mắc các bệnh hô hấp cấp tính cũng tăng lên cùng với sự tiếp xúc với khói thuốc thụ động.
Các triệu chứng bệnh hô hấp mãn tính
Những triệu chứng bệnh hô hấp mãn tính ở trẻ nhỏ là ho nhiều, nhiều đờm và thở khò khè. Nhiều nghiên cứu dịch tễ học đã chứng minh sự tiếp xúc khói thuốc thụ động với tăng nguy cơ mắc các triệu chứng trên.
Nguy cơ mắc các triệu chứng hô hấp mãn tính ở trẻ sơ sinh có bố, mẹ hoặc chỉ mẹ hút thuốc cao hơn 1,2 đến 1,5 lần so với trẻ bình thường khác.
Buổi mít tinh chung tay vì một môi trường không thuốc lá tại Hà Nội.
Bệnh tai giữa và cắt amidan do viêm
Các bằng chứng hiện có đủ để chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa bố mẹ hút thuốc và bệnh tai giữa bao gồm bệnh viêm tai giữa tái phát và cấp tính và chảy mủ tai mãn tính.
Tỷ lệ mắc viêm tai giữa tái phát và chảy mủ tai mãn tính ở trẻ có tiếp xúc thường xuyên với hút thuốc lá thụ động cao hơn so với trẻ không phơi nhiễm với khói thuốc lá là 1,3 lần (đối với viêm tai giữa tái phát) và 1,4 lần (đối với chảy mủ tai mãn tính). Bệnh viêm tai giữa thường xảy ra ở trẻ em, có thể dẫn tới mất khả năng nghe. Sự rối loạn của Vòi ot-tát là cơ chế dẫn tới bệnh về tai giữa.
Các triệu chứng hen
Hen là một dạng mắc hô hấp mãn tính được mô tả là sưng đường dẫn khí, làm cản trở từng phần đường dẫn khí, gây thường xuyên thở khò khè và khó thở đặc biệt ở nơi không khí ngột ngạt. Hen là do cản trở một phần ở phế quản và nhánh cuống phổi nhỏ. Bệnh hen không thể chữa được nhưng mỗi lần phát bệnh có thể giảm nhẹ bằng điều trị. Nguy cơ làm bệnh hen nặng hơn có quan hệ với số bố mẹ hút thuốc. Nếu trẻ đã bị bệnh hen, thì khói thuốc thụ động sẽ khiến người bệnh phát bệnh trầm trọng hơn và hay bị tái phát thường xuyên hơn.
Hút thuốc lá thụ động làm tăng 30% trường hợp hen ở trẻ nhỏ và làm tăng tỷ lệ mắc các triệu chứng như ho, khò khè, có đờm, thở nông ở trẻ độ tuổi đến trường lên khoảng 30%.
Sự phát triển chức năng phổi
Mẹ hút thuốc lá trong quá trình mang thai được chứng minh là có ảnh hưởng đến chức năng phổi của trẻ cho đến khi trưởng thành. Các nghiên cứu cũng chứng minh HTTĐ sau khi sinh cũng làm giảm chức năng phổi của trẻ. Kết quả tổng hợp nghiên cứu cho thấy trẻ HTTĐ bị giảm 4,8% tỷ suất thở ra giữa kỳ và 4,3% tỷ suất thở ra cuối kỳ.