THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 12:07

Giải pháp có tác dụng ngăn ngừa trẻ em hút thuốc lá

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại Hội nghị.

Hiện nay, Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới. Theo điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành thực hiện năm 2010, hiện Việt Nam có khoảng 15,3 triệu người hút thuốc.

Tỷ lệ hút thuốc ở nam giới là 47,4% (trung bình hai nam giới có một người hút thuốc). Hai phần ba số phụ nữ và trẻ em thường xuyên hít phải khói thuốc ở nhà. Tính tổng cộng số người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc trong nhà là 33 triệu người.

Tỷ lệ hút thuốc lá cao đã gây ra các tác hại rất lớn về mặt sức khỏe và kinh tế tại Việt Nam. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm có khoảng 40 nghìn người Việt nam tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá, và con số này đến năm 2030 có thể tăng lên tới 70 nghìn người/năm. Theo điều tra tại bệnh viện K năm 2000, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá lên tới 96,8%.

Nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách Y tế năm 2011 cho thấy bệnh tật và tử vong sớm do thuốc lá làm mất đi 1,5 triệu năm sống khỏe mạnh của người Việt Nam, chiếm 12% tổng gánh nặng bệnh tật.

Xét trên gánh nặng kinh tế, năm 2012, người Việt Nam đã bỏ ra tới 22 nghìn tỷ đồng cho tiêu dùng thuốc lá. Tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm cho chỉ 5 nhóm bệnh trên tổng số 25 bệnh do thuốc lá gây ra đã lên tới con số trên 23 nghìn tỷ đồng/năm.

Ông Jeffery Joseph Kobza, quyền Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam phát biểu khen ngợi Việt Nam tại hội nghị.

Trước tình hình sử dụng thuốc lá rất phổ biến và gánh nặng bệnh tật cũng như kinh tế lớn như vậy, việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm kiểm soát tiêu dùng thuốc lá là hết sức cần thiết. Việt Nam cũng đã thể hiện các cam kết của mình thông qua việc phê chuẩn Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới năm 2004 và ban hành Luật phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2012.

Ngày 25/1/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt  “Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020”, trong đó quy định rõ mục tiêu đến năm 2020 là giảm tỷ lệ hút thuốc của thanh thiếu niên từ 26% xuống 18%, tỷ lệ hút thuốc nam giới giảm từ 47,4% xuống 39%, tỷ lệ hút thuốc nữ giới xuống dưới 1,4%.

Để thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc của chiến lược quốc gia, một trong những biện pháp quan trọng nhất là sử dụng công cụ thuế đối với các sản phẩm thuốc lá. Điều 6 trong Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá cũng ghi rõ: “các biện pháp về giá và thuế là công cụ hiệu quả và quan trọng để giảm tiêu dùng thuốc lá”. Kinh nghiệm các nước cũng cho thấy biện pháp thuế đóng góp tới 50-60% vào việc giảm tiêu dùng thuốc lá.

Theo ước tính của Ngân Hàng Thế Giới: Khi tăng thuế để giá tăng 10% thì sẽ giảm tiêu dùng khoảng: 4% ở các nước phát triển; 8% ở các nước đang phát triển. Ở người nghèo và lớp trẻ giảm nhiều hơn: Khi tăng giá 10% sẽ giảm tiêu thụ tới 10% ở  trẻ em và người nghèo. Giá thuốc lá cao cũng có tác dụng ngăn ngừa trẻ bắt đầu hút thuốc, bởi trẻ em là đối tượng sống phụ thuộc gia đình, chưa tự kiếm tiền bằng chính sức lao động của mình.

Lê Nguyễn Kim Ngân

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh