THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:12

Thuốc lá: Ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe sinh sản của phụ nữ

.Ảnh minh họa.

Phụ nữ hút thuốc trên 15 điếu thuốc một ngày sẽ tăng thời gian để thụ thai.  Nhưng phụ nữ hút thuốc không chỉ gặp khó khăn khi thụ thai mà còn phải chịu một số khó khăn về nuôi dưỡng thai nhi. Có nhiều lý do giải thích tại sao tỷ lệ khả năng sinh sản của phụ nữ hút thuốc có xu hướng thấp hơn phụ nữ không hút thuốc, bởi các nguyên nhân sau: 

Khả năng thụ thai: Hút thuốc làm giảm khả năng thụ thai cũng như mang thai của người phụ nữ. Khả năng thụ thai của những người hút thuốc chỉ bằng một phần ba so với những người không hút thuốc; và số điếu thuốc càng tăng thì khả năng thụ thai càng giảm. Mặc dù không có sự nhất trí rõ rệt hút thuốc là nguyên nhân trực tiếp của sự khó thụ thai nhưng đã có rất nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy rằng phụ nữ hút thuốc khó thụ thai hơn những phụ nữ không hút thuốc. 

Tổn thương tới noãn bào: Hút thuốc có thể gây ảnh hưởng hoặc thậm chí huỷ diệt noãn bào (trứng), do vậy dẫn tới làm giảm khả năng sinh sản. 

Bất thường về hóc môn: Hút thuốc thay đổi mật độ của một số hóc môn, bao gồm estrogen. Vì vậy sự rụng trứng có thể không xảy ra bình thường đối với người hút thuốc. 

Rối loạn chức năng vòi trứng: Một số nghiên cứu đã phát hiện rối loạn trong chức năng vòi trứng ở người phụ nữ hút thuốc. Hút thuốc làm tăng nồng độ của nội tiết tố epinephrine và vasopressin, làm thay đổi hóc môn khiến trứng di chuyển nhanh hơn khi đi qua vòi trứng. Ở một số trường hợp, sự thay đổi mức hóc môn có thể làm tăng nhanh tốc độ phôi thai đi vào tử cung. Lúc này, chúng chưa kịp bám chặt vào tử cung, chưa kịp thích nghi đã bị tuột ra ngoài (sinh ra hiện tượng xảy thai). 

Mang thai dị dạng:

Bên cạnh việc dễ bị sẩy thai, phụ nữ hút thuốc cũng dễ có nguy cơ mang thai dị dạng (khuyết tật chi, mù mắt, thiếu nội tạng, đầu to...). Trong một nghiên cứu cho thấy: nguy cơ mang thai dị dạng ở phụ nữ hút thuốc cao hơn 2,2 tới 4 lần phụ nữ không hút thuốc. 

Chu kỳ kinh nguyệt: Hút thuốc thay đổi nồng độ trong cơ thể của nhiều nội tiết tố trong đó có estrogen. Những thay đổi đó cản trở sự rụng trứng và làm xáo trộn chu kỳ kinh nguyệt, kinh nguyệt không đều sẽ làm giảm khả năng thụ thai. Những phụ nữ hút thuốc thường hay bị bế kinh (tắt kinh) nhiều hơn là những người không hút thuốc. Tới tuổi trung niên, kinh nguyệt của họ không đựợc điều hòa và họ sớm hết kinh hơn người không hút thuốc. Những báo cáo lâm sàng cũng như những thử nghiệm trên súc vật cho thấy rằng nicotine là nguyên nhân chính của những biến đổi kinh nguyệt. 

Đoàn đại biểu đi bộ diễu hành quanh phố Tràng Tiền sau lễ mít ting hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá được tổ chức sáng 31/5 tại Hà Nội.

Có thai sai chỗ hay có thai ngoài tử cung: Ở phụ nữ hút thuốc, tỉ lệ có thai sai chỗ hay có thai ngoài tử cung thường cao từ 2 tới 4 lần so với phụ nữ không hút thuốc. Bình thường, thai nhi sẽ nằm trong tử cung của người mẹ, song đối với phụ nữ hút thuốc, đôi khi thai lại “chạy” vào ống dẫn trứng và làm tổ ở đó. Nếu không được phát hiện sớm, nó có thể làm vỡ ống dẫn trứng, gây tử vong đối với người mẹ. 

Sẩy thai tự phát: Trong các nghiên cứu cho thấy người hút thuốc có nguy cơ sẩy thai tự phát cao hơn từ 1,5 tới 3,2 lần ở người không hút thuốc. Phụ nữ hút thuốc có thể bị suy yếu khả năng duy trì thai nhi. 

Mãn kinh sớm: Hút thuốc có xu hướng dẫn tới mãn kinh sớm. Lý do cơ bản dẫn tới mãn kinh sớm là do hút thuốc giảm mức estrogen trong cơ thể người phụ nữ. Dẫu cho tất cả phụ nữ lớn tuổi đều giảm dần lượng estrogen ở qua tuổi 40, nhưng đối với phụ nữ hút thuốc thường có xu hướng bắt đầu vào giai đoạn mãn kinh sớm hơn 2 đến 3 năm so với người không hút thuốc. Chất nicotine được cho là có một phần liên quan đến quá trình này. Mãn kinh sớm cũng liên quan tới nguy cơ sớm của các bệnh tim và chứng loãng xương (vì estrogen có tác dụng bảo vệ chống lại cả hai căn bệnh này thì nay đã bị sụt giảm). Thuốc lá cũng làm chu kỳ kinh nguyệt ngắn lại, ảnh hưởng đến khả năng thụ thai. Nghiên cứu của Laurent và cs. (1992) về vô sinh nguyên phát cho thấy so với phụ nữ không hút thuốc, phụ nữ hút trên một bao thuốc/ngày mắc chứng này cao hơn 1,4 lần. Ngoài ra hút thuốc còn làm giảm 20-30% cân nặng của trẻ khi sinh hoặc gây đẻ non.

Khi hút thuốc, bạn hít vào rất nhiều các hóa chất nguy hiểm. Điều này ảnh hưởng tới khả năng tuần hoàn máu và lượng ô-xy trong máu của bạn sẽ bị thay thế bởi khí CO2 độc hại. Như vậy nếu bạn hút thuốc khi mang thai, con bạn sẽ nhận được khí ô-xy và chất dinh dưỡng ít đi và tiếp nhận hóa chất có hại nhiều hơn trong dạ con. Tim của bé buộc phải hoạt động vất vả hơn mà vẫn không tiếp nhận được nhiều khí ô-xy như bình thường.

Trần Tuấn Anh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh