Khởi nghiệp-thành công chỉ đến với những ai đam mê kinh doanh
- Giáo dục nghề nghiệp
- 17:41 - 17/12/2016
Những đặc điểm và yêu cầu của khởi nghiệp
Khởi nghiệp (startup hay star-up) là thuật ngữ dùng để chỉ những công ty hay dự án đang trong giai đoạn bắt đầu kinh doanh nói chung. Chúng ta cần phân biệt giữa khởi nghiệp và lập nghiệp. Lập nghiệp cũng có thể trở thành doanh nghiệp lớn nhưng khởi nghiệp phải mang tính mới lạ, sáng tạo, là điều chưa ai từng làm. Nhiều dự án khởi nghiệp được bắt đầu bằng chính tiền túi của người sáng lập. Một số trường hợp thì gọi vốn từ bạn bè, người thân hoặc cộng đồng. Tuy nhiên, phần lớn các dự án khởi nghiệp đều phải gọi vốn đầu tư từ cộng đồng, tức là từ các Quỹ đầu tư mạo hiểm (Venture Capital) và những nhà đầu tư cá nhân.
Khởi nghiệp có hai đặc điểm, đó là tính đột phá và tăng trưởng. Tính đột phá nghĩa là tạo ra một điều gì đấy chưa hề có trên thị trường hoặc tạo ra một giá trị tốt hơn so với những thứ đang có sẵn. Ví dụ như khởi nghiệp có thể tạo ra một phân khúc mới trong sản xuất, một mô hình kinh doanh hoàn toàn mới, hoặc một loại công nghệ độc đáo, chưa hề có. Về mức độ tăng trưởng, một công ty khởi nghiệp sẽ không đặt ra giới hạn cho sự tăng trưởng, và họ có tham vọng phát triển đến mức lớn nhất có thể. Họ tạo ra sự ảnh hưởng lớn, có thể được xem là người khai phá thị trường. Trong khởi nghiệp, thang đo để đánh dấu sự thành công của một công ty hay dự án khởi nghiệp là thời điểm và mức độ mà sản phẩm, dịch vụ của họ được khách hàng tin tưởng và đón nhận. Để một công ty hay dự án khởi nghiệp thành công, đòi hỏi những “nhà sáng lập sinh viên” phải có một số điều kiện sau:
Thứ nhất, đòi hỏi về kiến thức và kinh nghiệm. Vốn kiến thức mà bạn sinh viên lĩnh hội trong quá trình học tập, nghiên cứu tại các trường cao đẳng, đại học là chưa đủ. Một trong số những điểm yếu của sinh viên mới ra trường là thiếu kinh nghiệm thực tế. Điều này một phần cũng do chương trình đào tạo ở bậc cao đẳng, đại học trước đây của nước ta chưa thật sự chú trọng đến hoạt động thực tập của sinh viên. Kết quả thực tập chỉ được chấp nhận qua những con dấu và nhận xét của đơn vị mà sinh viên đến thực tập. Còn việc sinh viên có đi “thực tập” hay không thì đơn vị đào tạo cũng chưa nắm được vì nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Thứ hai, đòi hỏi về kỹ năng xử lý và giải quyết vấn đề. Trước đây, nhằm đơn giản nội dung đào tạo, các đơn vị đào tạo thường bỏ qua những tình huống bất ngờ, ngoài dự kiến. Trong môi trường kinh doanh thực tế, mọi giả thuyết và thậm chí là cả những điều không có trong giả thuyết đều có khả năng xảy ra. Do vậy, trong mọi quyết định, bạn sinh viên đều có thể đối diện với một yếu tố vô hình nào đó.
Thứ ba, cần có sự trợ giúp đáng tin cậy. Muốn có được điều đó, sinh viên cần tìm đến những công ty tư vấn có năng lực và kinh nghiệm cũng như những doanh nhân khởi nghiệp thành công trong lĩnh vực, ngành nghề mà bạn sẽ khởi nghiệp. Bạn cần thu thập danh sách, địa chỉ liên lạc của các chuyên gia trong từng lĩnh vực cụ thể để khi gặp phải vấn đề khó khăn, bạn có thể tham khảo ý kiến và xin tư vấn từ họ.
Thứ tư, bạn cần phải nắm vững nguồn tư liệu có liên quan đến chuyên môn của mình. Ví dụ, bạn khởi nghiệp bằng dự án cung cấp các dịch vụ kế toán, kiểm toán, khai báo hải quan thì cần tìm hiểu thật kỹ và cập nhật thường xuyên những tư liệu hướng dẫn các tiêu chuẩn kế toán, kiểm toán, thủ tục khai báo hải quan,… Việc chuẩn bị nguồn trợ giúp sẽ rất cần thiết khi bạn cần phải đối phó với những vấn đề phát sinh và những rủi ro bất ngờ xảy ra.
Thứ năm, kỹ năng phát huy trực giác. Để có được trực giác nhạy bén, bạn cần phải trao dồi kinh nghiệm thông qua thực tiễn. Để làm được điều này đòi hỏi bạn phải kiên trì và cần phải có thời gian nhất định. Một trực giác nhạy bén sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều trong quá trình ra quyết định nhanh chóng cho một vấn đề cấp bách nào đó.
Sinh viên ĐHBD tại buổi Tư vấn khởi nghiệp và Tuyển dụng nhân sự do PVCOMBANK tổ chức
Những rủi ro tiềm ẩn và sai lầm thường mắc phải trong quá trình khởi nghiệp
Hiếm có dự án khởi nghiệp nào thành công ngay trong bước đầu khởi nghiệp, mà phải thất bại rồi gây dựng lại rất nhiều lần. Khởi nghiệp thường đối mặt với nhiều rủi ro tiềm ẩn như: rủi ro về tài chính, nguồn nhân lực, chiến lược kinh doanh, thị trường biến động, phân khúc thị trường, công nghệ, nghiên cứu và phát triển (R&D),… trong bước đầu khởi nghiệp. Hầu như đa phần công ty hay dự án khởi nghiệp thất bại chỉ vì năng lực quản trị kém. Ví dụ như việc lựa chọn thị trường để tung ra sản phẩm, nếu bạn chọn sai thị trường thì thất bại là điều hiển nhiên. Nhưng có trường hợp bạn đã chọn đúng thị trường mà chọn sai “điểm rơi” và/hoặc sai phân khúc thị trường thì cũng khó thành công.
Không ít sinh viên mới ra trường lập dự án khởi nghiệp cho tôi biết rằng, họ khởi nghiệp vì không biết làm gì trong khi chờ xin việc. Đây là một quyết định sai lầm bởi vì khi khởi nghiệp là lúc bạn phải trả lương cho chính mình, phải làm việc gấp nhiều lần so với làm việc cho một đơn vị nào đó. Một số các bạn khác thì quan niệm, khởi nghiệp sẽ nhanh làm giàu. Các bạn đã quên rằng, khởi nghiệp có nghĩa là mới manh nha bước vào kinh doanh, để duy trì được doanh nghiệp hoạt động đã là khó. Theo nhiều thống kê cho thấy, hơn 90% dự án khởi nghiệp thất bại hoặc phá sản trong 5 năm đầu tiên. Đừng bao giờ đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu khi bạn nghĩ đến khởi nghiệp. Ngoài ra, có nhiều bạn còn nghĩ rằng khởi nghiệp sẽ giúp họ cống hiến hết mình cho những lĩnh vực, ngành nghề mà họ yêu thích. Điều này là đúng, nhưng chỉ yêu thích thì chưa đủ bởi vì khi khởi nghiệp bạn sẽ đối mặt với những gì liên quan đến kinh doanh mà trước đây bạn biết rất ít hoặc chưa biết đến như: nghiên cứu và phát triển (R&D), marketing, nguồn nhân lực, tài chính - kế toán, chuỗi cung ứng, ngoại thương, tư duy sáng tạo hoặc như sử dụng đòn bẩy tài chính sao cho hiệu quả nhất,…
Kinh nghiệm đúc kết
Môi trường kinh doanh khác với môi trường học tập trong nhà trường. Làm thế nào để bạn có thể xây dựng một nền tảng vững chắc cho một dự án khởi nghiệp sau khi ra trường, cũng như làm sao để hạn chế những lúng túng, bỡ ngỡ khi bạn đứng trước việc ra quyết định trong giai đoạn đầu khởi nghiệp ? Kêu gọi vốn đầu tư và sử dụng đồng vốn hợp lý là vấn đề khó khăn chung của hầu hết các công ty hay dự án khởi nghiệp, do bởi vốn là yếu tố đầu tiên cũng là yếu tố sống còn của doanh nghiệp trong buổi đầu khởi nghiệp. Nó đóng vai trò vô cùng quan trọng trong mọi phương diện của hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, ngoài yếu tố vốn thì công ty khởi nghiệp cần chú trọng vào việc phát triển nguồn nhân lực, sản phẩm, công nghệ, đầu ra cho sản phẩm,… sao cho hoàn thiện trước khi nghĩ đến việc kêu gọi vốn đầu tư. Một khi nền tảng đã thực sự vững chắc thì việc gọi vốn đầu tư sẽ đơn giản hơn, thậm chí bạn không cần phải đi tìm nguồn vốn mà chính các Quỹ đầu tư mạo hiểm và những nhà đầu tư cá nhân (những người từng là lãnh đạo của các doanh nghiệp, từng trãi qua môi trường kinh doanh) sẽ chủ động tìm đến dự án của bạn.
Ngoài ra, sinh viên thường nghĩ rằng thành công trong kinh doanh được tính bằng lợi nhuận, nhưng với khởi nghiệp thì không hoàn toàn như vậy. Vì sứ mệnh và mục tiêu mà phần lớn doanh nghiệp theo đuổi là lâu dài, cho nên những con số về doanh thu và lợi nhuận không có nhiều ý nghĩa với một dự án khởi nghiệp trong những năm đầu của chu kỳ dự án. Điều quan trọng là dự án khởi nghiệp phải làm thế nào để mô hình kinh doanh luôn trong trạng thái tăng trưởng, bởi nó cho thấy mức độ xã hội chấp nhận ý tưởng cũng như sản phẩm của doanh nghiệp. Để làm được như vậy, bạn cần phải luôn trao dồi kiến thức trong quá trình học tập và nghiên cứu, tích lũy kinh nghiệm trong thời gian đi thực tế ở các đơn vị, học tập kinh nghiệm từ những dự án khởi nghiệp thành công và đặc biệt là bạn phải thật sự đam mê kinh doanh. Chúc các bạn sinh viên luôn giữ được ngọn lửa đam mê và thành công trên hành trình khởi nghiệp của mình!