CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:17

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Đại học là nơi khơi nguồn khởi nghiệp

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan phòng thí nghiệm của Trường ĐH Quốc tế - ĐH Quốc gia TP.HCM. ẢNH: TRUNG DUNG

Chủ trương này được thể hiện trong buổi làm việc giữa đoàn công tác Chính phủ với ĐH Quốc gia (ĐHQG) TP.HCM, do Thủ tướng chủ trì sáng qua 20/11.
Đổi mới mạnh mẽ từ nội dung đến phương thức đào tạo
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định ĐHQG TP.HCM đã đi đúng hướng và bước đầu thành công trên các mặt. Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn thẳng vào tồn tại và mạnh dạn nói rằng, là cơ sở đào tạo lớn nhưng chưa phát huy mạnh mẽ vai trò vị trí đầu tàu, tính đổi mới trong quản lý đào tạo chưa cao. ĐH này có gắn với thực tiễn nhưng chưa thực sự lan tỏa trong cả nước, chưa có nhiều công trình khoa học có giá trị gắn với thực tiễn phát triển vùng miền và đất nước. Dù 21 năm trôi qua nhưng cơ sở vật chất vẫn chưa hoàn thiện.
Thủ tướng đã yêu cầu ĐHQG TP.HCM cần bổ sung thêm sứ mệnh phát triển của mình. Trong đó, một sứ mệnh đặc biệt quan trọng - đó là nơi khởi nguồn của những ước mơ khởi nghiệp, kiến tạo nên doanh nhân, con người xuất sắc góp phần làm rạng danh VN trong kỷ nguyên công nghiệp IV. ĐH phải là tiên phong khởi nghiệp và coi sứ mệnh này là quan trọng trước hết.
Trong bài phát biểu trước cán bộ giảng viên và sinh viên ĐHQG TP.HCM sáng qua, Thủ tướng cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp IV đòi hỏi sự thay đổi mạnh mẽ từ nội dung đào tạo đến phương thức dạy và học, cách thức mà ở đó thầy và trò tương tác với nhau, tri thức được tạo ra cho đến sự tiếp cận và lĩnh hội tri thức cũng thay đổi đáng kể.
Cũng theo Thủ tướng, cách mạng công nghiệp đồng nghĩa với tư duy khởi nghiệp và sản sinh ra những thế hệ khởi nghiệp mới. Khởi nghiệp là mệnh lệnh của cách mạng công nghiệp. ĐHQG TP.HCM cần chú trọng xây dựng những kỹ năng cần thiết, ươm trồng những tài năng và ước mơ khởi nghiệp. Những hoạt động nghiên cứu khoa học có sự tham gia của sinh viên, các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng; các đề án, ý tưởng do sinh viên đề xuất nhằm đem đến những thay đổi tích cực cho nhà trường. “Khuyến khích những điều này chính là khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, tinh thần đổi mới sáng tạo trong thế hệ trẻ”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng đề nghị ĐHQG TP.HCM cần có cách tiếp cận theo hướng đầu tư vun cao. Ông Nhạ cho rằng cùng một lúc không nên đầu tư dàn trải, mà cần tập trung đầu tư vào những ngành mũi nhọn để đi lên. “Tôi đề nghị rà soát các ngành, chuyên ngành có tiềm lực cao gắn với nhu cầu cấp bách của địa phương để đào tạo, có như vậy mới có thể có nguồn lực xã hội hóa”, ông Nhạ nói.
Đẩy nhanh thực hiện quyền tự chủ toàn diện
Tại buổi làm việc, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, cho rằng đã đến lúc VN cần thương hiệu ĐH quốc gia thực sự và cần phải giao lại nhiệm vụ này cho ĐHQG. Muốn như vậy, trước hết phải xây dựng cơ sở vật chất của một ĐH xứng tầm thương hiệu.
Theo ông Bình, về cơ chế tài chính đặc thù, đề nghị được thu học phí theo hướng chuyển từ phí sang giá theo cách tính đúng tính đủ nhưng vẫn có được sự đầu tư nhất định về cơ sở vật chất. Việc chi trả lương cho giảng viên cũng được thực hiện theo sự đánh giá của nhà trường, chứ không theo quy định tối đa gấp 3 lần lương cơ bản như hiện nay.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Chúng ta không có một ĐH “ra hồn” thì đất nước VN một trăm triệu dân này cũng không ra sao cả. Nên phải tập trung ở đây thành một thành phố ĐH và Hà Nội cũng vậy”. Từ đó, Thủ tướng yêu cầu: “Các bộ ngành phải cùng chúng tôi tư duy để có một ĐH “ra hồn”, đó là nguồn gốc hiền tài nguyên khí quốc gia phát triển đất nước. Chính vì vậy tôi giao các bộ ngành liên quan, đặc biệt là Bộ GD-ĐT cần tháo gỡ nhanh các vướng mắc để ĐH này phát triển. Nhất là rà soát tháo gỡ vướng mắc thúc đẩy thực hiện quyền tự chủ toàn diện”.
Thủ tướng cũng đặt hàng, từ nay đến năm 2020, ĐHQG TP.HCM phải tăng số lượng công bố quốc tế lên gấp đôi so với hiện nay. Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác với thế giới, tiếp tục thu hút giảng viên nước ngoài có uy tín về làm việc. “Tôi đồng ý mở rộng cơ chế để ĐHQG TP.HCM là nơi thí điểm thu hút giảng viên nước ngoài giỏi về làm việc, với mức lương 2.000 - 3.000 USD, thậm chí 5.000 USD/tháng”, Thủ tướng chia sẻ thêm.
Sinh viên phải làm chủ chính mình
Chia sẻ với các sinh viên ĐHQG TP.HCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ sinh viên hiện nay có trong tay những điều kiện kết nối, học tập và phát triển tốt nhất, vấn đề là tận dụng và phát huy những điều kiện đó. “Trong bài phát biểu đầu tiên khi được Đảng và Nhân dân giao phó trách nhiệm làm Thủ tướng Chính phủ, tôi đã nói rõ, chúng ta phải làm sao để con em nông dân, người nghèo đều có cơ hội học tập, tiến thân, có cơ hội trở thành lãnh đạo của đất nước trong tương lai. Cá nhân tôi thấy không có gì ý nghĩa hơn khi được trò chuyện với các tài năng trẻ của đất nước. Các bạn không chỉ là tiềm năng, tương lai mà còn là động lực, là những người quyết định đến vận mệnh phát triển của dân tộc VN”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Tôi kêu gọi các bạn hãy mạnh dạn hơn nữa, làm chủ việc học tập của chính mình. Sinh viên phải là người có trách nhiệm cao nhất với quyết định của mình, là người gánh chịu nhiều thiệt hại nhất nếu để lãng phí thời gian, tiền của trong quá trình học ĐH. Phải chủ động nghiên cứu, tăng cường trao đổi với bạn bè, với thầy cô giáo, tham gia hoạt động cộng đồng, thực tập ở doanh nghiệp để tích lũy kinh nghiệm, trao đổi kiến thức, kỹ năng qua khảo sát thực tiễn và hãy nhớ học thật tốt ngoại ngữ vì đó chính là chìa khóa không giới hạn”.
Chính phủ tài trợ 20 ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên
Nhân dịp này, Thủ tưởng cho biết với những đề tài khoa học thuộc danh sách ISI (bài báo đăng trên các tạp chí thuộc danh sách Institute for Scientific Information - tổ chức xếp các tạp chí khoa học có uy tín, hệ số tham khảo cao, được thành lập bởi Eugene Garfield - Mỹ vào năm 1960) được đánh giá tốt, Chính phủ sẽ tài trợ 50 USD/bài. Bên cạnh đó, tài trợ ít nhất 20 ý tưởng khởi nghiệp sinh viên cung cấp sản phẩm ra thị trường. Ngoài ra, Chính phủ sẽ tìm nguồn hỗ trợ thành lập một trung tâm văn hóa cho ĐHQG TP.HCM như cách làm ĐHQG Hà Nội, với kinh phí 1 triệu USD (tương đương 22 tỉ đồng).
21 năm vẫn... giải phóng mặt bằng
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, ông Huỳnh Thành Đạt, Phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, cho biết ĐH này đang được xây dựng theo mô hình đô thị khoa học hiện đại đầu tiên cả nước trên diện tích 643,7 ha nằm ở cửa ngõ đông bắc TP.HCM. Tuy nhiên, từ năm 1995 đến nay, diện tích đất được giải phóng mặt bằng mới chỉ đạt 73% và hiện công tác này còn gặp rất nhiều khó khăn do chưa hoàn thành khu tái định cư, chính sách và giá đền bù không ổn định, giá đất ngày càng tăng dẫn đến khiếu kiện ngày càng nhiều. ĐH mong chờ vào sự chỉ đạo, hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ và các bộ ngành để thúc đẩy xây dựng khu đô thị này.
Để thực hiện công tác này, ông Đạt đề xuất nhu cầu về vốn rất quan trọng, mà vốn phải tập trung. Nguồn vốn của ngân sách còn nhiều khó khăn nên ĐHQG TP.HCM kiến nghị vay vốn 2 địa phương TP.HCM và Bình Dương giải quyết việc này. Ngoài ra, có thể bố trí nguồn trái phiếu chính phủ để phục vụ công tác này. ĐH này kiến nghị để hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và bàn giao đất sạch, đến hết năm 2018 nguồn vốn ngân sách nhà nước cần bố trí 2.000 tỉ đồng.
Trước những khó khăn đặt ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành giải đáp trực tiếp từng vấn đề ĐH này kiến nghị. Có mặt tại buổi làm việc, đại diện Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính đều thống nhất ủng hộ đề xuất của ĐHQG về ứng vốn trung hạn, vay vốn kích cầu địa phương để giải phóng mặt bằng.
Chốt lại vấn đề, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo thực hiện sớm, dứt khoát và quyết liệt để giao đất sạch cho ĐHQG TP.HCM. Đề nghị bố trí 2.000 tỉ đồng trong 5 năm theo đề nghị của ĐH này, ưu tiên ứng trước đồng thời đề nghị 2 địa phương thành lập ban chỉ đạo và tạo điều kiện tốt nhất để thực hiện.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
3 năm trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh