Khởi nghiệp: Doanh nhân nữ có thế mạnh hơn nam giới khi gọi vốn hạt giống
- Huyệt vị
- 05:04 - 18/08/2017
Thế mạnh gọi vốn từ cộng đồng
Mới đây, Trung tâm Huy động Vốn cộng đồng đã công bố báo cáo nghiên cứu thúc đẩy tiềm năng cho phụ nữ khởi nghiệp. Nghiên cứu cho thấy phụ nữ huy động nguồn lực tài chính tốt hơn thông qua hình thức gọi vốn hạt giống từ cộng đồng so với các phương pháp truyền thống khác.
Dựa trên các dữ liệu do Trung tâm Huy động Vốn cộng đồng thu thập trong năm 2015 và 2016, báo cáo đã tổng hợp kết quả của 465.000 chiến dịch gọi vốn hạt giống từ cộng đồng thông qua 9 nền tảng huy động vốn cộng đồng lớn nhất thế giới. Theo đó, mặc dù có nhiều nam giới huy động vốn hạt giống từ cộng đồng (seed crowdfunding) hơn phụ nữ, nhưng phụ nữ lại thành công hơn trong việc đạt được mục tiêu vốn cần huy động trong tất cả ngành nghề và khu vực địa lí.
Cụ thể, nghiên cứu chỉ ra các chiến dịch do phụ nữ triển khai thường thành công hơn 32% so với các chiến dịch do nam giới thực hiện xét theo tiêu chí đạt được mục tiêu tài chính đã đề ra. Trong khi nam giới thường nhắm đến các mục tiêu huy động vốn lớn hơn, các dự án do phụ nữ thực hiện thu được mức tiền ủng hộ trung bình cao hơn. Cụ thể, trung bình mỗi nhà tài trợ ủng hộ 87 USD cho các dự án của phụ nữ và 83 USD cho các dự án của nam giới (chênh lệch khoảng 5%).
Kể cả trong các lĩnh vực nam giới chiếm ưu thế như công nghệ, nơi tỷ lệ các chiến dịch do nam giới và phụ nữ thực hiện là 9:1, tỷ lệ thành công của các dự án huy động vốn của phụ nữ đều cao hơn (13%) so với nam giới (10%). Tương tự, trong lĩnh vực công nghệ số, nơi số chiến dịch của nam giới cao gấp 3 lần của phụ nữ, tỷ lệ phụ nữ thành công là 16% trong khi nam giới chỉ đạt 9%.
Xét theo khu vực địa lý, Mỹ và Anh là 2 quốc gia có quy mô gọi vốn hạt giống từ cộng đồng lớn nhất, tỷ lệ cũng nghiêng về các doanh nhân nữ với giá trị 24% và 26% trong khi các chiến dịch do nam giới thực hiện đạt được mục tiêu đề ra chỉ khoảng 20%. Thậm chí, tại những quốc gia có mô hình kêu gọi vốn hạt giống từ cộng đồng chưa phát triển, phụ nữ cũng là nhóm giành được sự ưu ái nhất từ các nhà đầu tư.
Theo thống kê của Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI), phụ nữ Việt Nam làm chủ hơn 100.000 doanh nghiệp tương ứng khoảng 25% tổng số doanh nghiệp cả nước. Các doanh nghiệp này đã nộp ngân sách nhà nước gần 33.000 tỉ đồng (chiếm khoảng 3,9% thu ngân sách). Phong trào khởi nghiệp đang phát triển mạnh tại Việt Nam, với khoảng 15.000 nhà khởi nghiệp, hoạt động tập trung tại Hà Nội và TP.HCM.
Nở rộ quỹ hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp
Vào thời gian trước đây, các doanh nhân nữ thường gặp khó khăn trong việc gọi vốn, họ sẽ giải quyết vấn đề bằng cách huy động vốn từng người theo kiểu truyền thống. Tuy nhiên, đến nay, khi phong trào khởi nghiệp cho nữ giới nở rộ thì đồng thời cũng kéo theo một lượng lớn các quỹ hỗ trợ doanh nhân nữ mở ra. Các quỹ hỗ trợ giúp các nữ doanh nhân tiếp cận và tương tác với một lượng lớn nhà tài trợ, khách hàng, nhà đầu tư hơn phương pháp truyền thống…
Từ xưa đến nay, phụ nữ vẫn còn chịu nhiều định kiến trong cuộc sống, tuy nhiên vai trò của phụ nữ ngày càng được nâng cao và khẳng định được vị thế của mình. Tại Việt Nam có rất nhiều doanh nghiệp tỷ đô được dẫn dắt bởi những nữ lãnh đạo như Vinamilk, Vietjet Air, REE, TH…
Ông Chris Freund - TGĐ Công ty Mekong Capital cho biết: “Các nữ CEO ở Việt Nam thường có xu hướng ra quyết định tập thể hơn là nam giới. Họ tìm cách để đạt được sự đồng thuận với cổ đông hơn là phác ra một chiến lược độc đoán”. Bên cạnh đó, các nghiên cứu cho thấy, những doanh nghiệp nào được nữ giới làm chủ thường là những doanh nghiệp liêm chính, có chính sách phúc lợi xã hội tốt hơn, có ý thức tiết kiệm chi phí hơn, sử dụng văn phòng ảo…
Ngoài đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”, mới đây, Mạng lưới Hỗ trợ Phụ nữ Khởi nghiệp và Kinh doanh Việt Nam (WISE) đã được ra mắt nhằm kết nối và hỗ trợ các phụ nữ khởi nghiệp và doanh nghiệp do nữ làm chủ với nhau. Dự án mang tên WISE sẽ hoạt động trước tiên ở TP.HCM và sau đó mở rộng ra khu vực miền Bắc, miền Trung Việt Nam, cũng như sang Campuchia, Lào và Myanmar.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng chỉ có sự nỗ lực của phụ nữ là chưa đủ, mà cần có sự hỗ trợ của chính sách. Chẳng hạn, cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nữ tăng quy mô, tăng tính đại diện của doanh nghiệp nữ trong các hiệp hội kinh doanh nhằm làm cho hoạt động của các hiệp hội này phù hợp hơn với phụ nữ, đặc biệt là vấn đề huy động vốn cho các doanh nghiệp nữ.