Sinh viên khởi nghiệp trên chính quê hương mình
- Tra cứu Từ điển y khoa
- 20:58 - 23/05/2017
Ý tưởng từ chính sản phẩm trên quê hương
Chương trình nhận được sự quan tâm của SV trong Khoa cũng như toàn Học viện, Ban tổ chức đã nhận được 27 ý tưởng, dự án, mô hình trên nhiều lĩnh vực, với gần 200 SV tham dự. Những tác phẩm tham gia cuộc thi “Khởi nghiệp kinh tế năm 2017” dựa trên các tiêu chí về tính mới lạ, độc đáo và sáng tạo, sản phẩm của dự án đáp ứng được các nhu cầu phổ biến, hay có thị trường rộng lớn… Dự án có các kết quả, chỉ số tài chính, kinh tế cơ bản tốt, thể hiện được hiệu quả, cũng như có khả năng huy động đầu tư, có biện minh phù hợp cho việc huy động nguồn vốn...
Ban tổ chức với nhóm sinh viên đoạt giải nhất.
Điều đặc biệt, nhiều dự án xuất phát từ những mục tiêu mong muốn khởi nghiệp trên chính quê hương mình. Những sản phẩm đặc trưng của vùng miền như: Sản phẩm đặc sản Muối Mắc Khén, ý tưởng kinh doanh các tour du lịch vùng Tây Bắc, qua ý tưởng độc đáo “khoe sắc hoa ban”, trang trại sản xuất và phân phối cá giòn Ba Vì hay ý tưởng trang trại gà đen của người Mông B and C… Chia sẻ về ý nghĩa của cuộc thi, GS.TS Nguyễn Văn Song - Phó trưởng Khoa KT&PTNT, Trưởng Ban tổ chức nhấn mạnh, Cuộc thi nhằm kích thích khả năng tư duy, óc sáng tạo, đam mê của SV, thông qua thiết lập các ý tưởng hoàn thiện dự án khả thi.
SV học hỏi được rất nhiều từ kiến thức chuyên môn, kiến thức xã hội " nhóm sinh viên đoạt giải nhì"
Mong được đầu tư
Đại diện nhóm dự án Trại gà B & C nhận giải Nhì cuộc thi Nguyễn Thanh Bình (quê Yên Bái, SV khóa 59) chia sẻ, ý tưởng khởi nghiệp nhằm duy trì giống gà Mông, cũng như phát triển kinh tế cho bản thân và các hộ dân tộc vùng cao. Dù đã trình bày khá thuyết phục về mô hình với chiến lược kinh doanh hợp lý, Bình vẫn mong các nhà đầu tư hỗ trợ vốn, hướng dẫn quy trình sản xuất, chiến lược kinh doanh để dự án có thể biến thành hiện thực. “Cái khó trong khởi nghiệp, nhất là đối với SV là vốn, thị trường, nếu được đầu tư mới mong khả thi. Bởi, trên vùng cao, điều kiện rất hạn chế, quy mô trang trại rất khó khăn, cạnh tranh lớn…” – Bình tâm sự. Trong khi đó, cùng với các thành viên giành giải Nhất cuộc thi với mô hình Trang trại sản xuất và phân phối cá giòn Ba Vì, Vũ Xuân Lộc (SV khóa 60 lớp Chăn nuôi Thú y C) chia sẻ: "Qua cuộc thi, tôi và các SV học hỏi được rất nhiều từ kiến thức chuyên môn, kiến thức xã hội…, từ đó hoàn thiện bản thân để có được một hành trang tốt khi bước ra khỏi mái trường và có thể tự tin bước vào thương trường...".
Nhận xét về các mô hình khởi nghiệp của các SV, thành viên ban giám khảo, Cố vấn Ban Chỉ đạo khởi nghiệp quốc gia Đàm Quang Thắng cho rằng, lĩnh vực khởi nghiệp nông nghiệp có nhiều lợi thế cạnh tranh khi các ý tưởng biết phát huy lợi thế, mức độ rủi ro rất thấp và triển khai thực tế đúng vị trí, giá trị đúng khi ra thị trường sẽ được cả xã hội quan tâm... Mặc dù các ý tưởng đưa ra lần này cần được trau chuốt về mô hình, có chiến lược kinh doanh cụ thể, đưa ra các nét đặc trưng… từ đó mới kêu gọi đầu tư để triển khai, nhưng đưa tinh thần khởi nghiệp, dám nghĩ, dám làm là một cách hay trước việc loay hoay tìm kiếm việc làm khi ra trường.