CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:10

Khó có điểm 10 ở môn Hoá

 

Trái ngược với vẻ phấn khởi của thí sinh thi Địa lý buổi sáng, chiều nay sĩ tử vượt qua 90 phút làm bài Hóa học trong căng thẳng bởi đề vừa dài vừa khó.

"30 câu đầu em còn làm trôi chảy, từ câu 31 trở đi bắt đầu tính toán nhiều, căng hết cả đầu. Cố hết sức chắc em cũng chỉ làm được khoảng 70%”, Lê Ngọc Hân, thí sinh khối A thi tại THCS Dịch Vọng Hậu, Hà Nội cho biết. Hân ngán ngẩm, đề Lý chiều qua đã "khó nuốt" rồi, đề Hóa cũng không kém thì hy vọng xét tuyển vào trường top đầu khối A của em sẽ rất mong manh.

Thí sinh Lê Thùy Dung thì nhăn mặt thất vọng "Đề khó quá, đọc đề đã thấy hoa mắt rồi. Em chỉ làm được hơn 30 câu. Phần hóa vô cơ nhiều câu khó, có câu em phải đánh bừa đáp án".

 

kho-co-diem-10-o-mon-hoa

Thí sinh sau giờ thi môn Hoá. Ảnh: Ngọc Thành.


Nhiều thí sinh dự thi Hóa học ở các tỉnh cũng có chung nhận định với học sinh thủ đô. Em Lâm Thị Huế, THPT Pác Khuông, Lạng Sơn ra khỏi phòng thi còn nán lại so đáp án với bạn. Huế cho rằng, đề năm nay khá nhiều câu tính toán hơn năm ngoái. Các câu lý thuyết dễ lấy điểm, có khoảng 20 câu cuối khó để phân loại học sinh.

"Em thi khối A nên hơi lo một chút, em chắc chắn đúng 60%. Câu nào không tính ra đáp số em sẽ dùng phương pháp loại trừ để chọn", Huế cho hay.

Lê Đình Toàn, dự thi ở điểm trường Cao đẳng sư phạm Lạng Sơn phấn khởi vì làm được bài. Toàn học chuyên Hóa nên dạng đề thi năm nay đều đã giải qua hoặc bắt gặp. Nam sinh tự tin mình làm được hơn 80%. "Có một vài câu khó em cũng mất thời gian nhiều hơn để tính toán kĩ song đều làm bài hết", Toàn nói.

Tại Huếnữ sinh Đoàn Thị Mỹ Quyên (THPT Phan Đăng Lưu) thi tại Đại học Kinh tế Huế nhận xét, đề Hóa năm nay có tính phân loại kiến thức cao, đặc biệt là phần 20 câu hỏi nâng cao ở cuối đề bài. Những câu hỏi này người có sức học khá mới có thể hoàn thành tốt bài thi.

"Riêng em chỉ chắc chắn được khoảng 60% đáp án trong bài thi của mình là chính xác", Quyên nói và cho hay chỉ do ký khối A vào ngành sư phạm nên bây giờ em có thể nghỉ ngơi đợi kết quả thi.

Phạm Thi Vân Anh (THPT) Gia Hội cho rằng câu hỏi đề thi bám sát chương trình sách giáo khoa THPT, tuy nhiên mức độ khó tăng dần. Với những học sinh trung bình nếu nắm vẫn kiến thức có thể đạt trên 5 điểm. "Có khoảng 10 câu hỏi khó, phân loại học sinh và chủ yếu tập trung ở phần hữu cơ và vô cơ", Vân Anh nói và cho hay do áp lực thời gian nên những câu không tìm ra được đáp án em đành chọn theo cảm tính.

Tại Đà Nẵng, nhiều thí sinh nhận định đề Hoá học khó hơn năm trước. Theo em Đinh Thị Tường Vy, học sinh chuyên ban A trường THCS Nguyễn Trãi, trong 50 câu có 30 câu dễ và 20 câu khó để phân loại học sinh trung bình và học sinh giỏi cho một kỳ thi 2 trong 1. "Với kiến thức trong sách giáo khoa thì có thể làm được chừng 30 câu, những câu còn lại đòi hỏi thí sinh phải tự duy và ổn luyện nâng cao", Vi nói.

Vẫn theo nữ sinh này, nếu học sinh chuyên ban A có học lực khá có thể đạt được 8 điểm. "Em làm được khoảng 70%. Dù có bạn cho rằng đề khó nhưng em thấy như thế là phu hợp với một kỳ thi chung", Vi nói thêm.

Tại TP HCM, hàng nghìn thí sinh tại ba điểm thi ở Đại học Công nghệ TP HCM bước ra cổng trường, nét mặt căng thẳng vì làm không tốt môn thi Hóa học.


thi-sinh-than-de-hoa-vua-dai-vua-kho

Nét căng thẳng của thí sinh tại điểm thi Đại học Công nghệ TP HCM. Ảnh: Mạnh Tùng.


Hầu hết các thí sinh than đề thi Hóa vừa dài, vừa khó, nhưng có thể đạt điểm trung bình. Lê Minh (thí sinh ngụ quận Thủ Đức) cho biết : "Khoảng 30 câu đầu là cơ bản, nằm trong chương trình phổ thông nên em làm nhanh nhưng 20 câu sau đó khá dài, tính toán rất lâu". Năm nay, Minh thi Hóa để xét tuyển vào đại học khối A nên nam sinh này khá buồn vì dự báo sẽ đạt điểm cao môn này.

Còn Hoài Sa (thí sinh ở quận 3) chọn Hóa làm môn thi tự chọn để xét tốt nghiệp cũng than đề Hóa khó, nhiều câu hỏi "lạ", chưa gặp bao giờ. Song nữ sinh này tự tin vẫn đạt được 6 điểm để qua được tốt nghiệp.

Một số thí sinh tại điểm thi Đại học Công nghệ TP HCM cũng đánh giá, đề Hóa năm nay khó hơn đề thi năm ngoái. "Môn Lý dự báo khó thì đề lại ra dễ, môn Hóa dự báo dễ thì đề lại ra khó”, một nữ sinh so sánh hai đề Vật lý và Hóa học của kỳ thi THPT năm nay.

Tại Cần Thơ, nhiều thí sinh cũng than đề thi khó, chỉ làm khoảng 50-60% đề thi. "Em chỉ làm được 25/50 câu", thí sinh Nguyễn Hữu Đại (quận Ô Môn) cho biết: Tương tự, thí sinh Cao Thị Ngọc Giàu cũng dự đoán mình đạt khoảng 30 câu đầu. "Những câu sau mức độ khó tăng dần. Khó đạt điểm tối đa", nữ sinh này nói.

Thạc sĩ Lê Đăng Khương, giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội nhận xét, đề thi năm nay phân bổ kiến thức đều từ lớp 10, lớp 11 và chiếm 70% lớp 12. Đề có tính phân loại cao, phù hợp tiêu chí của Bộ Giáo dục, nhưng để đạt được điểm 5 thì hoàn toàn không khó với thí sinh xét tốt nghiệp.

Theo thầy Khương, đề thi môn Hóa từ câu 1 đến câu 25 rất dễ, học sinh trung bình có thể làm được nhưng có một số câu phân loại học sinh khá từ câu 25 đến 30. Đề thi năm nay khó và hay hơn năm ngoái. Có khá nhiều câu hỏi mang tính chất cho thông tin nhiều hơn khiến đề hay và phong phú rất nhiều so với năm trước. Kiến thức cơ bản ở 30 câu này khá nhiều và 30 câu đầu kiến thức thực tế cao. Nhiều kiến thức thực tế cũng được đưa vào đề thi, ví dụ như câu 36 mã đề 136 hay câu 4, 9,14,20 ở mã đề 136.

Tuy nhiên từ câu 31 đến 41, học sinh khá sẽ làm được. Từ câu 42 đến 50 là những câu hỏi có độ khó tương tự đề tuyển sinh khối B những năm trước và chỉ họ sinh giỏi và chắc kiến thức mới có thể làm được. 20 câu cuối lý thuyết khá nhiều, có 2 câu vô cơ và 2 câu hữu cơ. Câu 36 của mã đề 136 lặp lại ý tưởng năm ngoái, câu điện phân lặp lại ý tưởng của năm trước, câu 39 tương tự nhưng có bổ sung thêm kiến thức. Đề thi năm nay có 10 câu khó và 5 câu cực khó thuộc về phần phản ứng của kim loại hỗn hợp axit hóa vô cơ. Đòi hỏi thí sinh phải nắm chắc kiến thức và có lực học giỏi xuất sắc.

Bài tập chủ yếu về hóa vô cơ, Phản ứng sắt và hợp chất phản ứng HNO3 và nhiệt phân ở câu 44 khá hay. Bài tập sắt và hỗn hợp đồng ở câu 47 rất quen thuộc nhưng phát triển khai thác thêm phản ứng nhiệt phân Muối nitorat.

Theo thầy Khương, ở câu 40 mã đề 136 là câu khá hay và thú vị ở hỗn hợp axit và este. Câu 48 xác định công thức cấu tạo phân tử và đốt cháy muối của Natri.

Đề thi năm nay có một câu rất mới là câu về đồ thị ở câu 50 mã đề 136, câu này năm trước chưa có. Tuy nhiên năm nay không có câu sơ đồ hình vẽ, thí nghiệm hình vẽ. Câu gần nhất có 3 câu vô cơ tương đương năm ngoái.

"Đề không có câu đánh đố, không có câu đánh lừa hay “bẫy” thí sinh, không có câu công thức lạ và phù hợp với chương trình kiến thức cơ bản của Bộ. Phổ điểm trung bình của thí sinh sẽ từ 6 đến 8 điểm. Điểm 9 đến 10 không nhiều", thầy Khương nhận định.

Còn thầy Nguyễn Đình Độ (Phó hiệu trưởng THPT Thành Nhân, TP HCM) nhận xét đề Hóa năm nay khá dài, dù cấu trúc đề thi là cơ bản, câu hỏi rõ ràng. Trong đề, 30 câu đầu dành cho học sinh trung bình cũng có đến 5 câu khó. Với 20 câu hỏi sau nhằm phân loại học sinh, đề ra khá khó và dài.

"Thí sinh thi Hóa để tốt nghiệp có thể dễ dàng đạt được điểm 5, thí sinh thi môn này để xét tốt nghiệp có thể đạt ở ngưỡng 6-8 điểm. Điểm 9, 10 sẽ rất hiếm. Với phổ điểm như vậy sẽ giúp các trường đại học tuyển sinh dễ dàng hơn", thầy Độ dự báo.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh