THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:15

Kho báu của đời tôi

 

Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha

Ngẫm lại mình, ngay từ tuổi thơ, cuộc sống của tôi đã có bao nhiêu điều đáng nhớ. Nào là bị bệnh đậu mùa và được thầy lang chữa khỏi như thế nào. Nào là từ cậu công tử con ông giáo ở Hải Phòng tạm bị chiếm, học chữ cái bằng bánh bích quy, đến cậu bé suốt ngày cắm đầu vào vớt bèo cho lợn, hái dâu nuôi tằm, lủi thủi xếp hàng mua củi, mua mùn cưa lang thang khắp xó xỉnh Hải Phòng sau ngày giải phóng.

Nào là từ cậu bé học theo "Những ngày thơ ấu" của Nguyên Hồng cũng đánh nhau, đánh bạc, móc túi, trêu trọc nữ sinh lớp trước, đến cậu bé ngượng ngùng tập chơi đàn guitare, thẹn đỏ mặt khi trước mặt thiếu nữ mình thoáng rung động đầu đời. Nào là chàng công nhân bốc vác ở các bến cảng, bến phà hay làm sân bay Kiến An ngày đầu chiến tranh. Tất cả những năm tháng đó đã được tôi viết thành cuốn tự truyện "Một lần thơ trẻ" vào năm 1982, sau khi học xong Trường viết văn Nguyễn Du. Lúc ấy tôi cùng Nguyễn Trọng Tạo và Duy Khán thi nhau cùng viết về tuổi thơ. Kết quả "Tuổi thơ im lặng" của Duy Khán được giải thưởng của Hội Nhà Văn. "Một lần thơ trẻ" của tôi và "Miền quê thơ ấu" của Nguyễn Trọng Tạo cũng được ấn hành và tái bản nhiều lần ở các nhà xuất bản khác nhau.

Bên cạnh cuốn tự truyện này, tuổi thơ còn cho tôi chất liệu viết các chương đầu trong trường ca "Năm tháng và chiều cao" đã ấn hành năm 2000, ở Nhà xuất bản Thanh Niên và trong tuyển tập "Thơ Nguyễn Thụy Kha", ở Nhà Xuất bản Hội Nhà văn năm 2012. Ca khúc viết về trường Thái Phiên - Hải Phòng trở thành “trường ca” được hát trong các kỳ hội trường.

Những năm tháng đại học của tôi cũng là những năm tháng khó quên. Đấy là những năm tháng lứa chúng tôi trải mình học tập và lao động trên mảnh đất trung du của huyện Cẩm Khê, Phú Thọ (trước là Vĩnh Phú). Trường đại học Kỹ thuật Thông tin của tôi đã đứng chân ở đất Vĩnh Phú cho đến khi khóa chúng tôi ra trường và nhiều người cùng tôi nhập ngũ. Năm nay đúng vào dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, khóa đại học của tôi tập trung về Đà Nẵng kỷ niệm nửa thế kỷ nhập trường. Đấy là những năm tháng chín mọng khát khao, mơ mộng về khoa học và văn nghệ. Lúc nào cũng thấy trong người hừng hực thanh xuân. Ở đấy, dưới ánh trăng trải dài những đồi cọ, tôi đã có mối tình đầu nồng nàn không bao giờ phai mờ. Tôi lại tiếp tục để lại cho trường một bài “trường ca”, để “nhập hàng quân rồi đưa tay bắt - mười lăm năm học hành”. Những năm tháng này cho tôi viết được chương "Trường đại học" trong trường ca "Mùa xuân trắng"cùng ấn hành trong bộ "Trường ca ngắn - kịch thơ" ở Nhà Xuất bản Hội Nhà văn và được giải thưởng của Hội Nhà văn năm 2014.

Tôi nhập ngũ 6/9/1971. Bây giờ anh em cùng nhập ngũ ngày ấy tập hợp thành một đội cựu chiến binh, mà vẫn được gọi là “Đoàn 6971”. Năm nay là kỷ niệm 45 năm ngày nhập ngũ thiêng liêng đó. Tất cả các trường đại học từ giáo viên đến sinh viên, ai cũng có trách nhiệm nghĩa vụ quân sự của mình. Những tháng huấn luyện ở miền trung du Thái Nguyên và Bắc Giang đã cho tôi viết ra bài thơ "Chúng mình":

Chúng mình là những binh nhì

Qua đại học rồi vào bộ đội

Rời chồng sách cũng sọt rèn leo núi

Khép cửa gác cao tay mở đất dựng hầm ...

Cuối xuân 1972 chúng tôi vào Quảng Trị. Vì tôi học Đại học Kỹ thuật Thông tin Liên lạc nên được đưa về làm lính của đại đội 6 anh hùng, thuộc Đoàn thông tin Lam Sơn quân giải phóng. Thời kỳ phục vụ mặt trận Quảng Trị cho đến khi lính ra rút khỏi Thành cổ ngày 16/9/1972 là thời kỳ cho tôi nhiều nhận thức về sự dâng hiến và hy sinh của người lính giữa những ngày ác liệt của những trận chiến đấu của mưa bom bão đạn, tạc vào tôi những ấn tượng mạnh để có thể viết ra "Mùa hè ấy gạch chảy ra như máu".Sau hiệp định Paris, cơ hội mới để tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Do là kỹ sư thông tin, tôi được giao nhiệm vụ cùng hai cán bộ của Bộ Tư lệnh Thông tin đi dọc đường Trường Sơn để khảo sát xây dựng một đường dây thông tin chiến lược từ Quảng Bình vào tận Bù Gia Mập (bây giờ là Đắk Nông). Chuyến đi mang đến cho tôi biết bao cảm xúc. Ở trạm giao liên nào cũng chộn rộn người ra, người vào. Đủ mọi thứ chuyện trên đời. Đấy là chuyến đi bằng xe com măng ca, khác với năm 1972 toàn đi bộ trên những đoạn Trường Sơn. Sau Tết 1974, đón Tết ở A Lưới xong, chúng tôi bắt đầu triển khai khảo sát, đo đạc đường dây xuyên Trường Sơn. Do công việc, tôi cứ thế đi đi, lại lại trên đường Trường Sơn nhiều lần. Đến xuân 1975, đường dây kéo tới Sở chỉ huy chiến dịch Tây Nguyên. Bài hát "Mùa xuân đường dây qua Tây Nguyên", do tôi viết ra sau đó được gửi theo quân bưu ra Hà Nội và đã được nghệ sĩ Quý Dương thể hiện trên làn sóng điện. Những năm tháng này đã được tôi ghi lại trong hồi ký "Xuyên Trường Sơn" in trong tập sách Trường Sơn của Nhà Xuất bản Văn học. Nó còn được tôi đưa vào các bài thơ viết rải rác từ 1972, để rồi cấu trúc thành tập thơ "Thời máu xanh" được ấn hành ở Nhà Xuất bản Hội Nhà văn 1999. Cũng cảm hứng ấy cho tôi viết thêm những chương sau của trường ca "Năm tháng và chiều cao". Riêng Tây Nguyên, tôi viết trường ca "Gió Tây Nguyên", được Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân ấn hành năm 2000 và gần đây trong bộ "Trường ca ngắn - Kịch thơ". Nhờ đường dây thông tin đảm bảo bí mật, chiến dịch Buôn Ma Thuột nổ ra như đòn điểm huyệt tiến tới chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.

Ở miền Nam mấy năm, năm 1978, tôi ra Hà Nội học âm nhạc, rồi học tiếp Trường viết văn Nguyễn Du khóa I. Lúc này, đơn vị yêu cầu tôi lựa chọn. Một là tiếp tục làm kỹ sư thông tin. Hai là bỏ nghề kỹ sư, làm văn nghệ. Tôi nghĩ, thêm một kỹ sư thông tin cũng tốt. Nhưng thêm một người viết về những người đã dâng hiến, hy sinh trong chiến tranh thì còn tốt hơn. Sau khi học xong Trường viết văn Nguyễn Du, tôi bỏ hẳn nghề thông tin từ năm 1982. Khi ấy tôi đã cưới vợ, nhưng không phải là cưới người yêu đầu tiên. Ngày tôi ở Quảng Trị, có lời đồn đại ra Hà Nội là tôi đã hy sinh (sự thật là chỉ suýt hy sinh thôi). Sau đó ít lâu, người yêu đầu tiên đi lấy chống. Vợ tôi là lính văn nghệ thông tin quân đội. Gặp nhau, thấy hợp tính nết, thế là yêu. Ngày tôi đưa nàng về Hải Phòng ra mắt bố mẹ, đúng lúc đi từ ga Hải Phòng về đến trước cửa nhà người yêu đầu tiên, thì cơn mưa đột ngột trút xuống ban trưa. Cảm hứng ấy đã cho tôi viết ra bài tứ tuyệt khá nổi tiếng:

"Đưa người yêu qua nhà người yêu cũ

Rơi cơn mưa ban trưa

Chợt thấy mình tách làm hai nửa

Nửa ướt bây giờ, nửa ướt xa xưa"

Do vợ tôi là người Hà Nội, có nhà riêng ở gác ba 30 Hàng Bông, tôi sẵn sàng “chui gầm chạn” cho đỡ phải lo. Được cái “gầm chạn” tôi chui cao 5 mét nên cũng dễ thở. Dễ thở nữa là trên nóc sân thượng, tôi cơi nới thêm một tầng nhẹ. Chính tầng này là nơi tụ quần của bao nhiêu văn nghệ sĩ với nhiều thế hệ khác nhau. Thế là cuộc sống tôi có thêm một mảng đầy kỷ niệm về văn nghệ sĩ. Những bạn vong niên, những bạn đồng niên và những bạn trẻ. Già thì có Xuân Diệu, Trinh Đường, Văn Cao, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Hữu Đang, Hoàng Cầm, Trần Dần, Đoàn Chuẩn, Lê Đạt, Phùng Cung, Phùng Quán, Nguyễn Sáng... Đàn anh thì có Thu Bồn, Thanh Tùng, Ngô Thảo, Trần Chung, Văn Dung, Hồng Đăng, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Thiên Đạo, Lân Tuất... Cùng thời thì có Nguyễn Trọng Tạo, Lê Huy Quang, Chu Hoạch, Bế Kiến Quốc, Hoàng Hưng, Hoàng Trần Cương, Nguyễn Hoa, Phan Lạc Hoa... Bạn trẻ hơn thì có Nguyễn Quang Thiều, Bùi Việt Phong, Phạm Xuân Nguyên... Một thời dài, căn gác là chiếu rượu liên miên ngày này qua ngày khác và tôi gọi đó là thời kỳ tích điện. Nhờ “trường học đặc biệt này” tôi có biết bao kiến thức, câu chuyện chắc không trường nào dạy nổi. Từ đó, tôi bắt đầu viết những bài thơ chân dung, những bài báo chân dung, rồi tiến tới những tiểu thuyết chân dung. Các bài thơ chân dung in rải rác trong các tập thơ và in riêng trong tập thơ "Không mùa". Tôi còn muốn in một tập nữa và đặt tên là "Khoảnh khắc nhọn". Những bài báo chân dung đã được ấn hành trong các tập "Bóng thế kỷ, Đời nghệ sĩ – Tình nghệ sĩ "và gần đây nhất là "Thôi ta còn bạn bè". Còn tiểu thuyết chân dung thì cũng đã in nhiều tập. Năm nay, vinabook sẽ xuất bản 10 cuốn tiểu thuyết chân dung của tôi. Các tập này cũng đã mang về cho tôi nhiều giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam hàng năm.

Tính tôi thích trẻ con nên cũng hay quan tâm đến thế giới thơ ngây ấy. Tôi thực sự đi sâu vào thế giới này hơn sau khi có con. Trong nhiều bài thơ người lớn và thiếu nhi, con gái tôi đã hiện diện. Trong cả nhiều ca khúc thiếu nhi nữa. Có nhiều văn nghệ sĩ không có mảng đề tài này. Đài Tiếng nói Việt Nam đã thu thanh khá nhiều ca khúc thiếu nhi của tôi, trong đó có "Mùa xuân bao điều lạ" (phổ thơ Định Hải) khá ấn tượng cho nhiều thế hệ thiếu nhi từ 7x đến nay. Năm 2004, Nhà Xuất bản Thanh Niên đã ấn hành cho tôi và Nguyễn Trọng Tạo "Tuyển tập văn – thơ – nhạc thiếu nhi". Bọn tôi mang sang châu Âu tặng cho bà con cộng đồng người Việt. Họ rất quý vì con cháu họ rất cần có sách thiếu nhi tiếng Việt để đọc.

Tôi đi nhiều, viết nhiều. Và yêu nhiều. Có người hỏi nhà thơ Lê Huy Quang bí quyết sáng tác hay. Quang trả lời rất mộc: “Cứ em mà nện”. Có vẻ hơi thô nhưng ngẫm ra thấy đúng. Còn tôi thì viết: “Điều khốn nạn là không thể nào khác được. Không thể không tình yêu không tin ở con người”. Tất nhiên trong chuyện tình cảm với phái yếu, có chuyện mình biết chỉ đơn phương người ấy có cảm tình với mình. Có chuyện thì hai bên cùng cảm tình nhau. Cũng có chuyện thì mình lại đơn phương cảm tình với người ấy. Nhưng cũng đều là tình yêu. Chính vì có nguồn năng lượng này, tôi mới có được vài chục đầu sách, trong đó có những tập thơ tình như "Lúc ấy biển", "Lửa trắng và Ớt xanh" được nhiều bạn đọc yêu thích và thuộc. Nhà thơ Hoàng Cầm đã viết một bài kỹ càng về tập "Lửa trắng và Ớt xanh". Sang thế kỷ mới, tôi lại âm thầm thực hiện những tập thơ tình theo cách cảm mới, phá vỡ những trái buộc của đạo Khổng, của cổ hủ. Hy vọng sẽ xuất bản vào dịp gần nhất.Cuộc sống cứ ngồn ngộn trong đời sống con người. Kho báu vô giá đó mãi mãi là nguồn năng lượng vô tận của sáng tạo. Cứ sống, cứ yêu và ngợi ca cuộc sống.

Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh