CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:17

Khi trường học không là nơi an toàn

 

 SOS bạo lực học đường

Tình trạng bạo lực học đường đang có xu hướng gia tăng cả về số vụ việc, mức độ nghiêm trọng cũng như tính chất, diễn ra tại nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Ngày 29/3, theo thông tin từ Trường THCS Phù Ủng (huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên), ngày 22/3, tại nhà trường đã xảy ra sự việc đáng tiếc khi một nhóm 5 nữ học sinh lớp 9 đã tham gia đánh bạn ngay tại lớp học, làm em này phải nhập viện điều trị.

Vụ việc chưa kịp lắng xuống, ngày 1/4, mạng xã hội tiếp tục lan truyền đoạn video 1 nữ sinh bị hành hung và phải quỳ gối ở huyện Diễn Châu (Nghệ An). Nữ sinh này vừa quỳ gối vừa liên tục khóc lóc trước yêu cầu “mày phải xin lỗi” của nhóm nữ sinh.

 

Những vụ bạo lực học đường diễn ra ngày càng nghiêm trọng.

 

Mới nhất, sáng 7/4, mạng xã hội xôn xao clip ngắn ghi lại cảnh một nữ sinh bị khoảng hơn chục em khác lao vào đánh tới tấp, chửi bới. Thậm chí một số em còn dùng chân đạp thẳng vào người, lấy mũ bảo hiểm đập vào vùng đầu nữ sinh kia, dù em ấy nằm bệt xuống đất, đau đớn chịu đựng. Sự việc xảy ra tại khu vực quảng trường Cung cá heo, TP. Hạ Long (Quảng Ninh). Nhóm nữ sinh tham gia đánh hội đồng gồm 12 người, sinh năm từ 2002 - 2004, hiện là học sinh tại một số trường THPT, THCS trên địa bàn TP. Hạ Long. Nữ sinh bị đánh (tên L.A) sau đó đã phải nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, nghi bị tụ máu trong não.

Khi thầy, cô là thủ phạm

Bạo lực học đường không chỉ xảy ra trong mối quan hệ bạn bè giữa các học sinh mà vấn đề bạo lực đó lại là do chính những người làm cô, làm thầy gây ra. Năm 2018, dư luận xã hội đã “dậy sóng” trước hàng loạt vụ việc cô giáo chỉ đạo tát học sinh hay giáo viên phạt học sinh cho uống nước giặt dẻ lau bảng… Mới đây, vụ việc thầy giáo dâm ô học sinh được đưa ra ánh sáng càng khiến dư luận không khỏi lo lắng về sự an toàn trong môi trường giáo dục - môi trường trong sáng nhất mà lẽ ra học sinh phải được bảo vệ.

Cụ thể, chiều 19/11/2018, tại Trường THCS xã Duy Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình), em Hoàng Long Nhật (11 tuổi), học sinh lớp 6.2 đã bị bạn bè và cô giáo tát 231 cái do nói tục trong lớp khiến em phải nhập viện trong tình trạng 2 má thâm đen, sưng tấy, khó nhai nuốt. Không lâu sau đó, tại Hà Nội, giáo viên Trường Tiểu học Quang Trung (quận Đống Đa) bị phụ huynh "tố" đã yêu cầu bạn trong lớp tát học sinh khác 50 cái vì lỗi nói bậy.

Đau lòng hơn nữa là chuyện Hiệu trưởng trường nội trú huyện Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) Đinh Bằng My nhiều lần dâm ô học sinh nam. Theo phản ánh trên báo chí, nạn nhân nghi bị ông My xâm hại chính là các nam sinh đang học hoặc đã ra trường. Một số nam sinh cho hay, nhiều lần bị ông My gọi lên phòng làm việc nói chuyện. Vị Hiệu trưởng sau đó yêu cầu các em thực hiện một số hành vi lạm dụng tình dục. Sau mỗi lần, ông ta sẽ cho kẹo và vài chục nghìn đồng… Và mới đây nhất là ở trường Tiểu học Tiên Sơn (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) với nghi án thầy giáo trường THPT chuyên Thái Bình bị tố nhắn tin “gạ tình” học sinh đã khiến dư luận không khỏi bức xúc, phẫn nộ.

Lo nhồi nhét kiến thức, quên giáo dục giá trị sống

Thống kê gần đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) cho thấy, trung bình trong 1 năm học, trên cả nước xảy ra gần 1.600 vụ học sinh đánh nhau ở trong hoặc ngoài trường học (khoảng 5 vụ/ngày); hơn 5.200 học sinh có 1 vụ đánh nhau; hơn 11.000 học sinh có 1 học sinh bị buộc thôi học vì đánh nhau; 9 trường thì có 1 trường có học sinh đánh nhau. Trong giai đoạn 2010 - 2018, 7.735 học sinh, sinh viên vì đánh nhau đã bị xử lý kỷ luật; so với 10 năm trước, số vụ bạo hành tại trường học tăng gấp 13 lần.

 

Nữ sinh đánh bạn.

 

 Lý giải nguyên nhân tình trạng học đường gia tăng, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội (Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng) cho rằng: “Chúng ta cứ nói giáo dục kỹ năng sống nhưng không giáo dục giá trị sống cho học sinh, các em sẽ không có giá trị yêu thương, giá trị tôn trọng, không biết bảo vệ kẻ yếu, không dám chống lại điều dối trá… thì sẽ vẫn xảy ra những vụ bạo hành tương tự. Chúng ta cứ hô hào dạy làm người nhưng có dạy đâu, chỉ mải chạy theo điểm số, thành tích..., ra sức nhồi nhét những kiến thức khô cứng cho trẻ”.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, quan trọng nhất vẫn là làm sao để có nội dung, phương pháp giáo dục phù hợp với học sinh, đến được với học sinh; hiện giáo dục toàn nằm trên sách giáo khoa, trên nghị quyết, chỉ thị.

TS Nguyễn Tùng Lâm cho biết thêm, ông đã góp ý vào Luật Giáo dục là cần xác định vai trò, vị trí của giáo viên chủ nhiệm. Họ phải được đào tạo, bồi dưỡng đủ năng lực để làm việc này. Hiện ở nhiều trường công lập, công tác chủ nhiệm gần như được làm theo kiểu không công nhưng ở các trường dân lập như trường THPT Đinh Tiên Hoàng thì giáo viên chủ nhiệm được trả 3 – 5 triệu đồng/tháng. Tại sao các trường công lập không có cơ chế đãi ngộ như vậy để chọn được những người có năng lực sư phạm tốt, có kinh nghiệm làm giáo viên chủ nhiệm.

Nhận định của các chuyên gia trong nhóm nghiên cứu xây dựng quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học cũng cho rằng, trong chương trình, quá trình đào tạo giáo viên vẫn còn để “trống” mảng đào tạo về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng sống cho sinh viên; giáo viên không được bồi dưỡng thường xuyên về phương pháp sư phạm, năng lực chuyên môn… là nguyên nhân dẫn tới có một số thầy, cô giáo chưa đáp ứng năng lực và theo kịp sự biến động về tâm lý của học sinh, cá biệt còn có biểu hiện thiếu trách nhiệm, cứng nhắc, chưa chia sẻ với học sinh dẫn đến tình trạng bạo lực học đường.

NGUYỄN SÍU - CÙ HÒA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh