CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:53

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: “Bạo lực học đường và xâm hại trẻ em phải được xử lý bằng các biện pháp mạnh nhất có thể”

Xử lý nghiêm minh mới có thể ngăn chặn bạo lực học đường và xâm hại trẻ em

Đề cập đến hai vấn đề xã hội đang rất “nóng” hiện nay là bạo lực học đường và xâm hại trẻ em, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, vấn đề bạo lực trong học đường không phải bây giờ mới có và không phải chỉ Việt Nam mới có. “Nhưng tại sao gần đây cái ác len lỏi vào trong nhà trường nhiều như vậy?” - Tư lệnh ngành LĐ-TB&XH đặt câu hỏi.  

“Trước đây trẻ em, học sinh có đánh nhau không? Có. Nhưng không đánh nhau ở mức độ dã man như bây giờ. Không có cái kiểu lột quần áo hay những hành vi lệch chuẩn như bây giờ. Thứ hai, một phần là do tác động của mạng xã hội, trước đây đánh nhau không ai biết nhưng bây giờ đẩy lên mạng thì cả xã hội đều biết. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa chủ trì hội nghị cũng bàn về vấn đề này, Thủ tướng cũng đã có kết luận rồi. Chúng tôi tuần vừa qua cũng đã bàn đến những giải pháp rất mạnh để giải quyết vấn đề này. Tôi đề nghị, dứt khoát chúng ta phải xử lý mạnh hơn đối với các vi phạm trong nhà trường. Tất cả ai vi phạm vấn đề bạo lực hay xâm hại trẻ em đều phải xử lý bằng các biện pháp mạnh nhất có thể. Đối với các cơ sở giáo dục nếu như để xảy ra các vi phạm thì người quản lý cũng phải chịu trách nhiệm. Chúng ta phải xử lý nghiêm minh vấn đề này thì mới ngăn chặn được” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung gặp mặt trẻ em nhân Ngày trẻ em thế giới 20/11 


Theo Bộ trưởng, hiện nay có một khu vực tiềm ẩn nguy cơ rất cao, đó là nhà trẻ, mẫu giáo ở các khu công nghiệp. Thời gian qua, các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em xảy ra chủ yếu là ở nhà trẻ tư thục và khu vực công nhân. Các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em có quy mô lớn, giáo viên được đào tạo căn bản, có chính sách tốt ít xảy ra những vi phạm. “Tới đây, chúng tôi cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ lập các đoàn kiểm tra và kiên quyết xử lý các cơ sở vi phạm” - Bộ trưởng thông tin.

Cũng liên quan đến các vấn đề xã hội, tư lệnh ngành LĐ-TB&XH cho rằng, nạn tin giả đang trở thành thách thức đối với sự ổn định chính trị, xã hội, rất cần được quan tâm xử lý. Trong một số vụ việc, nhiều khi chính báo chí và mạng xã hội đã cổ súy cho một số hiện tượng để câu view, tạo nên sự truy cập rất lớn, như hiện tượng Khá "bảnh" mới đây… Điều đó làm cho xã hội lệch lạc, tạo sự lệch chuẩn trong một bộ phận giới trẻ. “Tại sao những chuyện như vậy vào trong nhà trường, lan tràn trong xã hội nhưng hầu như chúng ta không có phản ứng kịp thời? Vậy người quản lý ở đâu? Chúng ta phải rất chú ý đến vấn đề này, phải quản lý, không chỉ về mặt luật pháp, phải quản lý cả báo chí” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Xóa đói giảm nghèo sẽ vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra

Đánh giá thêm về việc thực hiện một số lĩnh vực của ngành LĐ-TB&XH thời gian qua, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, các kết quả đạt được về cơ bản là rất tốt.

“Chương trình giảm nghèo đến thời điểm này có thể khẳng định chúng ta sẽ vượt chỉ tiêu mà Quốc hội đã đề ra. Đến giờ là 1,35%, riêng các huyện nghèo, chúng ta đặt ra  giảm 4% đến nay đã đạt 5%. Điều rất mừng là trong quý 1 đã tạo việc làm cho 358 nghìn người, nhờ vậy đã góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống rất rõ rệt. Có lẽ đây là quý mà tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống thấp nhất từ trước tới nay, xuống còn xấp xỉ 2%. So với cùng kỳ năm 2018 thì tỷ lệ này cao hơn rất nhiều", Bộ trưởng thông tin. 

Ngoài ra, vấn đề thiếu đói cũng đã giảm rõ rệt, hơn 30%.

Trong khu vực doanh nghiệp, Bộ trưởng cho rằng, việc chúng ta giải quyết quan hệ lao động hài hòa đã giảm thiểu và xử lý kịp thời các vụ đình công và tranh chấp lao động nhất là trong dịp Tết. Nhờ vậy, trong quý 1 tình trạng đình công và tranh chấp được giải quyết rất ổn thỏa. Tính ra cả quý 1 chỉ có 11 vụ, so với năm 2018 là 55 vụ thì đã giảm tới 80%.

Đối với viêc kiểm soát các cơ sở cai nghiện ma túy, Bộ trưởng cho biết, thời điểm này năm ngoái việc kiểm soát là khá khó khăn nhưng năm nay, do có sự chuẩn bị tốt, cộng thêm các địa phương cũng quán triệt rất sâu sắc vấn đề này, do đó các cơ sở cai nghiện ma túy kiểm soát tương đối tốt, mặc dù tình trạng ma túy đá, ngáo đá vẫn diễn ra rất phức tạp nhưng rõ ràng chúng ta đã kiểm soát được trong các cơ sở cai nghiện.

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thăm hỏi đời sống người lao động tại Cty TNHH SEWING-T&T (Thanh Hóa)


Giáo dục nghề nghiệp chuyển biến rất rõ rệt

Trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, đến nay chúng ta có khoảng 542 nghìn người đang lao động ở nước ngoài, trong đó một năm đưa khoảng 140 nghìn người đi làm việc ở nước ngoài. Thời gian gần đây, tình trạng lao động bất hợp pháp đã giảm đi rõ rệt. Ở Hàn Quốc còn 32%, trong khi năm 2017 là 56%, cao nhất trong các nước phái cử lao động. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đã cơ bản hoàn tất việc đàm phán với Nhật Bản về vấn đề lao động đặc định của Nhật Bản, đảm bảo các mục tiêu: theo đúng luật pháp Việt Nam, đảm bảo quyền lợi người lao động và giảm được thuế thu nhập và thuế cư trú cá nhân cho người lao động. “Nếu giảm được các loại thuế này thì một năm sẽ giảm thuế cho Việt Nam khoảng 300 triệu USD” - Bộ trưởng thông tin.

Tuy nhiên, Tư lệnh ngành LĐ-TB&XH cũng thẳng thắn thừa nhận, vẫn còn nhiều vấn đề liên quan đến lao động Việt Nam ở nước ngoài. Thứ nhất là tình trạng vi phạm pháp luật của lao động Việt Nam ở nước ngoài còn cao, tập trung vào hai đối tượng: những người đi du học tự túc sau đó trốn ở lại lao động và một bộ phận lao động chuyển từ công ty này sang công ty kia.

“Vậy tại sao lao động bất hợp pháp nhiều như vậy? Theo tôi có nguyên nhân từ cả hai phía. Phía doanh nghiệp nước bạn cũng tìm cách giữ lao động lại, thậm chí đào cả hầm cho lao động trốn. Bên cạnh đó hiện nay chúng ta vẫn còn có khoảng trống pháp luật. Luật pháp hiện chỉ mới quy định lao động Việt Nam được đưa đi thông qua doanh nghiệp. Nhưng vẫn còn đối tượng qua lại đường biên như Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan thì pháp luật vẫn chưa quy định ai quản lý. Do đó, chủ yếu hiện nay vẫn là dạng bảo hộ công dân. Sau này khi sửa Luật đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, chúng ta sẽ phải bổ sung thêm vấn đề này” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, Tư lệnh ngành LĐ-TB&XH khẳng định đã có chuyển biến rất rõ rệt. Quy mô đào tạo được nâng lên, dư luận xã hội và sự đồng tình của xã hội cũng tăng lên. Nhờ vậy đã góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, số các em học nghề ra trường cũng có việc làm ngay do được đặt hàng đào tạo theo nhu cầu và doanh nghiệp kết nối tương đối tốt. Đây thực sự là một chuyển động rất rõ rệt.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, có hai vấn đề cần lưu tâm trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

“Thứ nhất là hiện nay có một “điểm nghẽn” là việc quản lý các trung tâm giáo dục nghề nghiệp cấp huyện hiện đang bị chồng chéo, cùng một lúc có hai cơ quan quản lý là Bộ giáo dục và Đào tạo và Bộ LĐ-TB&XH. Sắp tới chúng tôi sẽ cùng Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Phùng Xuân Nhạ bàn kỹ cách xử lý sao cho đồng bộ, đảm bảo giảm tải và tiết kiệm. Thứ hai là một số vấn đề liên quan đến tự chủ trong Luật giáo dục. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã chỉ đạo, Bộ Giáo dục sẽ cùng với Bộ LĐ-TB&XH sửa đổi Luật giáo dục để làm sao giải quyết vấn đề liên thông. Học sinh lớp 9 được vào học  thẳng giáo dục nghề nghiệp chứ không mất thêm thời gian dài nữa, đảm bảo làm sao nâng dần tỷ lệ đào tạo có chứng chỉ  từ 22% hiện nay lên cao hơn nữa. Việt Nam đang là một trong những nước thấp nhất trong khu vực, đứng thứ 10 trong khu vực về trình độ đào tạo có chứng chỉ” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bài: CHÂU GIANG; Ảnh: MẠNH DŨNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh