THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 07:37

Khi nông thôn trở thành những vùng quê đáng sống

Sắc màu làng quê hiện đại

Đến với các xã của huyện Đan Phượng, Hà Nội vào những ngày này, chúng tôi đã cảm nhận được phong trào xây dựng nông thôn mới đã giúp mảnh đất ven đô khởi sắc theo từng ngày. Bao quanh những con đường bê tông khang trang, sạch đẹp là hình ảnh những bức tường bích họa đầy màu sắc, hay những hàng cây xanh và hoa được cắt tỉa gọn gàng; những ngôi nhà được gắn biển số rõ ràng chẳng kém gì các tuyến đô thị. Nhìn ra các cánh đồng, thửa ruộng là bạt ngàn những vườn hoa phong lan, ly, cúc, hồng… được chăm sóc cẩn thận trong những nhà lưới đang chúm chím khoe sắc chuẩn bị cho mùa thu hoạch vụ tết.

Trước những đổi thay hàng ngày của quê hương, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Tháp Thượng, xã Song Phượng Nguyễn Thị Thỏa phấn khởi cho biết: "Từ khi có đường mới, người dân được hưởng lợi rất nhiều, nhất là việc giao thương đã trở nên dễ dàng hơn. Các tuyến đường trong thôn đều được vệ sinh sạch sẽ, cống rãnh có nắp đậy nên không còn ô nhiễm. Từ đó, tự bản thân mỗi người dân đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn cảnh quan môi trường, cùng nhau tạo cảnh sắc không gian xanh, sạch cho từng đường làng, ngõ xóm".

Khi nông thôn trở thành những vùng quê đáng sống - Ảnh 1.

Đường làng, ngõ xóm sạch đẹp nhờ nông thôn mới.

Không chỉ tạo dựng được môi trường sống tốt cho người dân, những năm qua, Đan Phượng đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN), coi đó là động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển, góp phần tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập của nông dân. Nhiều dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất, thu hút doanh nghiệp (DN) và hộ gia đình tham gia đã được triển khai.

Gia đình bà Nguyễn Thị Kim Dung (xã Phương Đình, huyện Đan Phương) là một trong những hộ dân sớm áp dụng KHCN vào trồng hoa lan Hồ Điệp. Bà Dung chia sẻ, trước đây mặc dù gia đình có đất canh tác nhiều nhưng nằm manh mún mỗi nơi một mảnh nên trồng lúa, rau màu giá trị kinh tế thấp. Năm 2010, gia đình bà Dung mạnh dạn làm đơn xin dồn điền đổi thửa tập trung tất cả diện tích đất của gia đình tại một nơi, cùng với đó bà vay ngân hàng 1 tỷ đồng đầu tư xây dựng 6 dãy nhà kính, màng, diện tích gần 3.000 m2 sản xuất giống hoa và 40 nghìn cây hoa thương phẩm lan Hồ điệp. Đến nay thu nhập từ trồng hoa mỗi năm thu lãi từ 3,6 tỷ đến bốn tỷ đồng.

Khi nông thôn trở thành những vùng quê đáng sống - Ảnh 2.

Người dân Đan Phương, Hà Nội áp dụng khoa học công nghệ trồng hoa lan.

Giống như bao vùng quê khác, 9 năm trước Yên Sở, Hoài Đức (Hà Nội) cũng là xã có cơ sở hạ tầng còn khó khăn, nghèo nàn. Thế nhưng từ khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, bộ mặt xã Yên Sở đã có nhiều chuyển biến tích cực, đưa đời sống của người dân đi lên. Mới đây, Yên Sở đã được công nhận là xã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Đến Yên Sở hôm nay có thể cảm nhận những bước đổi thay rõ rệt của một làng quê. Khu nhà văn hóa, thể thao diện tích 1,4ha được đầu tư đồng bộ, là nơi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao và hội họp của toàn dân. Các ngõ xóm đều được gắn biển, đặt tên. Những tuyến đường thôn xóm, liên xã được đổ bê tông rộng và đẹp. Tối đến, đèn cao áp chiếu sáng các trục đường giao thông khiến làng quê nhộn nhịp như phố phường...

Chủ tịch UBND xã Yên Sở Nguyễn Đình Khoa cho biết, từ một xã thuần nông, đến nay, Yên Sở đã mang dáng dấp của một đô thị. Người dân phát triển đa nghề trong đó có phát triển các vườn cây ăn quả có múi như cam, bưởi, phật thủ và chế biến nông sản. "Hiện nay, thu nhập bình quân ở Yên Sở ước đạt 52 triệu đồng/người/năm..." ông Nguyễn Đình Khoa thông tin thêm.

Không chỉ thay đổi trong phát triển kinh tế và diện mạo làng quê, xã còn bảo tồn, phát huy được nét đẹp trong văn hóa truyền thống. Năm 1995, bản hương ước làng Yên Sở hoàn thành, gồm 6 chương, 63 điều, quy định khá đầy đủ những việc được và không được làm của người dân. Ví như, khao thọ các cụ được tổ chức vào mùng 4 Tết tại Quán Giá; việc cưới chỉ ăn một bữa chính vào chiều hôm trước lễ cưới. Cùng với phát huy văn hóa truyền thống, đời sống tinh thần của nhân dân luôn được nâng cao. Xã hiện có các câu lạc bộ: Bóng bàn, bóng chuyền hơi, cờ tướng, yoga, dưỡng sinh... thu hút đông đảo nhân dân tham gia.

Khi nông thôn trở thành những vùng quê đáng sống - Ảnh 3.

Nghề trồng hoa cho người dân thu nhập cao.

Diện mạo làng quê trên vùng đất "Đệ nhất danh trà"

Đến với Tân Cương - nơi được xem là đệ nhất chè Thái Nguyên, chứng kiến cuộc sống ấm no của người dân, mới thấy sức lan tỏa của phong trào nông thôn mới ở nơi đây. Những người nông dân trồng chè giờ đây đã có thu nhập cả tỷ đồng.

Đi qua những đồi chè búp xanh ngút ngàn, chúng tôi đến gia đình anh Trần Văn Thắng chủ cơ sở chè Tân Cương Thắng - Hường, ở xóm Hồng Thái 2. Với khoảng 9.000 m2 đất trồng chè, cơ sở của gia đình anh Thắng chủ yếu chế biến chè cao cấp như chè móc câu, chè nõn, chè đinh, giá bán khoảng từ 500 nghìn đồng đến 2.000.000 đồng/kg chè.

Theo anh Thắng cơ sở sản xuất của gia đình lúc nào cũng có từ 15 đến 20 công nhân. Những năm gần đây, gia đình anh chú trọng đầu tư thiết bị chế biến chè và nhà xưởng, hệ thống bơm tưới tiêu tự động. Đến nay cơ sở của gia đình anh có đầy đủ khu nhà xưởng chế biến chè rộng 700m2 với các thiết bị chế biến và bảo quản chè như máy sao chè, vò chè, máy lấy hương chè, máy lạnh để bảo quản chè. Thu nhập từ sản phẩm chè của gia đình anh ước đạt khoảng 2 tỷ đồng.

Khi nông thôn trở thành những vùng quê đáng sống - Ảnh 4.

Vùng đất chè Thái Nguyên đổi thay từng ngày nhờ nông thôn mới.

Theo ông Phạm Tiến Sỹ, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Cương, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã tạo "cú hích" cho Tân Cương trong xây dựng phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân. Tận dụng thế mạnh từ cây chè nhiều gia đình đã thu tiền tỷ mỗi năm. Kinh tế phát triển, đời sống nâng cao, người dân có điều kiện để quan tâm, đóng góp, ủng hộ xây dựng cơ sở hạ tầng. Việc thi đua làm đường, làm nhà văn hóa đã trở thành phong trào rộng khắp các xóm trên địa bàn xã. Để làm đường giao thông, xã đã vận động trên 300 hộ dân tham gia hiến đất với tổng diện tích 20.690m2, đến nay, 100% các tuyến đường giao thông liên xóm, xã được kiên cố hóa; 100% các trường học đạt chuẩn quốc gia... Trong 5 năm, tổng nguồn vốn đầu tư thực hiện chương trình NTM ở Tân Cương là 28,43 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 3,1 tỷ đồng. Để nâng cao chất lượng chè, Tân Cương đã hình thành 5 tổ hợp tác xã sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Với giá bán từ 250.000 - 1.500.000 đồng/kg, cây chè đã góp phần nâng cao đời sống cho nhiều hộ đồng bào sinh sống ở nơi đây.

Việc triển khai xây dựng nông thôn mới trên vùng đất Thái Nguyên đã tạo ra những diện mạo mới cho nhiều vùng quê nơi đây, đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân từng bước được nâng lên.

Tính đến tháng 6/2019, tổng nguồn vốn huy động để xây dựng nông thôn mới trên địa bàn đạt trên 777 tỷ đồng, trong đó kinh phí từ nguồn của Thành phố trên 338 tỷ đồng, kinh phí nhân dân đóng góp trên 127 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này, Thành phố đã đầu tư xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội nông thôn; hoàn thiện bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, 100% đường giao thông xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, 100% đường trục xóm và đường liên xóm được cứng hóa. Những con đường hoa rực rỡ sắc màu đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều hơn tại các xã vùng nông thôn mới, góp phần đem lại diện mạo sáng- xanh-sạch- đẹp cho những vùng quê thanh bình.

Hiện nay ngoài chè Tân Cương, thành phố Thái Nguyên còn có nhiều sản phẩm đặc trưng được khách hàng ưa chuộng như: ổi Linh Nham, hoa Huống Thượng, rau Đồng Liên..v.v. Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được nâng cao; thu nhập bình quân đầu người các xã vùng nông thôn tăng từ 20 triệu đồng năm 2011 lên trên 45 triệu đồng năm 2018. Góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn Thành phố từ 3,61% năm 2012 xuống còn 1,13% năm 2018.

Phải nói rằng trong thời gian 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã thực sự khơi dậy ý chí, khát vọng của mỗi người dân luôn hướng tới xây dựng quê hương mình thành những nơi đáng sống nhất.

Sau hơn 9 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM), tính đến tháng 10/2019, cả nước đã có 4.665 xã (52,4%) đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành vượt 2,4% so với mục tiêu 10 năm (2010-2020) của Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao.

Trong số các xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, có 87 xã dặc biệt khó khăn thuộc chương trình 135 và 42 xã vùng bãi ngang ven biển, hải đảo.

Đồng thời, đã có 63 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và đã địa phương có xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Có 08 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới gồm: Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương, và Cần Thơ.

Cả nước đã có 109 đơn vị cấp huyện của 41 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đặc biệt, tỉnh Đồng Nai và Nam Định đã có 100% xã và 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

CHÂU ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh