THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 07:48

Gia Lai: Tăng cường kết nghĩa với làng đồng bào để thúc đẩy xây dựng nông thôn mới

Gia Lai: Tăng cường kết nghĩa với làng đồng bào để thúc đẩy xây dựng nông thôn mới - Ảnh 1.

Lãnh đạo thôn 9 xã Yang Trung vận động người lớn tuổi ở làng Hle Hlang về xây dựng hương ước chung của 2 thôn

Đẩy mạnh kết nghĩa với buôn làng

Ông Võ Văn Hưng-Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Chánh văn phòng điều phối nông thôn mới huyện Kông Chro cho biết, vừa qua, ủy ban nhân dân huyện đã xây dựng kế hoạch phân công các cơ quan, đơn vị kết nghĩa với các làng đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã, thị trấn nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch triển khai phải thiết thực, phù hợp với thực tiễn của từng địa phương. Đặc biệt, chú trọng tập trung hỗ trợ các làng về thực hiện các tiêu chí trong Bộ tiêu chí làng nông thôn mới mà cụ thể là triển khai thực hiện và hoàn thành các tiêu chí, chỉ tiêu do đơn vị phụ trách. Hiện nay, hầu hết cơ quan, đơn vị đã hoàn thành việc xây dựng kế hoạch giúp đỡ các làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Gia Lai: Tăng cường kết nghĩa với làng đồng bào để thúc đẩy xây dựng nông thôn mới - Ảnh 2.

Cán bộ Trung tâm Dịnh vụ nông nghiệp huyện Kông Chro trồng cây ăn quả tại làng Glung

Là đơn vị được phân công kết nghĩa với làng Glung (xã Yang Nam), ông Nguyễn Quang Quốc-Giám đốc Trung tâm Dịnh vụ nông nghiệp huyện Kông Chro cho hay, làng Glung là một trong những làng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Vì thế, để đạt được mục tiêu xây dựng làng Glung thành làng nông thôn mới, đơn vị đã xây dựng kế hoạch triển khai đến từng cán bộ, công chức về nhiệm vụ giúp đỡ làng. "Hiện tại, đơn vị đã hỗ trợ 100 cây ăn quả gồm bưởi, nhãn, mít để người dân trồng tạo cảnh quan cho làng và sẽ cho thu nhập sau này. Thời gian đến, chúng tôi sẽ chọn những nội dung thiết thực để vận động người dân đồng lòng chung tay góp sức. Trong đó, trọng tâm là mở các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi cho người dân; chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp; quy hoạch các vùng sản xuất tập trung và dựa theo lợi thế riêng của địa phương mà khuyến khích người dân phát triển từng loại cây trồng mang tính chủ lực, hình thành vùng sản xuất tập trung...", ông Quốc nói.

Ông Siu Day-Bí thư chi bộ, trưởng thôn làng Glung đánh giá rằng việc làm này rất có ý nghĩa với cuộc sống của bà con hiện nay. "Thời gian tới, chúng tôi sẽ cùng với lãnh đạo Trung tâm lựa chọn những nội dung thiết thực để phối hợp vận động, khích lệ, động viên người dân chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới. Trong đó, chú trọng giám sát việc bảo vệ môi trường, đẩy mạnh triển khai xây dựng và nhân rộng mô hình phát triển sản xuất tăng thu nhập; tăng cường tuyên truyền, xây dựng nhân rộng những mô hình sản xuất có hiệu quả; đảm bảo an ninh trật tự xã hội", ông Siu Day cho hay.

Gia Lai: Tăng cường kết nghĩa với làng đồng bào để thúc đẩy xây dựng nông thôn mới - Ảnh 3.

Một góc làng Hle Hlang sau khi được quy hoạch xây dựng làng nông thôn mới

Phát huy tình đoàn kết các dân tộc

Theo ông Đinh Văn Brơn-phó Chủ tịch ủy ban nhân dân xã Yang Trung, năm 2018, thực hiện chủ trương của ủy ban nhân dân huyện, làng Hle Hlang được chọn làm điểm để xây dựng làng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện chủ trương này, cả hệ thống chính trị của xã đã tích cực vào cuộc, cùng với bà con chung sức xây dựng nông thôn mới. Đến nay, làng đã đạt 11/19 tiêu chí. Hiện nay, huyện đã có kế hoạch phân công các cơ quan, đơn vị hỗ trợ làng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ giúp người dân trong việc thay đổi nếp nghĩ cách làm, phát triển sản xuất, để sớm hoàn thành mô hình làng nông thôn mới.

Gia Lai: Tăng cường kết nghĩa với làng đồng bào để thúc đẩy xây dựng nông thôn mới - Ảnh 4.

Người đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Kông Chro đang chăm đàn bò của mình

Theo ông Brơn, kế hoạch của ủy ban nhân dân huyện không chỉ phân công các cơ quan, đơn vị kết nghĩa với làng đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã, thị trấn mà còn có các làng người Kinh kết nghĩa với các làng đồng bào dân tộc thiểu số trên cùng địa bàn xã. Theo kế hoạch của ủy ban nhân dân huyện, 2 thôn người Kinh của xã (thôn 9 và thôn 10) cũng được phân công kết nghĩa với làng Hle Hlang và Tnang nhằm góp phần tăng cường sự đoàn kết giữa các dân tộc, giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế, từng bước nâng dần mức sống cho người dân. Đến thời điểm này, tất cả các làng đã triển khai lực lượng giúp bà con xây dựng làng nông thôn mới.

Ông Phạm Văn Lịm-Trưởng thôn 9 (xã Yang Trung) cho hay, 2 làng đã ký bản cam kết thống nhất phối hợp thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm để xây dựng làng Hle Hlang thành làng nông thôn mới kiểu mẫu. "Để tiện cho việc phối hợp, đầu tiên chúng tôi đã xây dựng chung bản hương ước cho cả 2 làng. Trước mắt, chúng tôi sẽ rà soát và lập danh sách các hộ nghèo để phân công các đoàn thể phụ trách giúp họ thay đổi nếp nghĩ cách làm, phát triển kinh tế cho bà con, từng bước vươn lên xóa đói, giảm nghèo. Hiện chúng tôi đã huy động lực lượng đoàn viên thanh niên giúp các hộ gia đình sửa sang lại hàng rào và trồng cây ăn quả", ông Lịm nói.

Gia Lai: Tăng cường kết nghĩa với làng đồng bào để thúc đẩy xây dựng nông thôn mới - Ảnh 6.

Làng Hle Hlang sau khi được quy hoạch xây dựng làng nông thôn mới

Còn ông Đinh Bloch-Bí thư chi bộ, Trưởng thôn làng Hle Hlang thì mong muốn qua lễ kết nghĩa này, tình cảm giữa các làng được gắn bó, đoàn kết hơn nữa. "Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức phối hợp với nhau trong công tác tuyên truyền vận động người dân xây dựng làng nông thôn mới. Trong thời gian tới, dân làng cũng mong muốn làng người Kinh quan tâm hơn nữa trong công tác hỗ trợ cho nhân dân phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo. Đồng thời, cũng mong muốn họ giúp đỡ về vật chất, vật lực để làng Hle Hlang trở thành làng kiểu mẫu nông thôn mới của xã và huyện, ông Trưởng thôn mong mỏi. Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Văn Hưng-Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phó Chánh văn phòng điều phối nông thôn mới huyện Kông Chro cho rằng, với sự quyết tâm vào cuộc của chính quyền các cấp từ huyện đến cơ sở đã khẳng định sự nỗ lực trong việc giúp các làng đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng nông thôn mới. Từ đó, người dân sẽ nhận thức được ý nghĩa tốt đẹp của chương trình mục tiêu quốc gia. Mong rằng, công tác kết nghĩa sẽ thực sự phát huy tình đoàn kết các dân tộc, từng bước thay đổi nếp nghĩ cách làm, thói quen sinh hoạt, không ngừng nâng chất lượng các tiêu chí ở mức độ đạt cao hơn để tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Kông Chro là huyện nằm ở phía đông của tỉnh Gia Lai, được tách ra từ huyện cũ An Khê. Đây là địa phương có khí hậu khắc nghiệt, đặc biệt là nguồn nước khan hiếm và khí hậu khô khan. Dân số ở đây khoảng 50.000 người, chủ yếu là người Kinh, Bahnar, J'rai, Mường, Tày, Dao... đa số đều nghèo, sống chủ yếu dựa vào canh tác các loại cây nông nghiệp ngắn ngày như mía, mỳ, bắp lai, dưa hấu, ớt... Hiện nay, huyện Kông Chro có 1 xã đạt 15 tiêu chí nông thôn mới là xã An Trung; 1 xã đạt 13 tiêu chí là Yang Nam; 2 xã đạt 12 tiêu chí là Chư Krey và Yang Trung; 4 xã đạt 11 tiêu chí là Kông Yang, Sró, Đak Kơ Ning và Đak Pơ Pho; 3 xã đạt 10 tiêu chí là Ya Ma, Đak Pling và Đak Tơ Pang; 2 xã đạt 9 tiêu chí là Chơ Long và Đak Sông.

LÊ NHUẬN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh