Những làng quê bên miệng hà bá
- Tây Y
- 16:50 - 08/12/2017
Nhà của người dân thôn Tân Ba (xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế) nằm sát bên điểm sạt lở nghiêm trọng
Nguyên nhân trực tiếp của việc sạt lở vẫn là do mưa lũ. Nhưng sâu xa của nó lại là do vấn nạn khai thác cát, sỏi một cách bừa bãi; còn những người đi khai thác thì ngày trở nên mạnh động, liều lĩnh và bất chấp.
Tại thôn Tân Ba (xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế), nhiều người dân bức xúc đã tập trung, cùng viết đơn kiến nghị lên các cấp chính quyền, đề nghị can thiệp nạn khai thác cát sỏi trái phép, gây ảnh hưởng đến đời sống của họ. Hàng chục diện tích vườn trồng chuối, thanh trà, mít và cây lồ ô ở nơi đây đã nghiêng ngả hoặc lọt thỏm xuống lòng khe Lụ (một nhánh của sông Hữu Trạch), trong sự nuối tiếc công sức của người nông dân. Công sức bỏ ra để canh tác với hy vọng đợi thu hoạch vào dịp tết Nguyên đán sắp tới bỗng chốc mất trắng. Khi nghĩ về tương lai, họ sợ con cháu mình, không biết liệu có còn đất để canh tác và xây dựng nhà nữa hay không?
Khe Lụ bắt nguồn từ khu vực Đồng Tân (xã Phú Sơn, thị xã Hương Thủy) hòa vào sông Hữu Trạch ở thôn Tân Ba. Do vậy, địa hình thôn Tân Ba giống như một ốc đảo bị dòng Hữu trạch và Khe Lụ chia cắt nên việc sạt lở, mất đất là rất nguy hiểm cho cuộc sống lao động, sản xuất của cư dân ở đây.
Được biết, thôn Tân Ba có 115 hộ gia đình. Cuộc sống chủ yếu của người dân phụ thuộc vào việc trồng trọt, chăn nuôi gia súc, một bộ phận làm nghề chài lưới,….Trong những năm trở lại đây, cuộc sống vốn dĩ bình yên của làng quê khuất nẻo, nằm tận thượng nguồn nhánh Hữu Trạch – sông Hương đã bị quấy nhiễu vì nạn khai thác cát sỏi trái phép của các tàu thuyền, trong đó có cả tàu thuyền của cư dân trong thôn Tân Ba.
Trước nguy cơ mất đất, mất nhà, nhiều hộ dân ở thôn Tân Ba nói riêng và cả khu vực thượng nguồn sông Hương đã nhiều lần tổ chức dân đẩy đuổi cát tặc. Thậm chí tại thôn Hạ, xã Dưng Hòa (thị xã Hương Thủy), người dân nơi đây đã thành lập đội tự quản, họ dựng lán trại ngay bên bờ sông Hữu Trạch để ngăn chặn vấn nạn khai thác cát sạn trái phép, ngoài khung giờ cho phép của tỉnh Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, do nguồn lực của người dân có hạn, trong khi cát tặc trên thượng nguồn sông Hương ngày càng liều lĩnh, manh động và sẵn sàng đáp trả người dân bằng cả ngôn từ lẫn hành động tay, chân. Do đó, khoáng sản dưới lòng sông thì vẫn cứ mất hàng ngày, hàng giờ; đất đai, nhà cửa, cây cối của người dân sống dọc hai bên bờ các nhánh thượng nguồn sông Hương nhiều chỗ đã đổ sập xuống dưới lòng sông hoặc đang trực chờ bên miệng hà bá.
Mới đây, theo chân các chiến sỹ Cảnh sát đường thủy tỉnh Thừa Thiên Huế đi kiểm tra nạn khai thác cát, sỏi trên nhánh Hữu Trạch, thượng nguồn sông Hương, chúng tôi đã ghi nhận được cảnh tan hoang của 2 bên bờ sông này. Bắt đầu từ ngã ba Bằng Lãng chạy vào nhánh Hữu Trạch, bên bờ Nam của con sông là các thôn Võ Xá, Vỹ Dạ, Tân Ba (xã Thủy Bằng), còn bên kia là các thôn La Khê Trẹm, Kim Ngọc (xã Hương Thọ, thị xã Hương Thủy), rồi lên thôn Hạ (xã Dương Hòa), hàng chục điểm sạt lở nghiêm trọng cả (mới và cũ) đang đe dọa trực tiếp đến an toàn tính mạng, tài sản người dân cũng như đường giao thông và các công trình công cộng.
Hình ảnh sạt lở bờ sông Hữu Trạch nhìn từ ca nô:
Sạt lở bờ sông ăn sâu vào đất vườn của người dân
Một điểm sạt lở mới ngay bên cạnh điểm sạt lở cũ đã được gia cố
Đất trồng cây keo, tràm của người dân thôn Tân Ba bị sạt lở xuống lòng sông
Vườn thanh trà của một hộ dân thôn tân Ba cũng đổ sập xuống sông
Có những điểm sạt lở đã cũ nhưng không được gia cố
Nhiều nhà dân đứng trước miệng hà bá. Người dân lo sợ chẳng biết sẽ bị nuốt chửng khi nào
Nhiều điểm sạt lở liên tiếp nằm hai bên bờ sông
Khe Lụ, một nhánh sông Hữu Trạch nham nhở những vết sạt lở
Sạt lở bờ sông Hương đe dọa đến cả đường Quốc lộ 49
Nhiều làng quê bên thượng nguồn sông Hương nằm bên miệng hà bá
Cuộc sống người dân thì cứ chông chênh như chính con đò đánh cá của họ vậy
Trong khi con sông họ yêu thương, gắn bó thì cứ phải chịu những nỗi đau do chính con người tạo ra