CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 05:51

Bỏ điểm sàn đại học: Lo ngại phổ cập đại học

 

Mở rộng đầu vào

“Tuyển sinh ngày càng khó khăn”, hay “Thí sinh đi đâu hết rồi”… là câu nói của nhiều lãnh đạo các trường đại học top giữa, trường ngoài công lập, trường cao đẳng trong mùa tuyển sinh 2016. Thậm chí những trường top đầu phải tuyển đến nguyện vọng 2 mới đủ chỉ tiêu. Đây là điều hi hữu trong công tác tuyển sinh trong những năm qua. 


Một giờ học của học viên lớp trung cấp trồng trọt và bảo vệ thực vật, Trường Trung cấp nghề dân tộc nội trú tỉnh Trà Vinh. Ảnh: Phúc Sơn/TTXVN  


Để chuẩn bị cho mùa tuyển sinh 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD- ĐT) đã sớm công bố dự thảo quy chế tuyển sinh để lấy ý kiến góp ý. Trong đó, nổi bật nhất là Bộ chỉ quy định điều kiện cần chung nhất là thí sinh tốt nghiệp THPT, còn điều kiện đủ do các trường quy định. Các trường phải công bố công khai cho xã hội biết điều kiện đầu vào trong đề án tuyển sinh của trường. Sẽ không còn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào hay điểm sàn như mọi năm nữa. 

Khi thông tin này được đưa ra, phản ứng mạnh mẽ nhất là từ phía các trường cao đẳng, trung cấp. Chia sẻ về hướng đi đối với các trường khối ngoài công lập, bà Trần Kim Phương, Chủ tịch hội đồng quản trị trường CĐ ASEAN cho rằng, việc tuyển sinh của các trường cao đẳng đã gặp vô vàn khó khăn rồi nhưng nay lại gặp thêm quy định này thì chắc chắn việc đóng cửa sẽ trong nay mai khi không thể tuyển sinh được. Bởi chỉ cần tốt nghiệp thí sinh sẽ lao vào đại học chứ không vào cao đẳng để học. Đề nghị Bộ xem lại vấn đề này. 

Trong khi Bộ GD – ĐT không có điểm sàn thì Bộ LĐ-TB&XH – đơn vị quản lý mới của các trường cao đẳng lại có quy định điểm sàn cao đẳng. “Sự mâu thuẫn này cần phải nhìn nhận lại để tránh phá vỡ luồng phân khúc nghề nghiệp”, TS Lê Trường Tùng, ĐH FPT chỉ ra. 

Trao đổi với báo Tin Tức về những lo ngại này, Giáo sư, Viện sĩ Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, tỷ lệ tốt nghiệp của nước nhà hiện nay 98, 99%. Như vậy, ai cũng có thể vào đại học được. Tình trạng phổ cập đại học sẽ diễn ra nếu quy định thực hiện trong bối cảnh giáo dục hiện nay. Dù là mở đầu vào nhưng cần phải xem xét quá trình học. Đầu ra các trường có kiểm soát được không, đảm bảo chất lượng hay không mới là điều cần bàn tới. Chưa bao giờ việc vào đại học lại dễ dàng như hiện nay.

Cần cân đối với các chương trình chưa kiểm định

Tuy nhiên, nhìn từ kinh nghiệm quốc tế và đề xuất cho bối cảnh tuyển sinh của Việt Nam, GS Nguyễn Quý Thanh, Giám đốc Trung tâm khảo thí, ĐH Quốc gia Hà Nội phân tích: “Chính sách tuyển sinh các nước (bao gồm cả vấn đề “điểm sàn”), cần được xem xét trong bối cảnh của nền giáo dục đại học các nước tương ứng, những nơi mà việc giám sát chất lượng giáo dục được thực hiện chặt chẽ bởi cơ quan kiểm định chất lượng. Việc kiểm định chất lượng các trường đại học (dù là bắt buộc hay tự nguyện) ở các nước này đã được thực hiện khá lâu và mang tính định kỳ. Nhờ đó, niềm tin đối với chất lượng giáo dục đại học đã được khẳng định. Mặc dù vậy, các nước này cũng gặp phải những vấn đề nhất định trong quá trình phân quyền tự chủ cho các trường về tuyển sinh mà Việt Nam cần lưu ý để tránh. Thí dụ, nghiên cứu đã nêu trên của Cecile H. McGrath và những người khác đã phát hiện ra rằng “việc trao quyền tự chủ cho các trường đại học trong việc tuyển sinh sẽ làm tăng sự khớp nối giữa người học với các ngành đào tạo, nhưng việc này sẽ dẫn đến những thất bại quản lý nếu như trường đại học không đủ năng lực để quản trị quá trình này” . Như vậy, các nhà tư vấn chính sách của Châu Âu có những quan ngại nhất định về việc giao cho các trường tự chủ về tuyển sinh trong khi trường chưa đủ năng lực thực hiện”.

GS Nguyễn Quý Thanh nhận định, trong những ngày gần đây, sau khi Bộ GD- ĐT công bố dự thảo quy chế tuyển sinh năm 2017 với dự kiến bỏ “điểm sàn” chung, trong xã hội cũng xuất hiện nhiều luồng ý kiến trái ngược nhau. Một số ý kiến lo lắng khi bỏ điểm sàn thì chất lượng giáo dục đại học sẽ giảm sút do hệ thống các cơ sở giáo dục đại học ở nước ta hiện nay rất đa dạng, kinh nghiệm và năng lực quản lý khác xa nhau. Mặc dù việc bỏ “điểm sàn” là bước đi nhằm tăng quyền tự chủ của trường đại học, nhưng, trong khi trường đại học chưa thực sự chứng tỏ được về năng lực thực tế để thực hiện quền tự chủ và quản lý chất lượng thì sư lo lắng của xã hội là có cơ sở. Điều 32 Luật giáo dục đại học của Việt Nam quy định các trường đại học được giao các mức tự chủ khác nhau theo các hơn phù hợp với năng lực và kết quả kiểm định chất lượng giáo dục. 

“Trường đại học chỉ thuyết phục được xã hội về năng lực của họ thông qua kiểm định chất lượng khách quan. Khi trường đại học được tổ chức kiểm định chất lượng trong nước hoặc quốc tế đánh giá và công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng thì mới có thể xem trường có đủ năng lực thực hiện tự chủ. Như vậy, việc giao cho các trường tự quyết hoàn toàn về tuyển sinh và bỏ điểm sàn chung cần có lộ trình phù hợp để đảm bảo chất lượng. Thí dụ, trước mắt Bộ GD- ĐT có thể trao cho các trường đại học và những chương trình đào tạo được đánh giá, kiểm định chất lượng và đạt chuẩn chất lượng của Việt Nam, chuẩn ASEAN (AUN-QA) hoặc chuẩn quốc tế (ABET, AACSB, HCERES, CTI, v.v.) quyền tự quyết về tuyển sinh (kể cả về “điểm sàn”)”, GS Nguyễn Quý Thanh nói.

Tuy nhiên, theo GS Nguyễn Quý Thanh, đối với những trường hoặc chương trình chưa được kiểm định chất lượng, Bộ GD- ĐT vẫn nên áp dụng ngưỡng đảm bảo chất lượng tối thiểu. Bên cạnh loại hình ngưỡng đảm bảo chất lượng áp dụng với điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia, Bộ GD- ĐT có thể nghiên cứu thêm loại hình “điểm sàn” áp dụng với điểm trung bình chung học tập, điểm môn học (ít nhất của lớp 12). Điều này nhằm mục đích để các trường chỉ tuyển bằng học bạ cũng đảm bảo ngưỡng chất lượng đầu vào tối thiểu tạo niềm tin chung của xã hội với chất lượng giáo dục đại học.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh