THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 01:40

Một gia đình không có một nụ cười

 

Nỗi đau dai dẳng

Chúng tôi tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Năm (SN 1957), ở khối 5, thị trấn Anh Sơn, Nghệ An khi bà đang phải vượt chặng đường mấy chục cây số xuống tận huyện Đô Lương để châm cứu cột sống lưng vì di chứng vết thương cũ tái phát khi còn công tác tại Bệnh viện quân y IV. Ông Nguyễn Văn Đề (SN 1951), chồng bà Năm khi còn sống với vết thương là những mảnh đạn còn nằm trong cơ thể nhưng vẫn cùng Vợ gắng gượng chăm sóc, thuốc men con cái. Cả 2 Vợ chồng đều là thương binh nên khi con cái lần lượt ra đời, họ đều phải chắt chiu từng đồng tiền trợ cấp ít ỏi để lo cho cuộc sống gia đình. Nhưng nỗi đau đớn mà họ không chịu nổi là trong gia đình ông bà không có nổi một nụ cười vì cả ba đứa con chưa bao giờ biết cười.

Ông Nguyễn Đình Đệ từng tham gia chiến đấu ở khắp các chiến trường ác liệt thời kỳ chống Mỹ. Ngày hòa bình lập lại, dù mang thương tật khắp cơ thể, nhưng ông vẫn cùng đơn vị của mình tiếp tục ở lại để bảo vệ Tổ quốc. Sinh ra ở xã Hùng Sơn, huyện Anh Sơn, năm 19 tuổi, ông Nguyễn Văn Đề xung phong vào bộ đội. Rồi từ năm 1970, biền biệt mãi đến năm 1979, ông Đề được đơn vị cho ra Bắc điều trị vết thương sau đó vào điều trị tại Bệnh viện quân y IV. Tại đây, trong quá trình điều trị vết thương, ông Đề đã gặp được người bạn đời của mình là bà Nguyễn Thị Năm. “Ông nhà tui bị thương 7 lần trong chiến tranh nên cũng thường xuyên phải vào bệnh viện để điều trị. Lúc đó, tui là y tá phục vụ trong Bệnh viện quân y IV trực tiếp chăm sóc cho ông ấy. Trong quá trình tìm hiểu, rồi khi ông ấy xuất viện, được điều về Trung đoàn 284 đóng quân ở Quảng Ninh, cả 2 cũng đều giữ liên lạc với nhau qua những cánh thư. Năm 1980, sau gần 5 năm công tác trong Bệnh viện quân y IV, tui được chuyển ngành vào Công ty vật tư bưu điện Hà Nội. Lúc đó, cả hai có điều kiện ở gặp nhau thường xuyên hơn nhưng mãi đến năm 1984 mới quyết định lấy nhau. Vợ chồng mới cưới, cũng như bao người khác, khao khát được làm cha, làm mẹ. Thế nhưng, trải qua nhiều lần mang thai, vợ chồng tui vẫn không được toại nguyện ước. Mãi sau này, khi con cái được sinh ra thì chúng không thể bình thường như bao đứa trẻ khác. Đau buồn, xót thương con cái nhiều lắm nhưng vẫn phải gắng gượng vượt qua” – Bà Nguyễn Thị Năm tâm sự.

 

Bà Năm đút cho con ăn

Không có một nụ cười

Lấy nhau năm 1984, nhưng mãi đến năm 1987, vợ chồng bà Năm mới sinh hạ được cô con gái tên là Nguyễn Thị Dung. Niềm vui vỡ òa chưa được bao lâu thì cả 2 vợ chồng phát hiện con gái đầu của mình sinh ra không được lành lặn như bao đưa trẻ khác. Càng lớn lên, Dung không gọi được tên cha, tên mẹ cho tròn vành rõ tiếng, không thể đi, đứng được. Từ ăn uống cho đến vệ sinh cá nhân cũng phải đến tay bà Năm. Chắt chiu từng đồng lương để chạy chữa cho con nhưng niềm ước ao, hy vọng của vợ chồng bà Năm không bao giờ trở thành hiện thực. Cho đến sau này, khi sinh hạ lần lượt 2 người con trai là Nguyễn Văn Sơn và Nguyễn Văn Thọ thì cả 2 đều không thể lành lặn.

Khi nói về hoàn cảnh của mình, bà Năm nghẹn ngào: “Khổ lắm các chú ạ. Mãi sau này, vợ chồng chúng tôi mới biết được con cái mình sinh ra đều do di chứng của nhiễm chất độc da cam/ điôxin. Con Dung thì suốt đời không thể chăm sóc cho bản thân mình được. Còn thằng Sơn sinh ra có lành lặn hơn chị nó, nhưng vẫn bị khiếm khuyết về trí nhớ. Cả thằng Thọ đôi lúc cũng không thể lanh lợi như người khác. Vợ chồng tui sống với nhau chưa được mấy năm thì năm 2012 ông đã ra đi để lại mấy mẹ con tui bơ vơ, côi cút. Bản thân tui thì nay đau, mai ốm, đồng lương phụ cấp thì ít ỏi phải vay mượn mới có thể đủ chi phí thuốc men cho mấy mẹ con”. Chồng mất chưa hết khăn tang thì năm 2014, đứa con trai là Nguyễn Văn Sơn bị tai nạn giao thông đột ngột qua đời. Nỗi đau chồng lên nỗi đau khi chỉ trong một thời gian ngắn, bà Năm mất đi 2 người thân trong gia đình mình. Ngày nghe tin con trai tử nạn, bà Năm ngất lên lịm xuống. Cho đến bây giờ, khi nhắc lại, bà vẫn nghẹn ngào trong nước mắt. Một thân một mình chống chọi với vết thương chưa lành lặn thì nay phải gắng gượng chăm sóc 2 đứa con của mình bằng đồng lương phụ cấp eo hẹp.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Anh Sơn cho biết: “Từ ngày nghỉ hưu theo chế độ, với kiến thức nghề y của mình, chị Năm tham gia làm y tế thôn bản, nhưng phụ cấp chỉ được 90 ngàn đồng/ tháng. Con cái ốm yếu, sinh ra kém may mắn, một mình chị Năm phải quán xuyến mọi việc nhưng khi có người trong khối đau ốm cần giúp đỡ, chị Năm chẳng quản ngại khó khăn. Chúng tôi cũng thường xuyên đến thăm hỏi để phần nào động viên chị ấy cố gắng vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Hoàn cảnh của gia đình chị Năm hiện nay rất đáng thương cần được cộng đồng xã hội sẻ chia, giúp đỡ”. 

HOÀNG TÙNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh