Khánh Ly: Tình yêu đẹp như những giọt mưa
- Văn hóa - Giải trí
- 13:20 - 29/08/2017
Đây là lần lưu diễn trong nước dài nhất của Khánh Ly được bà tổ chức để tri ân các nhạc sĩ. Chương trình được chia làm 4 chương gồm các bài hát từ thời Nguyễn Văn Khánh, Văn Cao, Phạm Duy, Đoàn Chuẩn… cho tới Phú Quang, Thanh Tùng. Riêng chương 2 dành cho tác phẩm Trịnh Công Sơn.
Càng nói càng sai
Tôi xin được trở về, bắt đầu từ nơi mình sinh ra, để tìm mơ ước của mình. Dù với tuổi của tôi bây giờ nói tới những mơ ước không thành là điều không nên. Vì không ai có thể làm lại cuộc đời hay sửa chữa những lầm lỗi của mình ở độ tuổi này. Tất cả đều đã trễ rồi. Nhưng tôi vẫn muốn được trở về nơi tôi đã bắt đầu. Như ông Trịnh Công Sơn đã viết trong Một cõi đi về, ai rồi cũng phải trở về căn nhà của mình. Đây cũng là dịp nói lòng biết ơn những người đã dâng cho đời những tình khúc biến khổ đau thành hạnh phúc, những người hy vọng xóa đi những giọt nước mắt thay bằng nụ cười. Mà đôi khi chúng ta bỏ quên, xem nhẹ, chỉ chú ý đến người trình bày mà thôi.
Nếu mình bỏ cuộc đời bây giờ, nó uổng quá. Mình sống chưa đủ, mình hát chưa đủ. Nhìn lại 55 năm trong 2-3 tiếng với tôi không đủ đâu. Tôi yêu hát vô cùng. Mấy năm vừa rồi tôi đứng có một chân (Khánh Ly bị thần kinh tọa- PV), tôi đi hát mà tôi đứng có chân thôi đó. Mà tôi vẫn cứ tiếp tục. Tới nơi một cái là đến họp báo, đến viện tâm thần (riết tôi cũng gần gần giống tâm thần), đi tới chùa, đi lễ nhà thờ... Trong lòng tôi cầu nguyện Chúa cho con sức khỏe con đi được tới nơi con làm được công việc này rồi chết… Có việc không phải mình đi thì không được. Mà không đi thì ở nhà cho rồi.
Thí dụ trưa nay đi làm đẹp gặp nhà báo, tôi bước hụt bậc thang. Mà tôi tưởng đầu gối tôi đi chơi chỗ khác rồi. Đến đây đau lắm, thôi bây giờ đỡ rồi. Hát cũng vậy. Ca sĩ, nói để các anh chị thương, họ cảm, họ ho, họ đói, họ mệt, nhưng không ai có thể làm thay công việc của họ được. Tới giờ họ phải hát. Vậy mà có ông tổ thương, Chúa thương, Phật thương, ai cũng hát ro ro cho hết chương trình, vào trong đau tiếp. Tất cả ca sĩ đều giống nhau cả. Cho nên tôi chỉ xin lúc nào có chuyện gì nói đến ca sĩ thì các nhà báo nói nhẹ nhẹ chút, mà hòa giải là điều tốt nhất. Tại người xưa có câu hay lắm: Càng nói càng sai.
Lòng còn muốn yêu...
Ngày xưa khi đi hát với ông Trịnh Công Sơn, có một cái phòng của hội họa sĩ trẻ. Nó trống không, không bàn ghế. Các ông bạn trẻ cứ nằm xếp lớp. Khoảng hai chục ông, có mình mình là đàn bà thôi mà không dính ông nào cả. Không có thằng nào tán tỉnh mình cả. Thế mới đau. Họ đâu có già mà tán người xấu, phải tán người đẹp. Hoặc có thể thời đó hiền lắm. Yêu nhau không có mạnh bạo như bây giờ.
Ngày xưa tình yêu nó đẹp như những giọt mưa, hạt sương, nhẹ nhàng thơ mộng. Chỉ cần nhìn nhau là đủ biết người đó có yêu mình hay không. Và mình đáp lại cũng bằng ánh mắt của mình thôi. Nhưng thật tiếc là từ bé tới lớn chẳng có ai nhìn tôi bằng cặp mắt yêu đương cả. Cho đến giờ này tôi vẫn thắc mắc là tại sao tôi không có được tình yêu như thế. Tôi là người rất mơ mộng, yêu mà cầm tay là sướng lắm, điện thoại, viết thư tình. Cho tới giờ này tôi cũng còn muốn yêu như thế. Nhưng tôi không được như thế.
Anh hỏi có đại gia nào từng tặng quà cho tôi không thì tôi cũng không biết. Ai hỏi tôi cái gì tôi cũng đều bán cái cho ông này (chỉ người quản lý, ca sĩ Quang Thành- PV). Ví dụ mời tôi đi ăn cơm chẳng hạn. Lòng không muốn đi nhưng không từ chối được. Show mình không thích nhưng không thể từ chối. Thì tôi đều đẩy cho ông này.
Rồi nhận lời hát mà người ta hỏi cat-xê sao tôi không biết nói. Tôi không thể nào nói anh phải trả cho tôi từng này tiền. Thế thôi tôi đưa ông này. Rồi ông này đi cầm tiền cho tôi. Rồi đưa tiền cho tôi, tôi cũng không cầm. Ông này mang gửi con tôi. Tôi không phải là thánh nhưng tôi không biết những cái đó. Khi chồng tôi mất, tôi hoàn toàn không biết cái gì cả. Từ giấy tờ, nhà cửa, bảo hiểm, xe cộ. Tôi không hiểu như thế là tốt hay xấu. Nhà tôi thì chỉ muốn tôi toàn tâm toàn ý cho việc hát mà thôi. Ông ấy góp ý, em phải hát những bài này, em phải mặc những loại áo dài trơn, đừng có bông hoa nhiều quá. Phải ăn như thế này để giữ sức khỏe, phải nhận những show này vì của nhà chùa gây quỹ, người ta không đưa tiền cho em cũng không sao…
Nhưng mà ông cũng nói: “Nếu mà em không ăn thì tốt hơn!”. Chồng tôi là người Công giáo. Ông ấy đi cầu nguyện: “Xin Đức Mẹ cho vợ con bớt ăn!”. Ngày xưa các cụ nói ở nhà vâng lời cha mẹ, đi lấy chồng thì vâng lời chồng. Giờ chồng đi khỏi thì vâng lời con. Tôi nghĩ tôi không vâng lời cha mẹ. Đấy là điều tôi ân hận. Vì nếu tôi vâng lời cha mẹ thì có lẽ tôi khá hơn. Nhưng được cái tôi rất vâng lời chồng và rất sợ con. Tôi cũng hay cả nể nhất là với bạn bè, thành ra chồng tôi còn cầu nguyện thêm điều này nữa: “Xin Chúa cho vợ con biết nói không”. Tôi không bao giờ biết nói không cả. Ví dụ người ta nhờ mình mượn tiền. Tôi cũng đi mượn giùm, rồi trả giùm luôn.
“Ngày xưa tình yêu nó đẹp như những giọt mưa, hạt sương, nhẹ nhàng thơ mộng. Chỉ cần nhìn nhau là đủ biết người đó có yêu mình hay không. Và mình đáp lại cũng bằng ánh mắt của mình thôi. Nhưng thật tiếc là từ bé tới lớn chẳng có ai nhìn tôi bằng cặp mắt yêu đương cả”. Khánh Ly chia sẻ: “Cách đây 3-4 năm có nhiều người viết trên báo, ôi bà già này thều thào, hơi đâu hát. Người già có cái hay của người già. Người trẻ có cái hay của người trẻ. Cũng như người thấp có cái đẹp của người thấp, người cao có cái đẹp của người cao. Nếu đi so sánh như vậy, không công bằng”. Khánh Ly |