THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 03:05

Khánh Hòa: Dân khổ vì dự án treo

Phớt lờ chỉ đạo của chính quyền?

Theo phản ánh của nhiều hộ dân ở khu vực Ba Làng, từ khi dự án Khách sạn Sasco-Nha Trang hình thành, họ đã trông đợi chủ đầu tư nghiêm chỉnh chấp hành các chủ trương của UBND tỉnh Khánh Hòa để có những thỏa thuận hợp lý với người dân trong việc thu hồi đất, giao cho dự án. Thế nhưng, dù được phê duyệt từ năm 2001, nhưng đến nay dự án vẫn... chỉ nằm trên giấy.

Theo nội dung Công văn số 434/TB-UBND của UBND tỉnh Khánh Hòa (ngày 8/10/2003), thì địa phương này đồng ý cho Cty Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Cty TSN) triển khai dự án Khách sạn Sasco - Nha Trang trên diện tích đất 7.707m2 ở Ba Làng. Đất thu hồi của các hộ dân phải được thỏa thuận hợp lý, với sự đồng ý cao của các hộ dân. Ngày 15/9/2008, UBND tỉnh Khánh Hòa chính thức cấp giấy phép đầu tư xây dựng, ghi rõ tiến độ thực hiện dự án là 28 tháng. Tuy nhiên, Cty TSN đã không có các thỏa thuận hợp lý, không tiến hành giải phóng được mặt bằng. Nhiều lần UBND tỉnh Khánh Hòa ra văn bản nhắc nhở nhưng chủ đầu tư vẫn không thực hiện.

Nhà dột nát ở Ba Làng nhưng người dân không dám sửa chữa.

Ngày 21/3/2014, UBND tỉnh Khánh Hòa tiếp tục ban hành văn bản chỉ đạo số 146/TB-UBND, trong đó nhấn mạnh: Nếu đến ngày 30/6/2014 chủ đầu tư không hoàn tất công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thì chấm dứt dự án, hoặc sẽ thu hồi dự án”. Tiếp đó, ngày 19/8/2014, UBND tỉnh Khánh Hòa có công văn số 445/TB-UBND với nội dung: Chủ đầu tư cần có ngay phương án bồi thường trên cơ sở thỏa thuận với các hộ dân theo quy định hiện hành thông qua TP.Nha Trang trước ngày 5/9/2014, UBND TP.Nha Trang trình UBND tỉnh trước ngày 13/9/2014. Thế nhưng đến thời điểm này, chủ đầu tư vẫn không thực hiện các chỉ đạo của UBND tỉnh Khánh Hòa.

Là người dân sống trên địa bàn dự án, trung tá Nguyễn Văn Thông bức xúc: Gần 40 hộ dân sẵn sàng giao đất cho dự án, nhưng chủ đầu tư phải có thái độ làm việc nghiêm túc và đưa ra mức đền bù phù hợp. Mấy lần Chủ tịch UBND tỉnh hứa với dân rằng sẽ đốc thúc triển khai dự án và có biện pháp cứng rắn với nhà đầu tư, nhưng nay Chủ tịch Nguyễn Chiến Thắng đã nghỉ hưu, trong khi dự án “treo” vẫn hoàn... “treo”.

Bí bách với dự án“treo”

Vẫn theo trung tá Nguyễn Văn Thông, vì là đất nằm trong dự án nên người dân dù cần tiền cũng không thể vay ngân hàng, cũng không ai dám sửa chữa khi nhà hư hỏng. Như gia đình trung tá Thông, trước đây có kinh doanh thêm ở nhà, nay phải đóng cửa hàng vì hết vốn, nhà đất thì không thể mang cầm cố để vay mượn tiền.

Cựu chiến binh Lê Huy Hùng chia sẻ: Trong số 40 hộ dân nằm trong vùng dự án, cũng có nhiều gia đình chưa được cấp sổ đỏ, nhưng họ đã sống ổn định tại địa bàn từ mấy chục năm qua. Khi thỏa thuận với dân, nhà đầu tư chỉ chấp nhận đền bù 400.000đồng/m2 thì họ lấy đâu ra tiền để mua đất hay làm nhà ở nơi khác. Với những hộ đã có sổ đỏ, giá đền bù nhà đầu tư đưa ra cũng chỉ 3,2 triệu đồng/m2, cũng khó đủ chi phí cho việc tìm nơi ở mới”.

Gia đình ông Phạm Tuân là một trong những hộ dân đã được cấp sổ đỏ theo diện đất ở đô thị. Nhớ lại thời khi dự án chưa hình thành, ông Tuân cho biết: “Khi đó cần tiền, tôi mang sổ đỏ đi cầm cố ngân hàng, được định giá 15 triệu đồng/m2, có các chứng từ và hồ sơ vay, hồ sơ thẩm định tôi vẫn còn lưu. Vậy mà đến bây giờ, chủ đầu tư lại áp giá bằng 1/10 giá thị trường thì không thể chấp nhận được. Chúng tôi kêu cứu mãi, UBND tỉnh nhiều lần chỉ đạo nhưng nhà đầu tư cứ phớt lờ”.

Nhiều năm ông Tuân chiến đấu ở chiến trường Campuchia, giờ đây tuổi cao, bệnh tật triền miên. Vợ ông làm ăn thất bát, phải vay lãi nóng của xã hội đen. Ông muốn bán nhà để chữa bệnh và cho vợ trả nợ, nhưng nhà đất trong quy hoạch dự án không bán được. Hiện tại, vợ ông phải đi trốn nợ, còn ông bệnh tật nằm nhà, nhiều lần bị chủ nợ đến đánh đập phải nhập viện.

Bà Nguyễn Thị Phương (70 tuổi) cũng bức xúc: “Vì dự án “treo” mà chúng tôi sống giữa thành phố vẫn phải trùm áo mưa vì mái dột. Rõ ràng là nhà mình mà chẳng dám bỏ tiền ra sửa, vì không biết khi nào dự án thực hiện hay cứ “treo” mãi thế này thì cơ cực quá...”.

HÀ VĂN ĐẠO/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh