THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:26

Khan hiếm vắc xin dịch vụ: Sẽ còn tiếp diễn đến năm 2016

 

*98,2% trẻ em đã được tiêm vắcxin sởi-rubella

Theo Bộ Y tế, Chiến dịch tiêm miễn phí vắc xin sởi -rubella cho trẻ từ 1 tuổi đến 14 tuổi được triển khai trên phạm vi toàn quốc từ tháng 9/2014. Đến nay, hơn 20 triệu trẻ em trong độ tuổi trong cả nước được tiêm vắc xin này, đạt tỷ lệ trên 98%. Hiện, cả nước còn 23 xã vùng sâu, vùng xa khó khăn chỉ đạt tỷ lệ tiêm chủng dưới 95% nên đang tiếp tục tổ chức tiêm vét trong tháng 8 này .

Bệnh sởi, rubella là 2 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus sởi và virus rubella gây nên. Bệnh có tính lây truyền cao và để lại di chứng nặng nề cho người bệnh sau khi mắc. Nếu người mẹ nhiễm rubella trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể gây ra xảy thai, thai chết lưu, đẻ non, hội chứng rubella bẩm sinh ở trẻ mới sinh. Bệnh sởi và rubella không có thuốc điều trị đặc hiệu.

Kết quả chiến dịch đã góp phần rất lớn trong việc khống chế hoàn toàn dịch sởi tại Việt Nam trong năm 2015. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, trong 7 tháng đầu năm 2015 chỉ ghi nhận rất ít trường hợp mắc sởi. Trên phạm vi toàn quốc không ghi nhận các ổ dịch sởi. Ông Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, sau chiến dịch này, Bộ Y tế sẽ đưa vắc xin sởi-rubella vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng để tiêm miễn phí hàng tháng cho trẻ 18 tháng tuổi, thay cho mũi sởi thứ 2 mà trước đây trẻ ở độ tuổi này được tiêm.

Vắc xin do Việt Nam sản xuất sẽ được sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng

Ông Đặng Đức Anh cho biết thêm, thời gian tới, Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia (Bộ Y tế) sẽ triển khai thêm một số chiến dịch tiêm chủng hoặc đưa thêm một số vắc xin mới vào tiêm miễn phí, phục vụ công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe trẻ em. Cụ thể, năm 2016 sẽ đưa thêm vắcxin bại liệt vào chương trình tiêm chủng mở rộng miễn phí cho trẻ em. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã sản xuất thành công vắcxin phòng chống bệnh tiêu chảy do virus Rota và đã được cấp phép lưu hành. Vì thế, trong thời gian tới, loại vắcxin này cũng sẽ được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Theo ông Đức Anh, tiêu chảy do virus Rota là một trong những bệnh khá thường gặp của trẻ ở Việt Nam. Vì thế, việc đưa vắcxin này vào chương trình tiêm chủng mở rộng sẽ góp phần quan trọng phòng ngừa và làm hạn chế số ca mắc bệnh.

*Vắcxin “6 trong 1” còn khan hiếm tới năm 2016

Về tình trạng khan hiếm một số loại vắc xin dịch vụ trong thời gian gần đây, phó giáo sư Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế)  khẳng định, hiện vắcxin 6 trong 1 vẫn đang rất khan hiếm và đến năm 2016 tình hình cũng không khả quan hơn. Nguyên nhân của tình trạng này do đơn vị sản xuất loại vắcxin này đang trong quá trình thay đổi địa điểm, dây chuyền sản xuất. 

Ông Phu cho rằng người dân có tâm lý cho rằng vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng là hàng nội và thích hàng ngoại nên đi tiêm dịch vụ.Tuy nhiên, ông Phu nhấn mạnh, vắcxin tiêm chủng mở rộng cũng có các vắcxin ngoại và tiêm chủng dịch vụ cũng có sử dụng vắcxin nội. Hơn nữa, vắcxin nội cũng phải đảm bảo chất lượng mới được đưa vào sử dụng.  

Trước tình trạng người dân xếp hàng chờ mua vắcxin “6 trong 1” trong khi vắcxin này đang khan hiếm, ông Phu khuyên người dân hãy có các lựa chọn khác để đảm bảo an toàn cho con em mình. Cụ thể, người dân có thể tiêm vắcxin  “5 trong 1” Quinvaxem  hoặc các vắcxin trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc người dân băn khoăn không lựa chọn các vắcxin này do lo ngại phản ứng phụ, ông Phu cho rằng các vắcxin đều đã được kiểm định đạt chất lượng an toàn mới được đưa vào tiêm chủng. Trẻ có thể có biểu hiện sốt nhẹ sau tiêm nhưng các phản ứng này sẽ hết sau một ngày. Hiện Việt Nam đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chứng nhận đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vắcxin. Quy trình tiêm chủng cũng được Bộ Y tế quy định chặt chẽ. Vì thế, người dân nên tin tưởng vào chất lượng vắcxin và cho con em đi tiêm chủng đúng độ tuổi thay vì chờ đợi vắcxin “6 trong 1”.

Thái An

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh