30 bệnh truyền nhiễm có thể dự phòng được bằng văc xin
- Sức khỏe
- 21:42 - 27/04/2015
Tiêm chủng phòng bệnh truyền nhiễm- Ảnh: Quý Đức
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hiện nay, có hơn 30 bệnh truyền nhiễm có thể dự phòng được bằng vắcxin. Tuy nhiên, trong những năm gần đây dịch bệnh truyền nhiễm có những diễn biến phức tạp. "Nếu việc tiêm chủng vắcxin phòng bệnh không được duy trì, trẻ em không được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch thì nguy cơ bùng phát dịch bệnh trở lại là rất lớn"-người đứng đầu ngành Y tế cảnh cáo.
Ở Việt Nam, trong năm 2014, đã có khoảng 50 triệu mũi tiêm, lượt uống vắc xin được thực hiện an toàn trong tiêm chủng thường xuyên và chiến dịch được triển khai tại hơn 11.100 xã phường trên toàn quốc. Điều này cho thấy khối lượng lớn công việc đối với việc cán bộ làm công tác tiêm chủng mở rộng ở tất cả các tuyến.
Nhờ có sản xuất trong nước, Việt Nam đã chủ động nguồn cung ứng 10 trong số 12 vắc xin sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Với lợi thế ưu việt này so với các nước trong khu vực, trẻ em Việt Nam đã được hưởng quyền lợi tiêm chủng miễn phí phòng nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Đánh giá cao lợi ích của việc tiêm chủng trong việc phòng bệnh, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, việc phát động Tuần lễ tiêm chủng có ý nghĩa hết sức quan trọng. Do vậy, Phó Thủ tướng kêu gọi tất cả người dân nhận thức được tầm quan trọng, tính bắt buộc của việc tiêm chủng cho con, em mình, đồng thời đề nghị các cấp chính quyền, đoàn thể cùng chỉ đạo phối hợp với ngành y tế ở tất cả các khâu để thực hiện tốt chương trình tiêm chủng mở rộng trong toàn quốc, sao cho tất cả mọi người dân đều được tiêm chủng đúng, đủ, an toàn và thuận lợi.
Dây chuyền sản xuất Vắc xin Sởi tại nhà máy của POLYVAC
Đặc biệt, vừa qua ngành y tế Việt Nam tiếp tục đón nhận tin vui Cơ quan kiểm định quốc gia (NRA) đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới. Đây là cơ sở góp phần khẳng định chất lượng vắc xin sản xuất trong nước và mở ra cánh cửa cho xuất khẩu vắc xin ra thế giới.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác tiêm chủng vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt một số phản ứng nặng sau tiêm chủng gây ra tâm lý lo ngại cho các bà mẹ khi đưa con đi tiêm chủng nên việc đạt và duy trì tỷ lệ tiêm chủng cao cho trẻ em và phụ nữ còn gặp khó khăn. Ngoài ra, tâm lý chờ đợi tiêm vắc xin dịch vụ dẫn đến sự trì hoãn các mũi tiêm của các bậc phụ huynh tại một số địa bàn đô thị khiến cho trẻ tiêm chủng muộn, tiêm chủng không đủ mũi, khiến cho trẻ có nguy cơ mắc bệnh và xảy dịch, đặc biệt là bệnh sởi, bệnh ho gà trong thời gian vừa qua. Nhận thức của một bộ phận người dân còn chưa cao, chưa thấy hết được lợi ích và ý nghĩa của tiêm chủng...