CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 04:16

Khán giả thủ đô “đội mưa” đến xem Thầy Ba Đợi

"Thầy Ba Đợi" mở đầu là câu chuyện vào năm 1888 khi vua Hàm Nghi bị Pháp đày sang châu Phi. Mang sứ mệnh của vua truyền phải giữ gìn nhã nhạc cung đình Huế - hồn cốt của dân tộc, nhạc sư Nguyễn Quang Đại bôn ba vào Nam.Trên đường bị lính Pháp truy lùng, ông được Ái Hoa - ái nữ của tổng đốc Đại Phong - cứu giúp và đưa về dinh phủ ẩn náu.

Thời gian đó, Quang Đại đã mở lớp dạy đàn truyền bá âm nhạc dân tộc. Tình yêu được nảy mầm giữa chàng trai tài hoa và cô tiểu thư xinh đẹp. Nhưng tông tích Quang Đại bị bại lộ, vì bảo vệ người yêu, Ái Hoa đã chấp nhận về làm vợ công tử Hiến ngông cuồng, để rồi gánh chịu nỗi đắng cay của kiếp hồng nhan.

Quang Đại (lúc này là thầy Ba Đợi) tiếp tục xuôi về Cần Đước, Long An. Vẫn miệt mài với công việc truyền bá âm nhạc dân tộc, từng bước "dân dã hóa" âm nhạc cung đình Huế, kết hợp với dân ca Nam Bộ, sáng tác, cải biên, hệ thống hóa để tạo thành âm nhạc tài tử. Và âm nhạc tài tử chính là linh hồn của âm nhạc cải lương…

 

 

"Thầy Ba Đợi" là vở diễn chào mừng "Một thế kỷ sân khấu cải lương Việt Nam (1918-2018) với sự tham gia diễn xuất của 86 nghệ sĩ tài danh của cả 3 miền Bắc, Trung Nam, đến từ Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang... Với kịch bản văn học của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, được soạn giả Hoàng Song Việt và Phạm Văn Đằng chuyển thể cải lương, NSƯT Triệu Trung Kiên và Lê Trung Thảo đạo diễn, vở "Thầy Ba Đợi" được thực hiện không chỉ mang tính chất kỷ niệm 100 năm cải lương mà còn mong muốn công chúng biết đến và công nhận vai trò của nhạc sư Nguyễn Quang Đại trong sự ra đời và phát triển của bộ môn nghệ thuật cải lương.

Vở diễn đã đem lại nhiều cung bậc cảm xúc về âm nhạc đờn ca tài tử - cải lương và khiến khán giả biết đến một bậc thầy khai sáng nghệ thuật cải lương Việt Nam với một cuộc đời đầy nước mắt nhưng vô cùng đáng kính trọng. Thông qua vở diễn, khán giả khái quát được hành trình giữ gìn và bảo vệ tiếng đàn, tiếng ca - hồn cốt của dân tộc Việt Nam của “Thầy Ba Đợi”. Đồng thời, cũng là dịp để thế hệ hôm nay ý thức được vai trò của mình trong việc gìn giữ, bảo vệ và phát huy những giá trị tinh tuý mà cha ông đã dày công gây dựng.

Đạo diễn - NSƯT Triệu Trung Kiên, một trong hai đạo diễn của “Thầy Ba Đợi” cho biết: khi chứng kiến các khán giả Thủ đô "đội mưa" đến xem và ở lại cho đến phút cuối cùng khiến tôi rất xúc động. Tôi tin vở diễn đã phần nào chạm đến cảm xúc của công chúng, đặc biệt những khán giả yêu mến cải lương".

 

 

Sau đêm diễn đầu tiên, đêm diễn thứ hai của “Thầy Ba Đợi” đã được dành để công chiếu phục vụ cho  các đại biểu Quốc hội đang tham dự Kỳ họp thứ 5 và và đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành Trung ương…Chăm chú theo dõi vở diễn cho đến phút cuối, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh  cho biết, dù rất yêu thích bộ môn nghệ thuật cải lương tuy nhiên, bà vẫn chưa biết tường tận nguồn gốc của cải lương cho đến khi được theo dõi vở diễn "Thầy Ba Đợi". “Vở diễn giúp tôi cũng như nhiều khán giả có thêm nhiều hiểu biết bổ ích về nghệ thuật cải lương, thêm yêu bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Bên cạnh đó, vở diễn còn có sự tham gia của nhiều diễn viên tôi yêu mến. Cải lương là một môn nghệ thuật có truyền thống lâu đời và được phát triển cùng với sự phát triển của đất nước, đặc biệt ở khu vực phía Nam. Tôi tin vở diễn đã chạm đến trái tim của người xem…"

NGUYỆT HÀ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh