CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:27

Người đàn bà điên sống bình yên ở xóm nghèo

 

Bà Sòng được cả xóm núi cưu mang 


Phận đời bất hạnh

Bà Phạm Thị Hát, 75 tuổi, ở xóm Lẫm, thuộc thôn Phước Thạnh, xã miền núi Tam Thạnh, (huyện Núi Thành, Quảng Nam) cho chúng tôi biết về những tháng ngày sinh sống cùng với một người điên - bà Sòng. 

Bà Sòng là con thứ 3 trong gia đình nghèo có 4 người con, sớm mồ côi mẹ. Anh và em trai của bà đã mất trong chiến tranh; người chị gái cũng bị bệnh tâm thần nên chẳng giúp gì được cho bà.

Thời con gái, bà Sòng thuộc hàng hoa khôi của làng, biết bao chàng trai xóm núi theo đuổi. Bà cũng có quen và hẹn ngày nên duyên cùng với người đàn ông tên Thanh, nhưng ông ấy đã thiệt mạng trong chiến tranh, chịu nhiều cú sốc nên bà mới phát bệnh. 

Ngày xưa bà Sòng đi làm phù dâu cho người ta, có lần mẹ chồng cô dâu còn nhận nhầm bà là cô dâu, vì thấy bà quá đẹp. Cũng có người dạm hỏi nhưng bà Sòng ở vậy vì bà có dấu hiệu của bệnh tâm thần nhẹ. 

Năm 1992, cha của bà Sòng qua đời, từ đó bệnh bà nặng hơn. Bà thường xuyên đau ốm, làm được cái gì thì ăn cái đó. Đến năm 1998, sau một trận ốm nặng, bà bị teo cơ, hai chân bị bại liệt hoàn toàn nên việc đi lại giống như một đứa trẻ mới lên 3.

Đối với người điên như bà Sòng, đặc biệt lại không có người thân trong lúc tuổi già sức yếu thì việc có cái ăn đã là may mắn lắm. Thế mà bà Pham Thị Hát vẫn cho bà Sòng ngồi chung mâm, lúc đó chồng bà Hát vẫn còn sống, ông động viên bà cố gắng giúp cho bà Sòng, may ra bà có thể thoát cơn bĩ cực. 

Được ngồi ăn cùng mâm, chung một đĩa rau, một chén canh hay một đĩa thịt có vẻ như trong tâm can người đàn bà điên ấy cảm nhận được điều gì quý hóa từ cuộc sống và trở lại bình thường. 

Hàng xóm thấy thế cũng chung tay đỡ đần bà Hát chén gạo, mớ rau để bà Hát nuôi nấng bà Sòng. Bà Hát ngày càng già yếu, bà sợ sức khỏe yếu sẽ không mang nổi cơm cho bà Sòng nên bà có đề nghị xin miễn chăm sóc bà Sòng trong một lần họp Ban dân chính thôn. 

Trước đề nghị của bà Hát, người dân trong thôn luân phiên nhau ngày hai bữa mang cơm cho bà Sòng. Buổi sáng bà thường được ăn mì tôm do một người trong xóm đảm đương.

 

Căn nhà nhỏ của bà Sòng do người dân chung tay xây dựng.


 Ấm áp tình người

Hiện xóm Lẫm có 24 hộ gia đình, có 4 hộ được không được tham gia nuôi bà Sòng, đó là những người thuộc diện nhà nghèo, trong gia đình có người bệnh tật nặng. Các hộ còn lại thay nhau nuôi bà, cơm ngày hai bữa. 

Mọi người đã lên lịch sẵn, hết người này chuyển đến người khác. Còn chuyện tắm rửa, giặt áo quần thì Hội Phụ nữ xóm đảm nhận.  Nước sinh hoạt, nước uống hàng ngày thì có các gia đình lân cận xách đến cho bà sử dụng. Chính quyền địa phương đã định đưa bà vào bệnh viện tâm thần ở nhưng bà không chịu đi. 

Hôm chúng tôi đến thăm là phiên nhà cô Đặng Thị Bình mang cơm cho bà Sòng. Cô Bình chuẩn bị bữa ăn cho gia đình, rồi lấy mỗi thứ một ít để riêng vào bát. Cho tất cả vào rổ rồi mang sang cho bà Sòng ăn. Thức ăn gồm cơm, cá, thịt và canh khá tươm tất. Được biết ngoài việc nuôi bà Sòng, người dân xóm Lẫm còn quyên góp tiền, ngày công xây cho bà ngôi nhà gạch, không còn lo mưa dột, nắng xiên.

Đặc biệt, bà con xóm Lẫm còn làm việc nghĩa đối với người khuất núi. Năm 2012, mọi người trong xóm quyên góp được 8 triệu đồng xây mộ cho cha mẹ bà Sòng. Hiện mọi người dự tính, khi bà Sòng chết sẽ mai táng tại nhà và lập bàn thờ tại đây.

Trưởng thôn Phước Thạnh Ngô Quang Vinh cho biết: “Trong xóm ai cũng thương bà Sòng, kẻ ít, người nhiều ai cũng có lòng thơm thảo, thương cho cuộc đời cơ cực của bà, những lúc ốm đau, bệnh tật không có người săn sóc”.

theo baophapluat.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh