Khẩn chương hoàn thiện Dự thảo Nghị định hướng dẫn Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020
- Người có công
- 18:28 - 29/04/2021
Tại Hội nghị, Ban soạn thảo đã lắng nghe nhiều ý kiến Sở LĐ-TB&XH các tỉnh nhằm hoàn thiện xây dựng 2 nghị định: Nghị định quy định chi tiết Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và Nghị định quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.
Đánh giá về nội dung dự thảo 2 Nghị định hướng dẫn Pháp lệnh, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Ninh Đoàn Xuân Thanh cho rằng, nội dung dự thảo của các Nghị định phù hợp với xu hướng xây dựng văn bản pháp luật hiện nay: Hạn chế văn bản kèm theo, nội dung cụ thể, hướng dẫn chi tiết.
Nêu những bất cập hạn chế trong việc thực hiện chính sách đối với vợ, chồng liệt sĩ tái giá tại Bắc Ninh, ông Thanh đề xuất, việc xác nhận cho vợ hoặc chồng liệt sĩ tái giá nuôi con đến 18 tuổi nên chỉ cần xác nhận của chính quyền địa phương, không cần xác nhận từ dòng họ. Bởi nhiều dòng họ gây khó dễ, không xác nhận khiến nhiều trường hợp bị thiệt thòi.
Ngoài ra, ông Thanh cũng đề xuất nâng mức kinh phí chế độ điều dưỡng tập trung và tại nhà cho đối tượng người có công. "Với mức điều dưỡng tập trung 2,2 triệu đồng/người/ lượt là chưa phù hợp và mức kinh phí điều dưỡng tại nhà còn thấp hơn" – ông Thanh nêu.
Góp ý Dự thảo Nghị định, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Yên Bái Phạm Tuấn Chung cho rằng, viếng nghĩa trang liệt sĩ là một nghi lễ mang tính phổ biến quốc gia vì vậy cần đưa chương trình, trình tự lễ viếng vào trong Nghị định để lễ viếng trên toàn quốc giống nhau. Ngoài ra, cần xem xác định mốc thời gian cho quy trình giám định y khoa liệt sĩ chết do vết thương tái phát.
Theo bà Hà Thị Minh Lê, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Quảng Ninh, cần xem xét một số chi tiết như người có công lưu trú tại địa bàn 12 tháng thì được chi trả tại địa bàn, nếu không, cần có chính sách chuyển đến nơi cư trú cho phù hợp, tránh gián đoạn thông tin các chính sách với đối tượng này. Cùng với đó, xem xét đối tượng được ủy quyền nhận chế độ, vì theo Luật Thừa kế, con được nhận nhưng nhiều người có công hiện nay con cũng đã rất già, có nên xem xét đến hàng cháu nhận chế độ giúp.
Bà Lưu Hồ Loan, Trưởng phòng Người có công (Sở LĐTB&XH tỉnh Sơn La) cũng đề xuất Ban soạn thảo nghiên cứu thực tế ở các huyện miền núi phía Bắc, những công chức cấp xã vẫn hạn chế về nhận thức và chưa cập nhật hết thông tin các chính sách, nhất là khi có sự thay đổi mang tính kế thừa, vì vậy nếu cắt giảm một số khâu thủ tục ở cấp huyện thì việc thực hiện chính sách cũng sẽ có nhiều khó khăn.
Ngày 9/12/2020, tại Phiên họp thứ 51, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã thông qua Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021. Pháp lệnh sửa đổi năm 2020 bao gồm 7 chương và 58 điều. So với Pháp lệnh hiện hành, Pháp lệnh năm 2020 đã bổ sung 2 chương, 10 điều và sửa đổi 41 điều. Với mỗi diện đối tượng người có công với cách mạng, Pháp lệnh năm 2020 đã kết cấu các điều theo trật tự về: Điều kiện, tiêu chuẩn; chế độ ưu đãi đối với người có công; chế độ ưu đãi đối với thân nhân người có công với cách mạng. Đặc biệt, lần đầu tiên Pháp lệnh sửa đổi đã đặt tên cho tất cả các điều.
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Bá Hoan cho biết, về phạm vi điều chỉnh, Pháp lệnh năm 2020 mở rộng việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người nước ngoài có công với cách mạng. Pháp lệnh còn bổ sung một số đối tượng người có công với cách mạng như: Mở rộng đối tượng người bị địch bắt tù, đày do trực tiếp hoạt động cách mạng, trực tiếp chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế sau năm 1975. Mở rộng đối tượng người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc; người được Nhà nước khen tặng Huân chương Chiến thắng, Huy chương Chiến thắng. Bổ sung đối tượng hưởng ưu đãi về chính sách bảo hiểm y tế đối với vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác mà nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành hoặc chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống hoặc vì hoạt động cách mạng mà không còn điều kiện chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống.
Chuẩn hóa các điều kiện, tiêu chuẩn xem xét công nhận người có công với cách mạng theo đúng nguyên tắc chặt chẽ, thật sự xứng đáng, tôn vinh đúng đối tượng.
Chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân được tập hợp để quy định một cách thống nhất, rõ ràng. Tùy theo từng đối tượng, người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng được hưởng chế độ ưu đãi gồm: Trợ cấp hằng tháng, phụ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần. Bên cạnh đó là các chế độ ưu đãi khác như: Bảo hiểm y tế, điều dưỡng phục hồi sức khỏe. Cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng cần thiết theo chỉ định của cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng thuộc ngành Lao động-Thương binh và Xã hội hoặc của bệnh viện tuyến tỉnh trở lên. Ưu tiên trong tuyển sinh, tạo việc làm; hỗ trợ để theo học đến trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Hỗ trợ cải thiện nhà ở căn cứ vào công lao, hoàn cảnh của từng người hoặc khi có khó khăn về nhà ở. Miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất khi được Nhà nước giao đất ở, khi được mua nhà ở thuộc sở hữu của Nhà nước. Ưu tiên giao hoặc thuê đất, mặt nước, mặt nước biển, ưu tiên giao khóa bảo vệ và phát triển rừng. Vay vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh. Miễn hoặc giảm thuế theo quy định của pháp luật.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các địa phương, đồng thời đề nghị Ban soạn thảo nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp để đưa vào hoàn thiện dự thảo Nghị định.
Thứ trưởng cho biết thêm, sau khi kết thúc 3 hội nghị lấy ý kiến đóng góp của các địa phương tại các khu vực Bắc, Trung, Nam, Ban soạn thảo sẽ xin ý kiến các bộ, ngành, Nhân dân và các tổ chức xã hội trước khi trình Chính phủ ban hành vào tháng 5.