THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 12:38

Khai bút đầu năm với ý nghĩa mong muốn điều tốt lành, may mắn

Những nét chữ đầu tiên của năm thường gửi gắm mong muốn về những điều tốt lành, may mắn, hạnh phúc trong năm mới; đồng thời cũng thể hiện sự tôn trọng chữ nghĩa và đề cao sự học.

Theo sử sách, tục khai bút và đi xin chữ đầu Xuân bắt đầu xuất hiện vào khoảng thế kỷ XIII, được gắn liền với hình ảnh thầy giáo Chu Văn An – một con người chính trực, từng đỗ Thái học sinh nhưng không ra làm quan mà về Chí Linh (Hải Dương) để mở trường dạy học.

Tương truyền, khi học trò đến thăm thầy Chu Văn An, lúc ra về thường được thầy tự tay viết tặng một chữ mang ý nghĩa nhắn gửi về lẽ sống cho người đó. Ai nhận được chữ cũng đều cảm thấy hết sức may mắn và trân trọng. Từ đó về sau, tục khai bút được lưu truyền, không những biểu trưng cho sự hiếu học mà còn thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo, sự thành kính của học trò đối với người thầy.

Lễ khai bút của người xưa được thực hiện sau Giao thừa, chính là thời khắc đầu tiên của năm mới. Mọi người thường đốt lư trầm bên bàn viết, lấy cây bút mới, mài mực tàu và hạ bài viết trên giấy hoa tiên hoặc giấy hồng điều. Không gian khi khai bút phải yên tĩnh, người viết phải trang nghiêm, tĩnh tại…Mỗi người đều thành tâm viết lên những câu chữ và gửi gắm vào đó ước nguyện tốt đẹp trong năm mới.

Khai bút đầu năm với ý nghĩa mong muốn điều tốt lành, may mắn - Ảnh 1.

Những nét chữ đầu tiên của năm thường gửi gắm mong muốn về những điều tốt lành, may mắn, hạnh phúc trong năm mới

Ngày nay, tục khai bút đầu Xuân đã có nhiều thay đổi. Với nhiều gia đình, đặc biệt là học sinh, giới văn sĩ, người làm nghề viết lách… phong tục này vẫn rất được coi trọng. Bởi người Việt quan niệm cây bút là công cụ gắn bó giữa đời sống trí tuệ và tâm hồn. Khai bút tượng trưng cho may mắn, thành công trong học tập và sự nghiệp.

Trong những năm gần đây, để duy trì và phát triển phong tục đẹp này, nhiều địa phương, dòng họ, gia đình tổ chức Lễ khai bút đầu năm tại văn miếu, đền, đình... Nghi lễ này không chỉ khơi dậy truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt Nam, khơi dậy niềm tự hào của các thế hệ nhà giáo, học sinh, tôn vinh truyền thống hiếu học mà còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa địa phương.

Tiêu biểu như: Lễ dâng hương khai bút ở đền thờ Nhà giáo Chu Văn An (thị xã Chí Linh, Hải Dương), Lễ hội khai bút (xã Quỳnh Đôi huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An), Lễ khai bút của ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tại đình thờ Nhà giáo Chu Văn An (xã thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội), Lễ hội khai bút tại Khu tưởng niệm Vương triều Mạc (xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng)…

Các cụ đồ nho, các nhà giáo, học sinh tiêu biểu của địa phương sẽ được lựa chọn tham gia vào nghi thức khai bút. Những lễ hội này thu hút sự quan tâm, tham gia của đông đảo người dân và khách thập phương. Bởi khai bút là khai chữ, khai tâm, khai trí, khai nghề…và bất kỳ ai cũng có thể thực hiện nghi thức này để thể hiện tâm tư, bày tỏ ước muốn, nguyện vọng trong năm mới, tự nhắc nhở bản thân hướng đến những điều tốt đẹp để phấn đấu.

Quang Dương

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh