Khắc sâu và lan tỏa đạo đức, phong cách của Bác Hồ với mọi thế hệ người làm báo
- Văn hóa - Giải trí
- 20:10 - 29/06/2018
Trong suốt nửa thế kỷ cầm bút, Bác là mẫu mực cho các thế hệ kế tiếp đội ngũ những người làm báo trong làng báo chí cách mạng Việt Nam, đang đẩy mạnh học tập, nâng cao đạo đức, rèn luyện chuyên môn, góp phần nâng cao trình độ nghiệp vụ báo chí, chất lượng bài viết, đưa nền báo chí nước nhà phát triển đúng định hướng, hiện đại và chuyên nghiệp trong xu thế hội nhập.
1-.Là người đặt nền móng cho báo chí cách mạng Việt Nam, Người xác định “ văn hoá là một mặt trận, cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng”. Bác cho rằng báo chí cách mạng là vũ khí hàng đầu trên mặt trận văn hoá tư tưởng, là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, nhân dân với Đảng. Bác cảm nhận rõ tác dụng của báo chí khi nó đã thâm nhập vào quần chúng, làm thấu suốt nhận thức, sẽ trở thành một lực lượng có sức mạnh to lớn. Chính vì vậy mà những ngày đầu tiên khi đến nước Pháp, điều kiện sống kham khổ nhưng Bác rất muốn cho mọi người biết được tội ác của chủ nghĩa thực dân và những bất công của chúng ở Việt Nam, cũng như các nước thuộc địa. Bác đã học viết báo. Lúc đầu viết 3-4 dòng, chép ra 2 mảnh giấy, một mảnh gửỉ cho báo, một giữ lại. Khi báo đăng mẫu tin đó, Bác đem so sánh xem sai đúng thế nào để rút kinh nghiệm. Cuối cùng thì Bác đã thành công với bài báo đầu tiên là bài “ vấn đề dân chủ của bản xứ”, đăng trên báo Nhân Đạo ngày 2-8-1919. Sau đó (4-1922) Bác đã cùng các bạn chiến đấu cho ra đời tờ báo “Người cùng khổ” ( Le Paria). Tờ báo nhiều bài viết với những hình thức: bình luận, tin tức, tranh ảnh, biếm hoạ, thư gửi toà soạn, chuyên mục chủ yếu là chính trị, ngoài ra còn có diễn đàn Văn học, giới thiệu tác phẩm. Qua tờ báo, Bác Hồ đã viết trên 40 bài, chiếm 60% tổng số bài đăng trên báo. Nhờ kinh nghiệm đó Bác Hồ đã thành một cây bút kiệt xuất với hàng ngàn bài báo, viết cho cả trăm đầu báo. Những bài báo của Bác đã toát lên nỗi đau cùng nỗi đau của những người dân mất nước, chịu cảnh lầm than, nô lệ dưới ách nô dịch của kẻ thù xâm lược; vui cùng niềm vui của nhân dân khi cuộc sống bớt đi nỗi khổ; day dứt trước những bất công, phê phán hủ tục, tệ nạn; vũ khí sắc bén vạch tội, tấn công kẻ thù, “thắp lửa” cho quần chúng nhân dân vùng lên đấu tranh, “phò chính, trừ tà”, nên có sức cảm hóa, thuyết phục mạnh đối với bạn đọc. Bởi thế, nó có tính chiến đấu, tính định hướng rất cao.
Khi Bác tổ chức thành lập Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội, Người cùng Trung ương Hội cho ra đời tờ báo Thanh niên, số đầu tiên ra ngày 21-6-1925. Bác là cây bút chính và linh hồn của tờ báo. Bác giải thích về cách viết báo: “lối hành văn giản dị, chính xác hơn hẳn lối hành văn rườm rà, hoa mỹ…Tác phẩm để tuyên truyền phải là một tác phẩm ai đọc cũng hiểu được”. Báo Thanh niên là tờ báo tiếng Việt đầu tiên của giai cấp vô sản và cách mạng Việt Nam, là tờ báo đầu nguồn của báo chí cách mạng Việt nam. Tờ báo đã góp phần mở đầu sự nghiệp đổi mới tư tưởng chính trị, phương pháp cách mạng và phong cách báo chí của Việt nam, một điển hình mẫu mực về nội dung, cách trình bày, văn phong, phát hành, và tuyên truyền…
Năm 1941, sau nhiều năm bôn ba ở nước ngoài, khi về Tổ Quốc, Bác thành lập báo Việt Nam độc lập, nhằm : “ kêu gọi nhân dân tất cả trẻ lẫn già, đoàn kết vững bền như khối sắt để cùng nhau cứu nước Nam ta”. Những năm đầu của cuộc kháng chiến, Người cho rằng tờ báo Đảng phải như những lớp huấn luyện đơn giản, thiết thực và rộng khắp. Báo phải dạy bảo, hướng dẫn người ta những điều cần thiết phải làm về tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo và công tác. Với kiến thức uyên bác, văn phong lúc hóm hỉnh, khi thâm thuý, bằng những bài báo của Bác có thể thu phục mọi tầng lớp nhân dân, từ người học cao, nhiều chữ, đến đồng bào ít học. Người luôn chú ý đến tính giản dị, thiết thực, hợp với trình độ quần chúng lao động. Bác nói: “ Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng. Một tờ báo không được đại đa số quần chúng ham chuộng thì không xứng đáng là một tờ báo ”. Người căn dặn những người làm báo : “ viết sao cho giản đơn, dễ hiểu, thiết thực . Sao cho mỗi đồng bào, mỗi chiến sỹ đều đọc được, hiểu được, nhớ được, làm được”. Việc xác định đối tượng còn nhằm trả lời câu hỏi: viết cái gì, có nghĩa là nhà báo phải biết lựa chọn cái gì nên viết, cái gì không nên viết. Bác coi tính trung thực là một tiêu chuẩn đạo đức trong hoạt động nghề nghiệp. Bác nói “ không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn ”, “ chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết ” Người nhấn mạnh tính cẩn trọng: “Gặp mỗi vấn đề, ta phải đặt câu hỏi: Vì sao có vấn đề này? Xử lý vấn đề này kết quả sẽ ra sao? Phải suy nghĩ kỹ lưỡng. Chớ hấp tấp, chớ làm bừa, chớ làm liều. Chớ gặp sao làm vậy” (Sửa đổi lối làm việc).. Đây là sự đòi hỏi về trách nhiệm nghề nghiệp mà trước hết là sự trung thực với những điều mình viết ra. Vì “ càng ngày báo chí của chúng ta càng được nhân dân tin yêu, kẻ địch chú ý”. Người làm báo có trung thực, có viết đúng mới được dân tin, dân nghe. Dù ở thể loại nào, các bài viết của Bác cũng đều toát lên tính trung thực, phản ánh đúng hiện thực khách quan, bản chất sự việc, phân biệt rõ đúng sai, không “tô hồng”, “bôi đen”, phiến diện, một chiều. Đây chính là phẩm chất cao đẹp của đạo đức nghề nghiệp, cái gốc của một nhà báo cách mạng, người làm báo chân chính. Bác còn yêu cầu nhà báo: “ không nên chỉ viết cái tốt mà giấu đi cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay cái tốt thì phải có chừng mực, chớ phóng đại. Phê bình phải phê bình một cách thật thà, chân thành đúng đắn”. Yêu cầu “ chừng mực”, “ đúng đắn”, không tô vẽ phóng đại còn xuất phát từ thực tế xã hội. Bởi theo Bác “ Bộ đội và nhân dân ta cũng đủ nhiều cái hay để nêu lên, không cần phải bịa đặt ra”. Trong mọi trường hợp không thể viết báo vì mục đích vụ lợi, cá nhân, ích kỷ. Đó là nguyên tác đạo đức nghề nghiệp. Chính cuộc đời hoạt động báo chí của Bác là một bằng chứng sinh động cho quan điểm vì dân, phục vụ nhân dân, kính trọng nhân dân. Sự thành công trong nghề viết báo của Bác gắn liền với những kinh nghiệm được đúc kết từ trong cuộc sống gắn bó hoà nhập với nhân dân. Dân là thày dạy, người kiểm tra, đánh giá, biểu dương. Tại Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam,(1959) Bác dạy: Nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản. Phải nâng cao trình độ văn hoá, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình.
2-. Học tập và làm theo Bác, thời gian qua báo chí đã phản ảnh mọi mặt đời sống xã hội. Khởi phát nhiều phong trào mang ý nghĩa nhân văn, khơi dậy truyền thống và niềm tự hào dân tộc; phát hiện và biểu dương những nhân tố mới, điển hình tiên tiến, đấu tranh chống lại những hiện tượng tiêu cực. Ngày càng có nhiều nhà báo bám sát cơ sở, gắn bó với nhân dân được nhân dân tin cậy, gửi gắm niền tin, tạo ra những động lực cho những hoạt động đổi mới.
Song vẫn còn môt số cơ quan báo chí, một số nhà báo vì lợi ích cá nhân mà xa rời tôn chỉ, xa rời thực tiễn khách quan, không nhìn nhận đúng bản chất sự vật hiện tượng, có khi còn bóp méo, quy chụp, phản ánh thiếu trung thực những mặt trái của xã hội, tạo ra những sơ hở để kẻ địch lợi dụng xuyên tạc chống phá Đảng và Nhà nước ta, hoặc thương mại thông tin báo chí chạy theo thị hiếu tầm thường vì lợi ích cá nhân.
Thực hiện lời Bác dạy: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng”...đã được cụ thể trong “10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam”. Trong đó trung thực là phẩm chất đạo đức nghề nghiệp quan trọng nhất, là nền tảng của người làm báo. Tính trung thực tạo nên bản lĩnh chính trị vững vàng của người làm báo, đánh gái đúng sự vật hiện tượng trước một sự kiện, tôn trọng sự thật không làm sai lệch thông tin hoặc chạy theo lợi nhuận mà đưa những sự kiện “giật gân” “câu khách”. Mọi thông tin phải thể hiện đúng bản chất khách quan, cung cấp cho công chúng những hình ảnh chân thực thông qua đó hướng dẫn, định hướng dư luận.
Chọn lọc thông tin phản ánh đề cáo tính chiến đấu, đó là đặc điểm nổi bật phong cách báo chí Hồ Chí Minh. Bởi theo Bác hoạt động báo chí là hoạt động chính trị, báo chí là vũ khí đấu tranh cách mạng nên người làm báo phải thể hiện rõ chính kiến sự kiện mà mình đang phản ánh. Ngày nay báo chí không thể đứng ngoài cuộc đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng đạo đức lối sống, “tự diễn biến” “tự chuyển hóa”, bảo vệ quan điểm đường lối của Đảng pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, dũng cảm đấu tranh không khoan nhượng với mọi đối tượng, hiện tượng làm tổn hại đến lợi ích của nhân dân, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực, tệ nạn xã hội; phản bác có hiệu quả những thông tin, quan điểm sai trái, phản động, thù địch, bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng trong đời sống xã hội.
Học tập phong cách làm báo của Bác, luôn nhắc nhở người làm báo khi tác nghiệp cũng như khi viết tự hỏi :“Ta viết cho ai xem”, “nói cho ai nghe”. Có như vậy, người viết mới xác định đúng nội dung, hình thức thể hiện, cách diễn đạt tối ưu, phù hợp với lối sống, trình độ học vấn, kiến thức, truyền thống văn hóa. Người yêu cầu cách viết thế nào cho thật giản dị, chân thực để nhân dân dễ hiểu nhất. Người nhấn mạnh, phải viết cho đúng trình độ của người xem, viết rõ ràng, gọn gàng; chớ ham dùng chữ, những chữ mà không biết rõ thì chớ dùng, những chữ mà tiếng ta có thì phải dùng tiếng ta, làm sao cho quần chúng đều hiểu, đều tin, đều quyết tâm theo lời kêu gọi của mình. Bác luôn đòi hỏi phải giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và bảo vệ, phát triển tiếng nói của dân tộc. Người căn dặn các nhà báo phải có trách nhiệm đừng để cho tiếng mẹ đẻ của chúng ta mỗi ngày một mai một đi.
Hơn lúc nào hết chúng ta nhớ lại và thực hiện lời căn dăn của Bác Hồ tại đại hội II của Hội Nhà báo (16-4-1959): "Tất cả những người làm báo phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được". Ý thức sâu sắc lời dạy của Bác, báo giới cả nước đang thực hiện cuộc vận động học tập tư tương đạo đức Hồ Chí Minh để mỗi người cầm bút nghiên cứu thấm nhuần sâu sắc những quan điểm và đạo đức làm báo của Bác Hồ, không ngừng học hỏi để vươn lên.