Bác Hồ trong lòng người dân Nam bộ
- Văn hóa - Giải trí
- 20:27 - 28/04/2018
Đền thờ Bác ở Năm Căn - Cà Mau năm 1969.
Một trong những câu thơ đẹp nhất, thể hiện tình cảm sâu nặng, thiết tha của đồng bào Nam bộ với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc đó là:
“Tháp Mười đẹp nhất hoa sen
Việt Nam đẹp nhất có tên Cụ Hồ”!
Phải yêu quý và cảm thấy thân thiết, gần gũi đến nhường nào người dân miền Nam mới dùng hình tượng bông sen để ví với Bác. Bởi sen có vẻ đẹp thuần khiết, đậm đà bản sắc dân tộc, sen tượng trưng cho sự trong sáng, vượt lên mọi gian khổ để tỏa hương, khoe sắc cho đời.
Bác Hồ đã ra đi từ Bến Nhà Rồng- Sài Gòn để tìm đường cứu nước. Sau này Bác chưa khi nào nguôi nhớ và vợi đi niềm khao khát, ước mong cháy bỏng được trở lại miền Nam ruột thịt. Và đồng bào miền Nam cũng vậy, luôn mơ ước được đón Bác vô thăm cho thỏa lòng.
Điều này đã được nhà thơ cách mạng nổi tiếng Tố Hữu thể hiện bằng hai câu thơ:
“Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà
Miền Nam mong Bác nỗi mong Cha!”
(Bác ơi)
Tiếc thay điều đó đã không thực hiện được, Người ra đi khi miền Nam còn chìm trong khói lửa chiến tranh, đồng bào Nam bộ vẫn phải sống trong ách kìm kẹp của quân thù.
Thế nhưng những cách trở về địa lý, về không gian không chia cắt, không làm vơi được những tình cảm của người dân miền Nam với Bác Hồ. Trái lại những tình cảm của người dân Nam bộ với Bác còn cháy bỏng hơn, sâu sắc và đằm thắm hơn. Tại các tỉnh, thành phố ở miền Nam không có tỉnh nào không có khu tưởng niệm, đền thờ Bác Hồ. Nhiều nhất là tỉnh Cà Mau có khoảng 20 đền thờ Bác. Điều đáng nói là trong số đó có rất nhiều đền thờ được làm từ trước ngày miền Nam được giải phóng.
Các khu tưởng niệm và đền thờ Bác ở Nam bộ.
Tại huyện Năm Căn, ngày 4/9/1969 khi nghe tin Bác Hồ qua đời, người dân bật khóc và 7 ngày sau, ngày 14/9 đền thờ Bác Hồ đã được dựng lên tại Nà Chim, xã Viên An. Trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn, đền được dựng lên bằng gỗ đước, gỗ mắm nhưng cũng có đủ ảnh Bác lồng khung đặt trên bục cao, có cả tranh thờ, lọ hoa và lư hương. Hàng ngày người dân thường xuyên đến thắp hương tưởng nhớ Bác.
Bọn địch đánh hơi được, chúng tìm mọi cách để phá hoại, nhưng cán bộ, chiến sĩ và người dân Viên An đã cương quyết bảo vệ cho bằng được, coi đó là một trong những nhiệm vụ thiêng liêng. Và mặc dù qua rất nhiều lần bị giặc càn quét nhưng đền thờ Bác vẫn tồn tại cho đến ngày giải phóng để được tôn tạo, xây dựng lại đẹp đẽ hơn. Đền thờ Bác Hồ hiện nay là một ngôi nhà xây, mái lợp ngói, rộng khoảng 100 m2. Ngoài bàn thờ, ảnh Bác và cờ, còn có những câu đối bình hoa và một số bức tranh về quân dân Viên An đánh giặc, giữ rừng, bảo vệ đền thờ.
Những ngôi đền thờ Bác Hồ ở Nam bộ dù có quy mô và hình thức xây dựng khác nhau nhưng đều có một điểm chung là rất trang trọng, giản dị và gần gũi. Đền thờ Bác đã trở thành chỗ dựa tinh thần cho người dân Nam bộ trong những năm kháng chiến gian khổ, là nơi để đồng bào hương khói, tưởng nhớ và dành những tình cảm tha thiết với người con ưu tú nhất của dân tộc.
Tượng đài Bác Hồ tại TP Hồ Chí Minh.
Theo thống kê chưa đầy đủ hiện ở Nam bộ đang có trên 50 khu tưởng niệm, đền thờ Bác ở khắp các tỉnh, thành. Rất nhiều đền thờ Bác được người dân dựng lên ở những vùng xa xôi, hẻo lánh. Họ làm vậy do đời sống còn khó khăn, chưa có điều kiện và cơ hội ra Thủ đô viếng Bác, nên tự lập đền thờ để tưởng nhớ và cúng giỗ Bác. Không chỉ những ngày lễ, tết, ngày giỗ Bác người dân đến đền thờ, khu tưởng niệm để cúng, dâng hương hoa mà mỗi khi có công việc quan trọng cần làm hay hoàn thành một việc tốt, việc có ý nghĩa, người dân lại đến báo cáo với Bác như để Bác được vui hơn. Người dân Nam bộ vốn chất phác, hồn hậu, họ ghi nhớ công ơn trời biển của Bác với đất nước, dân tộc, với đồng bào miền Nam. Vì vậy họ lập đền thờ Bác như một lẽ tự nhiên, là tình cảm rất chân thật không vì mục đích nào khác.
Có lẽ trên thế giới khó ở đâu có hình tượng vị anh hùng dân tộc, vị lãnh tụ nào lại được người dân tôn kính như hình tượng Bác Hồ trong lòng đồng bào miền Nam. Và hình tưởng Bác Hồ sẽ còn mãi trong tâm khảm của người dân Nam bộ, như Bác Hồ đã từng nói: “Miền Nam luôn ở trong trái tim tôi. Nam bộ là máu của máu Việt Nam, thịt của thịt Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng chân lý đó không bao giờ thay đổi”.