CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:10

Chủ tịch Hồ Chí Minh với phong trào Thi đua yêu nước

 

Triển lãm "Chủ tịch Hồ Chí Minh với phong trào Thi đua yêu nước" do Bảo tàng Hồ Chí Minh và Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng phối hợp tổ chức. Đây là hoạt động ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 128 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2018) và kỷ niệm 70 năm ngày Người ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2018). Với hơn 200 tài liệu, hiện vật triển lãm giới thiệu vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc khởi xướng, tổ chức và động viên toàn dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, Triển lãm góp phần tuyên truyền, giáo dục toàn Đảng, toàn dân và toàn quân nhận thức sâu sắc hơn về vị trí, vai trò và tác dụng của phong trào thi đua yêu nước trong giai đoạn cách mạng hiện nay; động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục đẩy mạnh việc Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng.

 

Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm

 

Triển lãm “Hồ Chí Minh với phong trào thi đua yêu nước” gồm 3 phần: Thi đua kháng chiến và kiến quốc (1945- 1954); Thi đua xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1954 – 1975); Thi đua yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh (từ 1975 đến nay).

Trong đó, phần đầu điểm lại những dấu mốc lịch sử liên quan đến giai đoạn vô cùng khó khăn của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ; những đối sách của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng và Chính phủ giải quyết những khó khăn của nước nhà: giải quyết nạn đói, thanh toán nạn dốt, chống thù trong giặc ngoài, đưa đất nước ra khỏi vòng hiểm nguy, giữ vững quyền tự do, độc lập. Trưng bày còn khái lược bối cảnh sự ra đời của các phong trào thi đua ái quốc gắn với giai đoạn vừa kháng chiến vừa kiến quốc của nhân dân ta, đặc biệt là dấu mốc lịch sử ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi Thi đua ái quốc” Lời hiệu triệu đã thôi thúc đồng bào, chiến sỹ cả nước “người người thi đua, ngành ngành thi đua, ngày ngày thi đua” Các tấm gương cá nhân điển hình của trong các lĩnh vực công, nông, binh và lao động trí óc của thời kì này như: Cù Chính Lan, La Văn Cầu, Nguyễn Quốc Trị, Nguyễn Thị Chiên, Ngô Gia Khảm, Hoàng Hanh, Trần Đại Nghĩa, Trần Thị Thanh (15 tuổi), chiến sỹ thi đua ngành sản xuất giấy, đại biểu trẻ tuổi nhất của Đại hội Chiến sỹ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ I (Tuyên Quang, năm 1952), ông Vũ Thế Long người đã có nhiều công lao trong việc chế tạo hoá chất để sản xuất vũ khí cho bộ đội đánh giặc và các cán bộ, chiến sĩ lập nhiều chiến công, tham gia chiến đấu ở mặt trận Điện Biên Phủ tháng 5/1954, được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng huy hiệu, .... Những cá nhân tiêu biểu đó đã đóng góp một phần công sức vào sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

 

 

Những hình ảnh, tài liệu ở phần thứ hai lại giới thiệu tới công chúng sự phát triển của phong trào thi đua ái quốc sau năm 1954 của nước ta, các phong trào thi đua yêu nước giai đoạn này hướng vào thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh các phong trào đã không ngừng được đẩy mạnh; trong công tác thi đua, coi trọng xây dựng, nhân rộng những tấm gương điển hình tiên tiến nhằm tạo ra động lực mới trong học tập, lao động, sản xuất và chiến đấu. Trong phong trào thi đua thời kì này đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu. 

Điểm đặc biệt là ở phần thứ ba, nội dung trưng bày đã khái lược những dấu mốc lịch sử quan trọng của phong trào thi đua yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh từ năm 1975 đến nay. Phát huy tinh thần và sức sống của các phong trào thi đua yêu nước trong các giai đoạn trước. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới đất nước, dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta không ngừng đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước, định hướng vào việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, xoá đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của quần chúng nhân dân lao động, …Các phong trào thi đua sôi nổi đang hàng ngày cổ vũ, khơi dậy, phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí tự lực, tự cường của mỗi người dân trước vận mệnh của đất nước, cùng chung sức vượt mọi khó khăn, đem hết tài năng, trí tuệ, sức lực góp phần đưa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thành hiện thực trong thời kỳ hội nhập và phát triển, thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.



Ông Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh nhấn mạnh: 70 năm qua, tuy tên gọi, nội dung, hình thức và biểu hiện khác nhau, nhưng phong trào thi đua yêu nước vẫn phát triển theo dòng chảy liên tục. Trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, phong trào thi đua yêu nước do Đảng, Nhà nước ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động đã mang lại hiệu quả thiết thực. Trên tiền tuyến, các chiến sĩ thi đua chiến đấu lập công; ở hậu phương, nhân dân thi đua tăng gia sản xuất giỏi để vừa diệt giặc đói, diệt giặc dốt và diệt giặc ngoại xâm. Các phong trào “Sóng Duyên Hải”, “Gió Đại Phong”, “Ba nhất”, “Hai tốt”, "Ba sẵn sàng", "Ba đảm đang", "Năm xung phong", "Sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần", "Mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt"... đã thực sự trở thành động lực mạnh mẽ và hành động cách mạng thiết thực, góp phần đưa các cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện chống xâm lược đến thắng lợi hoàn toàn, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 và Đại thắng Mùa Xuân năm 1975. Triển lãm là việc làm hết sức có ý nghĩa, góp phần giúp người xem ôn lại truyền thống thi đua và có nhận thức sâu sắc hơn về tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thông qua đó, góp phần phát huy tinh thần đoàn kết, nhất trí, vượt qua mọi khó khăn, chung sức, đồng lòng cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thực hiện thắng lợi mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. 

ĐĂNG KHOA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh