THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 12:45

Kết quả tích cực công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ở Thái Bình

Những kết quả tích cực 

Tính đến hết tháng 9 năm 2020, tỉnh Thái Bình có 2.843 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Trong đó đang cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy công lập tỉnh là 216.

Thái Bình cũng đã thành lập, cung cấp trang thiết bị cần thiết cho 26/27 điểm tư vấn, chăm sóc hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng SCDI tổ chức tập huấn và cấp giấy chứng nhận kiến thức cơ bản, kiến thức chuyên sâu về tư vấn hỗ trợ điều trị nghiện ma túy; chẩn đoán và điều trị một số loại ma túy phổ biến tại cộng đồng cho 100% số cán bộ làm việc tại các điểm tư vấn. Qua đó đã góp phần hỗ trợ các điểm tư vấn từng bước đi vào hoạt động có hiệu quả, đến nay đã tư vấn cho 3.299 lượt người nghiện. 

Kết quả tích cực công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ở Thái Bình  - Ảnh 1.

Khám sức khỏe định kỳ cho học viên tại Cơ sở Cai nghiện ma tuý công lập tỉnh Thái Bình

Kết quả trên đây đã góp phần tích cực đẩy lùi tội phạm, tệ nạn liên quan đến ma túy, kìm chế sự gia tăng số người nghiện mới tại cộng đồng, một số người nghiện ma túy được phát hiện và đưa vào cai nghiện kịp thời… giảm thiểu tác hại của tệ nạn ma túy đối với đời sống xã hội bảo đảm an ninh trật tự, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

Những hạn chế và bất cập 

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác phòng, chống tệ nạn ma túy nói chung và công tác cai nghiện, quản lý người nghiện ma tuý sau cai nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế. Đó là, công tác tư vấn, dạy nghề, vay vốn tạo việc làm cho người sau cai vẫn còn gặp nhiều khó khăn, do những người sau cai nghiện trở về địa phương thường không có mặt ở nhà.

 Công tác tiếp nhận đối tượng của Cơ sở cai nghiện ma túy công lập tỉnh (CNMTCL) trong giai đoạn 2016 -2020 gặp rất nhiều khó khăn, hằng năm đều không đạt chỉ tiêu được giao. Đối tượng cai nghiện bắt buộc tại cơ sở CNMTCL phụ thuộc hoàn toàn vào việc công an các huyện, thành phố đưa vào. Cơ sở hạ tầng của cơ sở CNMTCL tỉnh Thái Bình đã xuống cấp, qui mô còn nhỏ, chưa đảm bảo đủ điều kiện để tiếp nhận từ 500 đến 700 học viên.

Kết quả tích cực công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ở Thái Bình  - Ảnh 2.

Dạy nghề cho đối tượng cai nghiện ma túy ở Cơ sở Cai nghiện ma túy công lập tỉnh Thái Bình.

Công tác tư vấn, tuyên truyền, vận động đối tượng nghiện vào cai nghiện tự nguyện chưa thu hút được nhiều, do chưa có kinh phí và kinh phí cai nghiện tự nguyện vẫn còn cao đối với những gia đình có người mắc nghiện.

Cơ sở chăm sóc y tế tuyến xã – nơi chăm sóc, cắt cơn, đưa phác đồ điều trị cho người nghiện còn thiếu trang thiết bị, phác đồ cắt cơn nghiện...

Cán bộ thực hiện công tác cai nghiện còn thiếu, trình độ chuyên môn còn nhiều hạn chế. Một số cơ sở cán bộ y tế phục vụ cho công tác cai nghiện chưa được đào tạo chuyên môn sâu về cai nghiện ma túy, dẫn đến lúng túng khi điều trị cắt cơn cho người nghiện.

Việc theo dõi, quản lý và tiếp cận người nghiện gặp khó khăn vì người nghiện thường đi làm ăn xa, thường xuyên đi lang thang, không có mặt tại nơi cư trú. Số người nghiện tham gia điều trị bằng thuốc methadone luôn biến động, thất thường, vẫn còn tình trạng bỏ liều, bỏ điều trị hoặc đồng thời sử dụng các loại ma túy khác.

Việc điều trị, quản lý đối tượng cai nghiện tập trung còn tiềm ẩn nhiều phức tạp do đối tượng nghiện hiện nay tỷ lệ lớn là nghiện ma túy tổng hợp, nên thần kinh không ổn định, để tại gia đình, cộng đồng rất nguy hiểm. Gia đình muốn đưa đi cai nghiện tập trung nhưng đối tượng không tự nguyện ký đơn, ảnh hưởng đến hồ sơ cai nghiện tự nguyện; Phác đồ điều trị ma túy tổng hợp một cách hiệu quả chưa có; đội ngũ cán bộ điều trị còn hạn chế chuyên môn, chưa có kỹ năng, phương pháp tư vấn, trị liệu...

Kết quả tích cực công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ở Thái Bình  - Ảnh 3.

Tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về tư vấn, điều trị cai nghiện ma túy tại cộng đồng ở huyện Tiền Hải.

Công tác cai nghiện tại gia đình, cai nghiện tại cộng đồng còn gặp khó khăn do không có kinh phí và công tác hỗ trợ điều trị cắt cơn cho người nghiện ma túy tại các địa phương chưa thực hiện được. 

Mặc dù Sở LĐ-TB&XH đã nhiều năm phối hợp với Cục Phòng chống tệ nạn xã hội và Sở Y tế tổ chức tập huấn cho cán bộ Cơ sở CNMTCL tỉnh, cán bộ làm công tác cai nghiện ma túy tại cộng đồng tại địa phương và các điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng cũng như tổ chức làm điểm hoạt động hỗ trợ cắt cơn tại một số địa phương song chưa được triển khai nhân rộng. 

Kết quả tích cực công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ở Thái Bình  - Ảnh 4.

Người cai nghiện ma túy tại Cơ sở CNMTCL Thái Bình tham gia lao động trị liệu.

 Đề xuất các giải pháp đồng bộ

Trước tình hình tệ nạn ma tuý vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt tình trạng sử dụng ma tuý tổng hợp đang có chiều hướng gia tăng, các cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình kiến nghị, đề xuất: Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp, giải pháp về phòng, chống tệ nạn ma túy, quản lý sau cai nghiện nhằm đạt được mục tiêu của Chương trình phòng, chống tệ nạn ma túy, quản lý sau cai nghiện giai đoạn tiếp theo.

Đề xuất và trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống ma tuý năm 2008 và Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 cho phù hợp với công tác phòng, chống ma tuý nói chung và công tác cai nghiện ma tuý nói riêng.

Xây dựng Chương trình công tác cai nghiện ma túy giai đoạn 2021-2025 để thống nhất quan điểm, nhận thức, biện pháp, giải pháp trong chỉ đạo, điều hành và thực hiện nhiệm vụ của các cấp, các ngành

Kiến nghị Bộ Y tế nghiên cứu, ứng dụng các bài thuốc, phương pháp điều trị nghiện ma túy có hiệu quả; xây dựng phác đồ điều trị nghiện ma túy cho người nghiện ma túy tổng hợp, dạng đá. Tổng kết, đánh giá hiệu quả mô hình điều trị người nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế methadone trên phạm vi toàn quốc.

Tăng cường đầu tư kinh phí phục vụ công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng; có chế độ cho cán bộ làm việc tại các điểm tư vấn, chăm sóc, điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng.

 Đầu tư kinh phí mở rộng quy mô cơ sở cai nghiện ma túy công lập tỉnh, đồng thời nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị để đảm bảo công suất tiếp nhận từ 500 học viên trở lên. Trong đó sắp xếp, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ đội ngũ cán bộ để bảo đảm các điều kiện theo quy định về điều trị nghiện trong giai đoạn mới.

Minh Quang

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh