THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 08:02

Dưới 18 tuổi: Áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc không bị coi là việc xử lý hành chính

Tiếp tục Kỳ họp thứ 10, sáng 22/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC).

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, so với dự thảo đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp ở nhiều điều, khoản để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi và rõ ràng của các quy định.

Đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là biện pháp XLHC từ đủ 18 tuổi

Đáng chú ý, về đối tượng áp dụng biện pháp xử lý hành chính, (sửa đổi, bổ sung các điều 90, 92, 94 và 96 của Luật XLVPHC), ông Tùng cho biết, đa số ý kiến đề nghị không áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi mà thực hiện cai nghiện theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy.

"Một số ý kiến tán thành áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên nhưng không quy định trong Luật này mà quy định trong Luật Phòng, chống ma túy. Một số ý kiến khác lại tán thành bỏ quy định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người nghiện ma túy", ông Tùng nhấn mạnh.

Vì thế, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho hay, tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người nghiện ma túy được quy định theo hướng cơ bản kế thừa các quy định của Luật hiện hành, đã được thực hiện ổn định từ Pháp lệnh XLVPHC năm 2002 đến nay.

Đồng thời chỉnh lý để bảo đảm thống nhất, đồng bộ với nội dung dự kiến sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy.

Theo đó, Luật Phòng, chống ma túy quy định tổng thể về cai nghiện ma túy, trong đó có hình thức cai nghiện bắt buộc tập trung.

Đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là biện pháp xử lý hành chính, được quy định trong Luật XLVPHC; chỉnh lý quy định về đối tượng bị áp dụng biện pháp này (khoản 1 Điều 96) để tránh phát sinh mâu thuẫn do dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) được Quốc hội xem xét, thông qua sau dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC.

Đồng thời, bỏ quy định về việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người đã thành niên nghiện ma túy.

Đối với người nghiện ma túy dưới 18 tuổi, việc áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc không bị coi là việc xử lý hành chính nên chỉ quy định trong Luật Phòng, chống ma túy mà không quy định trong Luật XLVPHC.

"Quy định như vậy để góp phần bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em và người dưới 18 tuổi, phù hợp với Luật Trẻ em và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên", ông Tùng nói.

Cũng theo ông Tùng, có ý kiến đề nghị rà soát về đối tượng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc để bảo đảm thống nhất với Bộ luật Hình sự, phù hợp với tính chất của hành vi vi phạm.

Về điều này, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, trên cơ sở rà soát, đối chiếu với các quy định có liên quan của Bộ luật Hình sự, dự thảo Luật đã bỏ quy định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đối với người từ đủ 16 tuổi trở lên nhiều lần thực hiện hành vi gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, đánh bạc, lừa đảo, đua xe trái phép… vì những trường hợp này đã được Bộ luật Hình sự quy định là tội phạm.

Khó chốt phương án cắt điện nước trong xử phạt vi phạm hành chính

Từ Kỳ họp thứ 9, khi thảo luận dự án luật này, vấn đề nữa được nhiều đại biểu quan tâm là quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 86, Điều 87 của Luật XLVPHC).

Nhiều ý kiến đề nghị không bổ sung biện pháp cưỡng chế "ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước".

Một số ý kiến tán thành bổ sung biện pháp này là biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Một số ý kiến đề nghị bổ sung biện pháp này là biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính.

Về nội dung này, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, quá trình tiếp thu, chỉnh lý còn hai loại ý kiến khác nhau.

Loại ý kiến thứ nhất đề nghị tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, không bổ sung biện pháp "ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước...", vì qua tổng kết thi hành Luật cho thấy, với các quy định hiện hành, việc thi hành và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt không gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Trong khi đó, điện, nước là nhu cầu thiết yếu của cá nhân, tổ chức nên nếu áp dụng biện pháp này sẽ tác động tiêu cực không chỉ đến cá nhân, tổ chức vi phạm mà còn có thể ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức khác.

Việc áp dụng biện pháp này là can thiệp sâu vào quan hệ dân sự nên cần được cân nhắc thận trọng, đánh giá tác động kỹ lưỡng nhằm bảo đảm xử lý hài hòa lợi ích của Nhà nước, bảo vệ trật tự công cộng với quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng việc bổ sung biện pháp cưỡng chế này là cần thiết, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn nhằm buộc cá nhân, tổ chức đã bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấm dứt hành vi vi phạm; tuy nhiên, quy định như dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 là quá rộng, chưa tương xứng với chế tài bị áp dụng trong một số trường hợp, có thể ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Do vậy, đề nghị thu hẹp phạm vi áp dụng và bổ sung nguyên tắc việc áp dụng biện pháp này không được làm ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức khác.

Do còn có ý kiến khác nhau, dự thảo Luật xin thể hiện 2 phương án theo 2 loại ý kiến nêu trên để tiếp tục xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội (sửa đổi, bổ sung điểm đ khoản 2 và bổ sung khoản 2a Điều 86 của Luật XLVPHC).

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này.

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh