THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:18

Đối tượng đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc sẽ do Luật Phòng chống ma túy xác định

Bổ sung biện pháp tạm giữ hành chính: Cân nhắc chặt chẽ, thận trọng

Tiếp tục Kỳ họp thứ 10, sáng 22/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC).

Tán thành với phần giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là bỏ biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người sử dụng trái phép chất ma tuý (chưa phải người nghiện ma tuý) không có nơi cư trú ổn định, đại biểu Nguyễn Hoàng Mai (đoàn Tiền Giang) nhấn mạnh: "Bởi quy định này không khả thi".

Ngoài ra, cũng theo ông Mai, việc xác định đối tượng đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc sẽ do Luật Phòng chống ma túy xác định. "Luật Xử lý vi phạm hành chính sẽ xác định trình tự thủ tục, thầm quyền là đủ", ông nói.

Đối tượng đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc sẽ do Luật Phòng chống ma túy xác định - Ảnh 1.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định).

Về quy định "đối với người sử dụng trái phép chất ma tuý có độ tuổi từ 14 đến 18 mà có nơi cư trú ổn định thì giao gia đình quản lý", đại biểu Nguyễn Hoàng Mai cho rằng "điều này rất khó".

"Bản thân gia đình cũng chưa hiểu sâu sắc về nguy cơ sử dụng ma tuý, hay kỹ năng giúp người thân từ bỏ ma tuý mà cần cán bộ có chuyên môn", ông Mai nói rõ thêm.

Trái ngược với quan điểm trên, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) cho rằng, việc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên cần được đưa vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, mà không đợi để đưa vào Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).

Ngoài ra, đại biểu Mai Thị Phương Hoa còn cho ý kiến về bổ sung biện pháp tạm giữ hành chính đối với người sử dụng trái phép chất ma túy để xác định tình trạng nghiện ma túy được quy định tại Điều 122 của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật này.

"Thời hạn tạm giữ người sử dụng trái phép chất ma túy là không quá 5 ngày kể từ ngày bắt đầu tạm giữ người vi phạm. Nơi tạm giữ người sử dụng trái phép chất ma túy là cơ sở cai nghiện bắt buộc cấp tỉnh hoặc nhà tạm giữ, buồng tạm giữ hành chính", nữ đại biểu nói.

Cũng theo đại biểu đoàn Nam Định, Ban soạn thảo dự thảo Luật cần cân nhắc quy định trên bởi dự Luật Phòng chống ma túy (sửa đổi) đã bổ sung 1 chương về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy.

Đối tượng đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc sẽ do Luật Phòng chống ma túy xác định - Ảnh 2.

Đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) phát biểu tại điểm cầu trự tuyến Tuyên Quang.

Trong đó có định nghĩa, người bị coi là sử dụng trái phép chất ma túy là người có xét nghiệm dương tính với chất ma túy. Việc sử dụng trái phép chất ma túy của người đó không được pháp luật cho phép và chưa xác định được tình trạng nghiện. "Như vậy, họ chưa được coi là người nghiện ma túy", bà Hoa nhấn mạnh.

Mặt khác, bà Hoa nói thêm, việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính là hạn chế việc tự do đi lại của họ và có thể ảnh hưởng đến các quyền cơ bản khác. Do đó, quy định này cần phải được cân nhắc chặt chẽ và thận trọng.

Đề xuất bổ sung xem xét tạm hoãn xử phạt hành chính

Đóng góp ý kiến vào việc xử phạt đối với đối tượng vi phạm hành chính chưa thành niên, đại biểu Ma Thị Thúy - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang nêu quan điểm: Khoản 4 Điều 58 đề nghị Quốc hội xem xét trường hợp người chưa thành niên vi phạm hành chính thì biên bản ghi vi phạm hành chính phải có thêm chữ ký của cha mẹ hoặc người giám hộ.

"Trường hợp không có cha mẹ hoặc người giám hộ thì phải có chứng kiến của chính quyền địa phương, nơi phát hiện người có hành vi vi phạm hành chính", nữ đại biểu nhấn mạnh thêm.

Về trường hợp người vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền hoặc vượt quá thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì biên bản phải được chuyển trong thời hạn không quá 24 giờ làm việc kể từ khi lập biên bản.

"Bởi thực tế, một số trường hợp lập biên bản vi phạm hành chính vào cuối giờ làm việc của ngày cuối tuần hoặc các ngày nghỉ lễ, tết sẽ không đảm bảo thời gian chuyển biên bản theo quy định", bà Thúy cho hay.

Ngoài ra, đại biểu Ma Thị Thúy còn đề xuất bổ sung một số trường hợp được xem xét tạm hoãn xử phạt hành chính như: Cá nhân thuộc hộ nghèo, cận nghèo, thất nghiệp hoặc không có thu nhập ổn định.

Để minh chứng, bà nêu ví dụ, như mức tiền xử lý vi phạm hành chính đối với lĩnh vực quản lý và bảo vệ rừng là khá cao nhưng đối tượng vi phạm lại thuộc diện trên.  


Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh