CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 10:20

Kết quả thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm Vĩnh Phúc

 

1. Tổ chức, triển khai thực hiện 
- Chuẩn bị các điều kiện để triển khai thực hiện bảo hiểm thất nghiệp
Trung tâm dịch vụ việc làm đã cử cán bộ thực hiện công tác bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tham dự các khóa tập huấn chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng chuyên sâu do Cục Việc làm tổ chức. Hiện nay 80% cán bộ thực hiện bảo hiểm thất nghiệp có giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa học nghiệp vụ BHTN do Cục Việc làm cấp, 100% cán bộ thực hiện bảo hiểm thất nghiệp đều có bằng cấp phù hợp với vị trí việc làm theo quy định của Cục Việc làm.
Trung tâm thường xuyên tổ chức tọa đàm trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ cho toàn thể cán bộ trong trung tâm, đặc biệt quan tâm đào tạo về kỹ năng, quy trình tiếp nhận và giải quyết hưởng BHTN, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động thất nghiệp; Ngoài ra, Trung tâm đã tổ chức các chương trình học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện BHTN với các Trung tâm DVVL tỉnh bạn để các Trung tâm dịch vụ việc làm nghiên cứu, áp dụng. 
Trung tâm đã đề xuất Cục Việc làm hoàn thiện, nâng cấp phần mềm BHTN, tập huấn và hướng dẫn sử dụng phần mềm tại các Trung tâm dịch vụ việc làm, bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực trong hoạt động xử lý, lưu trữ các hoạt động về BHTN. Hiện nay, Trung tâm đã có văn bản gửi Bảo hiểm xã hội tỉnh Vĩnh Phúc để phối hợp kết nối và chia sẻ dữ liệu BHTN giữa ngành Lao động – TB&XH với Bảo hiểm xã hội, phục vụ cho việc tiếp nhận, giải quyết chế độ BHTN đồng thời kiểm tra, kiểm soát kịp thời, tránh sai sót, gian lận, trục lợi BHTN, giúp tổng hợp, phân tích và cung cấp các thông tin nhanh về BHTN giữa hai ngành.
Trung tâm được Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh tạo điều kiện, giao nhiệm vụ và tăng cường cán bộ, cơ sở vật chất cho trung tâm dịch vụ việc làm để thực hiện chính sách BHTN. Hiện nay với sự hỗ trợ kinh phí từ nguồn kinh phí BHTN và các nguồn khác, đến nay trang thiết bị của Trung tâm khá đầy đủ, đáp ứng được yêu cầu của công việc, trong đó hệ thống máy vi tính, bàn, ghế, tủ đồ được trang bị đến từng cá nhân.
Giải quyết chế độ BHTN cho người thất nghiệp.
- Tuyên truyền, phổ biến về chính sách BHTN
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan như: Bảo hiểm xã hội tỉnh Vĩnh Phúc, Liên đoàn Lao động tỉnh, Đài phát thanh xã, phường, Báo Vĩnh Phúc, Đài phát thanh truyền hình tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền các chế độ, chính sách về BHTN bằng nhiều hình thức phong phú và phù hợp như: tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các hội nghị tuyên truyền tại các huyện và khu công nghiệp; đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp; In tờ rơi tuyên truyền chính sách bảo hiểm thất nghiệp phát cho người lao động và các doanh nghiệp tại 04 phiên, sàn giao dịch việc làm hàng tháng; phát tại UBND các xã, phường trên địa bàn tỉnh, phát cho lao động đến làm thủ tục bảo hiểm thất nghiệp tại phòng bảo hiểm thất nghiệp; Phát thanh tuyên truyền chính sách Bảo hiểm thất nghiệp trên hệ thống phát thanh 9 huyện, thành , thị và 137 xã, phường trên địa bàn tỉnh; Trung tâm đã in và treo băng zôn tuyên truyền chính sách bảo hiểm thất nghiệp tại các huyện, thị, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, đăng báo Vĩnh Phúc, đài truyền hình Vĩnh Phúc. Thực hiện tuyên truyền lưu động 15 ngày tại 9 huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, hàng năm Trung tâm tổ chức Hội nghị phối hợp thực hiện chính sách BHTN cho các doanh nghiệp và cho người lao động thất nghiệp trên địa bàn tỉnh và nhận được phản hồi tích cực từ các doanh nghiệp. Từ đó góp phần tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
Công tác tuyên truyền thời gian qua đã có hiệu quả nhất định, điều này được phản ánh qua số doanh nghiệp, NLĐ tham gia BHTN ngày càng tăng; số lượng người đến đăng ký thất nghiệp chậm ngày càng giảm, tình trạng hồ sơ không đầy đủ, NLĐ phải đi lại nhiều lần, bức xúc, khiếu nại cán bộ cũng đã giảm thiểu đáng kể... Tuy nhiên, hiện nay vẫn thiếu những chương trình mang tính dài hạn để cộng đồng, người sử dụng lao động và NLĐ nhận thức sâu sắc hơn về chính sách BHTN.
- Bố trí cán bộ thực hiện công tác Bảo hiểm thất nghiệp
Chính phủ ban hành Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp, theo đó chính sách bảo hiểm thất nghiệp có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2009. Năm 2011 Cục Việc làm căn cứ diện tích, dân số, tình hình phát triển kinh tế xã hội của các địa phương trên cả nước để giao định suất thực hiện công tác bảo hiểm thất nghiệp cho các Trung tâm Dịch vụ việc làm; Tỉnh Vĩnh Phúc được dự kiến là địa phương có người lao động thất nghiệp hưởng trợ cấp BHTN ở quy mô trung bình, do đó Cục Việc làm giao 14 định suất cho cán bộ thực hiện công tác Bảo hiểm thất nghiệp. Năm 2010 số người đến nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm DVVL Vĩnh Phúc là 1.904 người. Số người lao động thất nghiệp đến nộp hồ sơ đề nghị hưởng BHTN tại Vĩnh Phúc tăng dần qua các năm, năm 2017 là 7.002 người, đạt 367.75% so với năm 2010. Tính đến tháng 8 năm 2018, ngoài 14 định suất bảo hiểm thất nghiệp, Cục Việc làm đã bổ sung thêm 13 cán bộ từ các phòng các sang hỗ trợ công tác bảo hiểm thất nghiệp, trong đó 18 cán bộ được phân công làm việc cố định tại Phòng Bảo hiểm thất nghiệp, 9 cán bộ thực hiện công việc tại văn phòng đại diện và phòng liên quan khác. Đến tháng 4 năm 2019 các văn phòng đại diện ngừng hoạt động, do đó ngoài 14 định suất cán bộ thực hiện BHTN, có 5 cán bộ hợp đồng hỗ trợ công tác BHTN khi số lượng người lao động đến nộp hồ sơ tăng cao.
Ngày 16/5/2018 Cục Việc làm tổ chức Hội nghị triển khai mô hình hoạt động của Trung tâm theo văn bản số 671/CVL-TTLĐ ngày 30/6/2017 của Cục Việc làm về việc triển khai mô hình hoạt động của Trung tâm dịch vụ việc làm. Ngay sau hội nghị này Trung tâm đã chuẩn bị nhân lực, cơ sở vật chất, tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng cho cán bộ tư vấn. Sau khi có đủ các điều kiện tối thiểu cho phòng một cửa, Trung tâm đã triển khai mô hình một cửa từ ngày 21/5/2018.

2. Kết quả thực hiện 
chính sách BHTN
- Công tác tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp: Từ bảng số liệu trên cho thấy từ năm 2010 đến hết năm 2018 trên toàn tỉnh có 44.486  lượt người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Số lượt người có quyết định hưởng TCTN tăng hàng năm, tính đến 12/2018 có 43.534 lượt người, đạt 97,86% số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng BHTN. Trong đó, số người có quyết định hưởng TCTN lần thứ hai, thứ ba ngày càng nhiều và có người được hưởng TCTN 09 tháng. Mức hưởng TCTN bình quân là 2,1 triệu đồng/người/tháng đến 2,5 triệu đồng/người/tháng.
Theo kết quả khảo sát các doanh nghiệp và NLĐ, NLĐ có mức thu nhập cao nghỉ việc do một số nguyên nhân sau: áp lực trong công việc là nguyên nhân khiến nhiều lao động xin nghỉ việc tại các doanh nghiệp, văn phòng đại điện của các công ty nước ngoài; Tại Vĩnh Phúc có nhiều dự án hoạt động đầu tư trực tiếp của nước ngoài. NLĐ làm việc tại các dự án, văn phòng đại diện thường có mức lương khá cao so với mặt bằng chung. Khi các dự án hoàn thành hoặc các văn phòng đại diện ngừng hoạt động, người sử dụng lao động sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với NLĐ; Hơn nữa, những lao động có trình độ, có thu nhập cao dễ tìm kiếm được việc làm mới, do đó họ có xu hướng nghỉ ngơi một khoảng thời gian, sau đó tìm một việc làm mới có mức thu nhập tương đương hoặc cao hơn hiện tại.
- Công tác tư vấn, giới thiệu việc làm
Trung tâm DVVL Vĩnh Phúc đã chú trọng và có nhiều biện pháp thiết thực để đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho người thất nghiệp ngay từ khi người lao động đến nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp và tạo điều kiện cho người thất nghiệp tiếp cận một cách tốt nhất về thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tích cực để người sử dụng lao động tiếp cận với người lao động thất nghiệp để tuyển lao động.
Trung tâm đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho 95.024 lượt người. Tỷ lệ giới thiệu việc làm chưa cao, nguyên nhân như sau: Thứ nhất, người lao động thất nghiệp chủ yếu là phụ nữ sau khi sinh con, họ không có nhu cầu đi làm. Thứ hai: khi người lao động nghỉ việc họ đã có kế hoạch việc làm tiếp theo cho bản thân, việc hưởng trợ cấp thất nghiệp là thời gian họ nghỉ chờ việc, do đó họ muốn hưởng hết trợ cấp thất nghiệp rồi đi làm.
- Công tác đào tạo nghề
 Thực hiện Kế hoạch số 03/KH-LĐTBXH ngày 29/01/2010 của Sở Lao động – TB&XH tỉnh Vĩnh Phúc về dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho người nghèo theo chương trình Mục tiêu giảm nghèo năm 2010; Trung tâm DVVL Vĩnh Phúc đã triển khai thực hiện dạy nghề cho người lao động thất nghiệp trên địa bàn tỉnh. Chính sách hỗ trợ học nghề này có nhiều thuận lợi cho người học nghề cũng như cơ sở dạy nghề, từ đối tượng, mức hỗ trợ đến cách thức thực hiện. Do đó, tỷ lệ người lao động tham gia học nghề năm 2011, 2012 tăng cao so với năm trước đó.
Từ năm 2013 đến năm 2015, Trung tâm thực hiện tư vấn học nghề kết hợp tư vấn việc làm, tư vấn chính sách bảo hiểm thất nghiệp, do đó công tác tư vấn học nghề chưa đạt hiệu quả. Tháng 9 năm 2016 trung tâm đã thành lập bộ phận chuyên biệt có chức năng tư vấn học nghề cho người lao động thất nghiệp, do đó số người lao động thất nghiệp tham gia học nghề tăng nhiều so với giai đoạn trước đó; Ngoài ra, Trung tâm tiến hành khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động và nhu cầu của thị trường lao động;  Phối hợp với các cơ sở dạy nghề có uy tín trên địa bàn tỉnh dạy nghề cho người lao động thất nghiệp. Do đó công tác tư vấn học nghề bước đầu đã đem lại hiệu quả nhất  định.
* Kết quả công tác đào tạo nghề từ năm 2010 đến 2018

* Một số tồn tại, hạn chế trong công tác đào tạo nghề 
Tỷ lệ học nghề qua các năm đã tăng dần, tuy nhiên tỷ lệ học nghề so với số người nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp thấp, đạt 2.32%. Nguyên nhân do chủ yếu  đào tạo những nghề đơn giản với trình độ sơ cấp nghề, chẳng hạn như: Tin học văn phòng, nấu ăn, may thời trang, may công nghiệp. Trong khi vị trí việc làm trống ở các khu công nghiệp chủ yếu là lao động phổ thông chưa qua đào tạo, kể cả đã qua đào tạo thì khi nhận vào làm doanh nghiệp vẫn sẽ đào tạo lại. Do đó, chứng chỉ sơ cấp nghề hầu như người lao động không dùng để xin việc được; Kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề thấp: mức hỗ trợ hiện nay là tối đa 1 triệu đồng/ người/tháng, tối đa không quá 6 tháng. Trong khi 1 số nghề mũi nhọn có thể giúp người lao động chuyển đổi nghề như: công nghệ ô tô, điện tử, điện lạnh trình độ trung cấp cao đẳng thì mức học phí rất cao. Do đó, người lao động thất nghiệp không đủ khả năng để theo học. Đây là  những lý do khiến cho việc đào tạo nghề sau thất nghiệp không phát huy được hiệu quả.
Việc kết nối giữa cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp để đón đầu các khóa học nghề đã được thực hiện tuy nhiên vẫn gặp rất nhiều khó khăn và chưa phát huy được hiệu quả. Do vậy hiện nay người lao động chủ yếu chọn các nghề có thể tự tạo việc làm tại chỗ như: lái xe ô tô, may mặc, tin học. Qua khảo sát, khi kết thúc các khóa học nghề, đa số  người lao động tìm được việc làm mới ( lái xe ô tô tại doanh nghiệp, các hãng vận tải trên địa bàn tỉnh) hoặc tự tạo việc làm tại chỗ ( may mặc, photo, máy tính văn phòng...)

*  Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề
- Tăng cường công tác tuyên truyền về quyền lợi học nghề của người lao động với nhiều hình thức: tờ rơi, băng zôn, phát thanh truyền hình, phát thanh xã phường, công tác tư vấn tại trung tâm, văn phòng đại diện, tuyên truyền lưu động
- Nâng cao năng lực cán bộ tư vấn: thường xuyên tổ chức đào tạo cán bộ theo chuyên đề, theo nhóm nhằm nâng cao kỹ năng tư vấn của cán bộ thực hiện. 
- Thường xuyên phối hợp với các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh: Hiện nay trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 46 cơ sở dạy nghề được cấp phép đăng ký hoạt động dạy nghề, việc phối hợp với các cơ sở dạy nghề  nhằm tổ chức các lớp dạy nghề phong phú, phù hợp với nhu cầu học nghề của người lao động và các doanh nghiệp. 
- Tăng cường sự gắn kết giữa cung và cầu lao động, cụ thể là sự hỗ trợ của các doanh nghiệp để người lao động học xong có việc làm ngay, tạo động lực cho người lao động thất nghiệp đi học nghề.

 

TRUNG TÂM DỊCH VỤ VIỆC LÀM VĨNH PHÚC

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh