CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:12

Bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ đào tạo nghề cho người thất nghiệp quay trở lại thị trường lao động

 

Thời điểm 1/1/2015 khi Quyết định số 77/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy định mức hỗ trợ học nghề mới cho lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp lên mức tối đa 1 triệu đồng/người/tháng có hiệu lực, đã tác động rất lớn đến tâm lý của người lao động. Sau một năm chính thức được ban hành, mức hỗ trợ mới đã phát huy nhiều tác dụng, giúp người lao động thất nghiệp có cơ hội được học nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, bảo đảm cuộc sống, góp phần vào công tác giảm nghèo tại địa phương. Số lao động đến nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp đã quan tâm đến học nghề, tham gia các khóa học nghề tăng, chiếm tỷ lệ cao hơn hẳn so với cùng kỳ những năm trước. 

Tổng số người được hỗ trợ học nghề trong giai đoạn 2010 - 2019 (tính đến thời điểm 31/5/2019) là 178.019 người. Một số địa phương có số người được hỗ trợ học nghề cao, chiếm tỷ lệ lớn so với tổng số người được hỗ trợ học nghề trên toàn quốc là: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng, Long An... Sự gia tăng số lao động thất nghiệp tham gia học nghề trong những năm qua là do quy định mới đã gỡ bỏ sự chênh lệch, bất cập giữa mức hỗ trợ học nghề dưới 3 tháng và trên 3 tháng trước kia, tăng mức tiền tối đa lên 1 triệu đồng/người/tháng (không quá 6 tháng) tùy theo từng nghề, mức thu học phí và thời gian học nghề theo quy định của cơ sở dạy nghề. Bên cạnh đó, Luật Việc làm số 38/2013/QH13 được Quốc hội thông qua đã mở rộng đối tượng tham gia BHTN, mở rộng hỗ trợ học nghề đối với đối tượng đóng BHTN từ đủ 9 tháng đến dưới 12 tháng. Tất cả đã mở ra thêm nhiều cơ hội học nghề thiết thực, tạo sức hút với người lao động thất nghiệp.

Nguồn: Tổng hợp số liệu tình hình thực hiện BHTN của các địa phương
Ngoài cơ chế mới thì một trong những yếu tố quan trọng giúp công tác định hướng, tư vấn học nghề cho người lao động thất nghiệp tại rất nhiều Trung tâm dịch vụ việc làm đạt hiệu quả cao là do các Trung tâm luôn chủ động liên kết với các cơ sở dạy nghề uy tín nhằm tổ chức các lớp dạy nghề phong phú, phù hợp với nhu cầu học nghề của người lao động và các doanh nghiệp. Hình thức đào tạo, thời gian đào tạo của các cơ sở dạy nghề hết sức linh hoạt, đa dạng với thời gian đào tạo từ 1 đến 6 tháng/khóa, tập trung chủ yếu ở hai dạng khóa đào tạo 3 và 6 tháng. Đặc biệt, nhiều cơ sở chú trọng tập trung vào đào tạo các nghề liên quan đến kỹ thuật mà hiện thị trường đang thiếu và có nhu cầu cao như: Đào tạo lái xe, cơ điện, sửa chữa xe có động cơ... Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động thất nghiệp có nhu cầu tư vấn, học nghề, Trung tâm đã bố trí cán bộ tư vấn trực tiếp tại nơi nộp hồ sơ, tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động tại cơ sở giúp lao động ở xa tiết kiệm được chi phí đi lại, tiện lợi trong việc khai báo hưởng trợ cấp cũng như tiếp cận các thông tin học nghề và việc làm. Sau khi hoàn thành khóa học, người lao động sẽ tiếp tục được trung tâm hỗ trợ tư vấn, tìm kiếm việc làm theo nghề đã học.

Trong thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp nhằm thu hút người thất nghiệp học nghề để chuyển đổi việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống như sau:
Một là, nâng mức hỗ trợ học nghề đối với lao động thất nghiệp.
Hai là, các cấp, ngành có liên quan tăng cường phối hợp, kiểm tra, giám sát việc tổ chức dạy nghề, để có biện pháp ngăn ngừa trục lợi về dạy nghề khi mức hỗ trợ học nghề được điều chỉnh.
Ba là, các cơ sở dạy nghề cần nâng cao năng lực, nhất là giáo trinh, tổ chức đào tạo để phù hợp với từng nhóm đối tượng người thất nghiệp.
Bốn là, mở rộng mạng lưới cơ sở dạy nghề, nhất là các cơ sở dạy nghề ngoài công lập nhằm đáp ứng nhu cầu lựa chọn của người lao động, cũng như xu hướng đào tạo theo hướng cầu của thị trường, cần tập trung đào tạo tại các trường trung cấp nghề công lập (những cơ sở dạy nghề này được Nhà nước hỗ trợ trang thiết bị, kinh phí tương đối lớn, nhất là các cơ sở dạy nghề thuộc chương trình xây dựng nghề trọng điểm quốc gia).
Năm là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách BHTN tại các đơn vị, doanh nghiệp, người lao động và các hợp tác xã; phối hợp tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện BHTN tại các cơ sở có nhiều người tham gia BHTN với mục tiêu nâng cao nhận thức của xã hội về những lợi ích khi tham gia BHTN, đặc biệt là việc hỗ trợ đào tạo nghề.
Mặt khác, các Trung tâm cần quan tâm nhiều hơn đến những lao động yếu thế bị mất việc hoặc không thể tìm kiếm được việc làm phù hợp như lao động nghèo, di cư, tàn tật... bằng các biện pháp nghiệp vụ nhằm hỗ trợ, tư vấn cho nhóm lao động này có được một việc làm phù hợp với nguyện vọng, hoàn cảnh và sức khỏe của họ, từ đó góp phần đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế địa phương.

 

TRUNG TÂM QUỐC GIA VỀ DỊCH VỤ VIỆC LÀM

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh