THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:06

Bến Tre: Hỗ trợ sinh kế giúp người dân thoát nghèo bền vững

 

Đề án sinh kế hỗ trợ người nghèo hiệu quả

Ông Nguyễn Minh Lập – GĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bến Tre cho biết: Thời gian qua, để thực hiện đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững theo Đề án sinh kế, mặc dù còn những khó khăn, hạn chế nhưng phải kiên trì, kiên quyết tiếp tục quán triệt các nội dung, giải pháp thực hiện Đề án sinh kế, trong đó chú trọng phát huy năng lực, tiềm năng của chính bản thân người nghèo và vai trò của các tổ chức đoàn thể trong việc tiếp cận, hướng dẫn, hỗ trợ người nghèo phát triển sản xuất. 

Qua 2 năm triển khai Đề án sinh kế, toàn tỉnh có 11.879/15.858 hộ tham gia, trong đó chủ yếu là hộ nghèo. Kết quả, trên 10 ngàn lượt hộ đã được giải ngân vốn vay hỗ trợ với kinh phí hơn 10 tỷ đồng để sản xuất nông nghiệp, xây dựng và nhân rộng các mô hình làm ăn hiệu quả. Ở hoạt động phi nông nghiệp, Đề án sinh kế xác định việc làm có thu nhập ổn định là giải pháp căn cơ nhất để giảm nghèo bền vững, nhờ đó nhiều người nghèo, cận nghèo đã được dạy nghề, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động. Với 497 hộ tham gia Chương trình khởi nghiệp thoát nghèo, 2 năm qua, nhìn chung, các hộ đều sử dụng vốn đúng mục đích, có chí thú làm ăn, vươn lên trong cuộc sống. Tuy nhiên, nhiều hộ vẫn chưa thật sự ổn định về việc làm và thu nhập.

Ông Lập cho biết: Việc triển khai Đề án sinh kế và chương trình khởi nghiệp thoát nghèo đã lan tỏa sâu rộng trong nhân dân qua các đợt truyền thông xuất khẩu lao động cho gần 14 ngàn học sinh ở các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; họp mặt đối thoại với trên 4,3 ngàn hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Theo ghi nhận của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các hộ tham gia thực hiện Đề án sinh kế và Chương trình khởi nghiệp thoát nghèo yên tâm, tin tưởng vào chính sách hỗ trợ để vươn lên thoát nghèo; được kết nối nguồn lực, giải ngân vốn hỗ trợ thực hiện các hoạt động sản xuất nông nghiệp trồng trọt, chăn nuôi, dạy nghề, giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động. Bên cạnh đó, nhận thức về cách thức quản lý vốn, xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất của hộ được nâng lên.


Mô hình trồng nấm giúp dân thoát nghèo


Đối với kết quả hỗ trợ hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, 100% hộ nghèo được mua thẻ bảo hiểm y tế và miễn giảm học phí. Hàng ngàn hộ gia đình được hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất và hàng trăm hộ được hỗ trợ nhà ở, xây dựng hố xí hợp vệ sinh, dụng cụ chứa nước sạch…

“Qua đó, Đề án sinh kế có 80 xã, phường, thị trấn đã triển khai đến cơ sở, thực hiện tốt các nội dung, phương pháp và quy trình Đề án sinh kế đến được với người dân; còn lại có 49 xã thực hiện khá, 33 xã thực hiện trung bình và 01 xã thực hiện yếu (riêng Phường 2, thành phố Bến Tre không có hộ nghèo, hộ cận nghèo). Hoạt động nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp được quan tâm; sự phối hợp các ngành, đoàn thể có bước chuyển đổi nhất định, công tác theo dõi, quản lý, hỗ trợ hộ nghèo tham gia Đề án sinh kế từng bước đi vào cụ thể, cán bộ cơ sở một số nơi nắm chắc được hộ; có sự linh hoạt trong vận động lồng ghép nguồn lực để thực hiện công tác giảm nghèo. Một số hộ nghèo dần chuyển đổi nhận thức và vượt khó vươn lên trong phát triển sản xuất và tham gia lao động tại thị trường nước ngoài nhiều hơn”, ông Lập cho hay.

Năm 2018, phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo dưới 7%

Song song với việc giúp người nghèo phát huy nội lực, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước được xem như đòn bẩy để người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổng hợp các hoạt động do các cơ quan nhà nước, tổ chức vận dụng các chính sách, nguồn vận động nhằm hỗ trợ 19 xã điểm thực hiện Đề án sinh kế, cụ thể: Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh sẽ hỗ trợ trong công tác vận động xuất khẩu lao động, hỗ trợ nhà ở, học bổng; Hội Liên hiệp Phụ nữ giới thiệu việc làm, vốn vay phát triển sản xuất, kết nối - tìm đầu ra cho sản phẩm do phụ nữ làm ra; Hội Nông dân hỗ trợ phát triển sản xuất, tập huấn kỹ thuật.

Trong đó, đáng chú ý là hoạt động hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đơn vị này sẽ hỗ trợ lãi suất cho thành viên các tổ hợp tác, hợp tác xã, làng nghề, làng nghề truyền thống tại 19 xã điểm thực hiện Đề án sinh kế (định mức tiền vay hỗ trợ lãi suất tối đa 100 triệu đồng/hộ/năm; định mức hỗ trợ lãi suất là 100% thực tế cho vay của ngân hàng) và 24,7 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng. Dự án AMD cũng vào cuộc để xây dựng 27 mô hình phát triển sản xuất, công trình hạ tầng, tập huấn kỹ thuật và dạy nghề cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy xác định năm 2018 là năm “tăng tốc” thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh, Bến Tre phấn đấu đến cuối năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn dưới 7% (năm 2017, toàn tỉnh có 30.154 hộ nghèo, tỷ lệ 7,89%). 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo đăng ký tham gia Đề án sinh kế để được tư vấn, hướng dẫn, kết nối hỗ trợ phát triển sản xuất và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Đồng thời, có ít nhất 7,2 ngàn hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia Đề án sinh kế được thoát nghèo bền vững cuối năm 2018.

PHA LÊ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh