Kết nối cung cầu ngành Cơ khí và Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam
- Huyệt vị
- 17:15 - 17/06/2016
Công nghiệp hỗ trợ là ngành sản xuất công nghiệp mang tính nền tảng của ngành công nghiệp chính yếu và là xương sống của nền công nghiệp quốc gia. Công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, quyết định giá thành sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm cuối cùng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Xác định được vai trò quan trọng của việc phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong những năm gần đây, nhà nước đã ban hành hàng loạt văn bản nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ trong đó đáng chú ý là việc ban hành Nghị định số 111/NĐ – CP ngày 3/11/2015 của Chính phủ, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2016.
Công nghiệp hỗ trợ là ngành sản xuất công nghiệp mang tính nền tảng của ngành công nghiệp chính yếu (ảnh:internet)
Theo đó, tổ chức, cá nhân nghiên cứu và phát triển sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được tài trợ từ Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, hỗ trợ từ các Quỹ, nguồn kinh phí khác dành cho nghiên cứu, phát triển và đào tạo. Ví dụ như: đối với trường hợp tự đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ có kết quả ứng dụng mang lại hiệu quả cao; được nhà nước hỗ trợ tối đa đến 50% kinh phí đối với Dự án sản xuất thử nghiệm các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; Dự án xây dựng cơ sở nghiên cứu và phát triển sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được Nhà nước giao đất, cho thuê đất và được hưởng các ưu đãi sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; được xem xét hỗ trợ tối đa 50% kinh phí đầu tư trang thiết bị nghiên cứu từ Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ. Ngoài ra, tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển giao công nghệ sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được hưởng ưu đãi của pháp luật về chuyển giao công nghệ và các ưu đãi khác theo quy định hiện hành…
Toàn cảnh hội thảo
Tại Hội thảo, các đại biểu được nghe tham luận của Vụ Công nghiệp nặng về Chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam; Tham luận của Hội ô tô và thiết bị động lực TP Hồ Chí Minh về Phát triển công nghiệp hỗ trợ đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam; Tham luận của Trung tâm phát triển Công nghiệp Hỗ trợ TP Hồ Chí Minh về Chương trình kích cầu đầu tư lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ TP Hồ Chí Minh; Tham luận của Hội doanh nghiệp cơ khí điện TP Hồ Chí Minh về: Cơ khí Việt Nam tìm đường tham gia chuỗi cung ứng thiết bị hỗ trợ và đặc biệt là phần trình bày tham luận của lãnh đạo các Doanh nghiệp, đại diện cho hàng ngàn doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cơ khí và công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam với nhiều nội dung phong phú, hấp dẫn.
Trả lời các kiến nghị của các đại biểu tại Hội thảo, ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng cho biết, Bộ Công Thương cũng đã ban hành thông tư số 55/2015/TT-BCT ngày 30/5122015 quy định trình tự, thủ tục xác nhận ưu đãi và hậu kiểm ưu đãi với Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc danh mục sản phẩm công nghiệp ưu tiên phát triển. Theo đó, các đối tượng đủ tiêu chuẩn, tiêu chí ưu đãi sẽ được giải quyết các thủ tục nhanh gọn, kịp thời, đúng tinh thần chỉ đạo của Nhà nước, Chính phủ về đẩy mạnh ngành công nghiệp hỗ trợ...
Ông Hoài nhấn mạnh “Với vai trò quản lý Nhà nước về công nghiệp hỗ trợ, Bộ Công Thương sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp và đặc biệt là các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp để hoàn thiện chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ. Cũng mong muốn rằng sau buổi hội thảo ngày hôm nay, các doanh nghiệp sẽ hiểu rõ hơn các chính sách của Nhà nước về công nghiệp hỗ trợ và hoạch định kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp, các doanh nghiệp để được hưởng các chính sách ưu đãi, cần hướng dẫn hồ sơ thủ tục có thể liên lạc về Vụ Công nghiệp nặng – Bộ Công Thương để được hướng dẫn.”