THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 01:54

Ngành công nghiệp phụ trợ: Đỏ mắt tìm nhân lực chất lượng cao

“Hụt” nhiều hợp đồng do nhân lực kém

Theo ông Lê Lộc, Giám đốc điều hành Cty TNHH An Việt Long (chuyên sản xuất trong lĩnh vực máy bay điều khiển từ xa), mặc dù có lực lượng lao động dồi dào, nhưng chất lượng cao lại quá thiếu. Điều này dẫn đến Việt Nam bị “hụt” rất nhiều các hợp đồng sản xuất, cũng như những cơ hội đầu tư đến từ các doanh nghiệp lớn trên thế giới. “Hiệu quả trong sản xuất công nghiệp, đặc biệt những lĩnh vực đòi hỏi tính chính xác cao còn rất yếu so với các nước liền kề như Thái Lan, Trung Quốc... Cùng với đó là quan niệm về chất lượng, tính hiệu quả trong công việc của người lao động vẫn còn trì trệ, khó thay đổi, khiến cho từng doanh nghiệp đơn lẻ không thể đáp ứng yêu cầu chất lượng của nước ngoài và khó tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu”, ông Lê Lộc thẳng thắn cho biết như vậy. Nói đâu xa, ngay tại triển lãm quốc tế lần thứ 8 ngành chế tạo công nghiệp (Vietnam Manufacturing Expo 2016) với sự tham dự trình diễn công nghệ, máy móc công nghiệp phụ trợ của hơn 200 thương hiệu quốc tế, đến từ 20 quốc gia trên thế giới, các chuyên gia nước ngoài cũng đã thẳng thắn chia sẻ về chất lượng nguồn nhân lực ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam. Theo các chuyên gia nước ngoài, giải pháp trước mắt để các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể bắt kịp xu thế hội nhập là phải có sự hợp tác, để xây dựng các nhóm doanh nghiệp này có nguồn nhân lực mạnh hơn, đáp ứng yêu cầu chất lượng, giao hàng một cách tốt nhất. “Khả năng để người lao động Việt Nam thao tác trên từng máy móc là rất tốt. Nhưng để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh, cần rất nhiều công đoạn và trải qua nhiều máy móc, thiết bị khác nhau. Với nhiều công đoạn như thế, làm sao có thể duy trì tính chính xác, hiệu quả tuyệt đối ở mỗi công đoạn, thì lao động Việt Nam chưa làm được điều đó. Phối kết hợp các công đoạn, tay nghề chưa cao, chưa đồng đều. Đây chính là vấn đề tồn tại trong quá trình sản xuất tại Việt Nam”, ông Kazutoyo Sasaki, Giám đốc Cty TNHH Sayen Việt Nam bày tỏ.

Nhân lực chất lượng cao làm việc trong ngành công nghiệp phụ trợ.

Không chỉ ảnh hưởng bởi chất lượng lao động, ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam còn phải đối mặt với các nguyên nhân khách quan khác. Theo các chuyên gia, đó là do Việt Nam có độ mở nền kinh tế ngày càng cao, công nghiệp chế biến chế tạo nước ta chủ yếu là gia công, phụ thuộc nhiều vào thị trường thế giới. Trong khi thời gian qua kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn, nhu cầu tiêu thụ hàng hoá giảm khiến lượng đơn hàng giảm sút đã gây ảnh hưởng tới công nghiệp chế biến chế tạo trong nước (chủ yếu là đối với sản phẩm dệt may, da giày, đồ điện tử...) Cùng với đó, chất lượng nhân lực ngành công nghiệp phụ trợ lại không bằng với các quốc gia bên cạnh, do đó việc để “lỡ” nhiều hợp đồng là điều khó tránh khỏi.

Tuyển dụng nhân lực chất lượng cao rất khó khăn

Ở góc độ chuyển dịch lao động, theo bà Nguyễn Thị Xuân Mai, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động, (Tổng cục Thống kê) xu hướng chuyển dịch lao động từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp tuy không quá nhanh song đã tiếp diễn liên tục trong chuỗi thời gian dài. Năm 2010, tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp, thuỷ sản là 62,2%, và đến hết quý I/2016 thì chỉ còn 42,3% lao động làm việc trong khu vực này. Sự dịch chuyển cơ cấu lao động từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ cho thấy chính sách công nghiệp hoá dường như đang đi đúng hướng.

Tuy nhiên các chuyên gia cũng trăn trở, liệu dịch chuyển này có thực sự bền vững không khi sản xuất nông nghiệp đang giảm mạnh chưa từng có, còn công nghiệp cũng tăng trưởng không đạt như kỳ vọng? Biểu hiện cho thấy lao động dường như chưa thực sự chảy vào các ngành công nghiệp và dịch vụ, mà vẫn “chôn chân” ở khu vực nông thôn. Điều này phản ánh thực tế, khu vực công nghiệp được mong chờ sẽ là địa chỉ tiếp nhận lao động, cũng không đạt được tăng trưởng khả quan. (Cụ thể, theo số liệu Cục Thống kê, hết quý I/2016, tăng trưởng chung của cả ngành công nghiệp chỉ tăng 6,2%, thua xa mức tăng 9,27% của cùng kỳ năm 2015).

Cùng với đó, khi nền công nghiệp trong nước đang phụ thuộc ngày càng lớn vào thị trường thế giới do mở cửa rộng hơn theo các cam kết hội nhập, thì sự tăng trưởng của ngành công nghiệp là một đòi hỏi cấp bách. Và để đáp ứng cho sự tăng trưởng của ngành này, chất lượng lao động cần phải được nâng lên để thu hút được hợp đồng sản xuất cũng như các nhà đầu tư. “Thế nhưng, việc tuyển dụng nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam rất khó khăn, cản trở nhiều đến việc họ lựa chọn Việt Nam làm nơi lắp ráp. Thiết bị, máy móc có hiện đại đến mấy, nhưng nếu thiếu đi thao tác, thiếu thông tin kỹ thuật từ người lao động thì sẽ là sự lãng phí rất lớn. Nhiều doanh nghiệp đối tác Việt Nam khi nhận việc nhưng lại không thể hoàn thành đúng như hạn định và điều này luôn “làm khó” cho các doanh nghiệp nước ngoài”, ông Lê Lộc nhấn mạnh.

Do đó, theo ông Kazutoyo Sasaki: “Việt Nam muốn phát triển và đạt hiệu quả cao, trước tiên cần có được nguồn nhân lực chất lượng, tính chuyên nghiệp và chính xác cao. Có như vậy mới tạo được uy tín với các đối tác nước ngoài, cũng như tối ưu hóa cơ hội mở rộng thị trường nhờ cải thiện năng suất lao động”.

NGUYỄN THANH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh