Kết nối cung cầu miền Trung- Tây Nguyên: Nhiều thỏa thuận được ký kết
- Huyệt vị
- 05:31 - 12/10/2016
Hội nghị được tổ trên quy mô lớn, với các hoạt động đồng hành trong khuôn khổ triển khai Chương trình nhận diện hàng Việt Nam thường niên trên quy mô toàn quốc với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” năm 2016 (Chương trình nhận diện hàng Việt Nam năm 2016) thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 -2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 634/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2014.
Hội nghị nhằm kết nối, liên kết các vùng miền một cách bền vững; trao đổi, hợp tác cung ứng, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ giữa các doanh nghiệp tại TP. Đà Nẵng với doanh nghiệp của các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và một số tỉnh, thành phố khác trên cả nước; qua đó tạo điều kiện, khuyến khích người tiêu dùng nhận biết và ưu tiên sử dụng hàng hóa, dịch vụ Việt Nam chất lượng..
Tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, Hội nghị cùng chuỗi các sự kiện đồng hành sẽ mang lại nhiều kết quả tích cực, tạo điều kiện thuận lợi để giao lưu, kết nối, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng mô hình, tôn vinh các doanh nghiệp, doanh nhân tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm tiềm năng, có thành tựu trong hoạt động đổi mới công nghệ và thiết bị, quản lý chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, thân thiện môi trường, phát triển sản phẩm mới, phát triển thị trường trong nước và hội nhập; góp phần bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Với mục tiêu hoạt động kết nối cung cầu cần phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn và đem lại lợi ích thiết thực cho các doanh nghiệp, Hội nghị đã thực hiện tổng hợp thông tin khảo sát về năng lực sản xuất, cung ứng dịch vụ và nhu cầu kết nối của hơn 430 doanh nghiệp từ 30 tỉnh, thành phố trên cả nước, qua đó giới thiệu tiềm năng thế mạnh, nhu cầu kết nối, hợp tác cung ứng sản phẩm, trao đổi kinh nghiệm của doanh nghiệp TP.Đà Nẵng, của các địa phương thuộc khu vực miền Trung - Tây Nguyên và các tỉnh, thành phố khác trên cả nước.
Bà Nguyễn Thị Thúy Mai, Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng cho biết, liên kết hợp tác mới chỉ dừng lại chủ yếu ở doanh nghiệp sản xuất với doanh nghiệp thương mại. Số lượng kết nối giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp sản xuất để mua nguyên liệu đầu vào, bán thành phẩm đầu ra còn ít.
Nhiều sản phẩm có thế mạnh và tiềm năng của các địa phương do doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, hộ gia đình sản xuất thủ công, chưa đảm bảo tiêu chí, quy chuẩn mẫu mã, bao bì sản phẩm và chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm… để đáp ứng yêu cầu, điều kiện cung ứng vào các hệ thống phân phối hiện đại. Bên cạnh đó, mặc dù đang được quan tâm đầu tư phát triển song hệ thống hạ tầng của khu vực miền Trung – Tây Nguyên như đường giao thông, cảng biển, sân bay… vẫn còn đang quy mô nhỏ, sự kết nối hạ tầng giữa các tỉnh, thành còn yếu, đã tạo trở ngại lớn trong việc hợp tác phát triển và thu hút đầu tư, đặc biệt là trong việc khai thác hạ tầng thương mại và các dịch vụ, logistic…