THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:30

Người dân vẫn thiếu lòng tin với thực phẩm sạch

 

Tạo niềm tin cho thực phẩm an toàn

Ông Nguyễn Hữu Đạo, Giám đốc công ty CP Nông phẩm Công nghệ cao An Việt cho rằng: kinh tế ngày càng phát triển, nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng ngày càng tăng lên. Nếu như trước đây vì thiếu ăn nên người dân nghĩ đến làm thế nào để nâng cao năng suất nông sản để đủ ăn. Khi ăn uống đã đủ no thì nghĩ đến ăn sao cho ngon và đến nay thì yêu cầu ăn như thế nào cho sạch và an toàn. Bởi bây giờ “không ai chết đói mà chết vì ngộ độc” và nhà nhà bắt đầu quan tâm đến thực phẩm sạch.

Cần tạo niềm tin cho người tiều dùng về thực phẩm sạch.

 

Ông Đạo nêu lên một thực tế, người tiêu dùng tìm mua thực phẩm sạch nhưng vẫn không yên tâm. Trong khi sản phẩm rau “5 không” của An Việt (không sử dụng giống biến đổi gene; không sử dụng phân đạm và phân hóa học; không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học...) đang gặp khó khăn trong tiêu thụ. Hiện nay, Công ty đã ký kết hợp đồng phân phối rau “5 không” cho hệ thống siêu thị Hapro, Fivimart, Co.opmart... nhưng số lượng tiêu thụ còn khiêm tốn. Bởi thực tế đã xảy ra các điểm bán thực phẩm an toàn nhưng không an toàn nên người tiêu dùng không tin tưởng.

Theo ông Nguyễn Hữu Đạo: “Muốn chống lại được thực phẩm bẩn phải có chung tay góp sức của doanh nghiệp, nhà nước, các nhà khoa học, đặc biệt là phải có vai trò của người tiêu dùng vì liên quan đến quyền lợi của họ. Doanh nghiệp phải kéo người tiêu dùng cùng giám sát chất lượng còn Nhà nước có cơ chế quản lý để mớ rau, con cá đưa lên quầy kệ bán không phải mất lòng tin như bây giờ. Hơn nữa phải thay đổi tư duy rằng doanh nghiệp lớn vào thay thế luôn việc sản xuất của nông dân, chỉ thuê nông dân thì sẽ khó thực hiện được. Tôi cũng đã phải trả giá cho việc này”.

Ông Hoàng Mạnh Hiểu, Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch cũng cho rằng, nền sản xuất hiện vẫn quá nhỏ lẻ. Trung bình chỉ 0,5ha/hộ gia đình và chưa có sự liên kết với nhau nên khó khăn trong việc áp dụng công nghệ. Doanh nghiệp lại ngại đầu tư. Ông Hiểu đưa ra ví dụ: “Mặc dù chi phí bỏ ra khoảng 100- 200 đồng/kg rau để cải thiện sự an toàn, kéo dài tuổi thọ, nâng cao chất lượng rau nhưng doanh nghiệp cũng đặt câu hỏi lớn. Khi đi vào thực tế, doanh nghiệp cắt bỏ những chi phí đó để tối ưu hóa lợi nhuận. Đầu tư không đồng bộ nên thiếu chuỗi thực phẩm an toàn. Đối với nông dân, dù đã được tập huấn nhiều lớp sản xuất an toàn nhưng vẫn sản xuất tùy tiện, thiếu sự tuân thủ. Người sản xuất thiếu trách nhiệm với sản phẩm. Ông đã từng chứng kiến người dân rửa cam với nước xà phòng để quả trông bóng đẹp hơn”.

 

Cần sự phối hợp nhiều bên

Ông Florian Beranek – Chuyên gia cao cấp về trách nhiệm xã hội của Unido chia sẻ, hiện thông tin về thực phẩm không an toàn tràn ngập khắp nơi. Các hoá chất không được phép sử dụng trong chăn nuôi, bảo quản, chế biến thực phẩm như: formol, hàn the, màu công nghiệp, … lại được dùng để bảo quản thực phẩm. Dư lượng thuốc trừ sâu, diệt nấm, kim loại nặng trên rau quả vượt quá mức cho phép…. Vì sao nhu cầu cơ bản như có đồ ăn sạch và an toàn lại trở nên khó đáp ứng đến như vậy?

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, sức tiêu thụ thực phẩm của nước ta tăng trưởng bình quân 5,1%/năm, đạt khoảng 29,5 tỷ USD; năm 2016 dự kiến khoảng 5,8 triệu đồng/người. Nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người tiêu dùng rất cao. Tuy nhiên, sự liên kết giữa các nhà sản xuất, chế biến, nhà phân phối, bán lẻ hàng hóa còn lỏng lẻo. Công nghệ nuôi trồng, thu hoạch, chế biến nông sản, thực phẩm chưa bảo đảm, một số người dân vẫn sử dụng chất cấm, kháng sinh vượt ngưỡng cho phép. Những điều này càng gây mất lòng tin cho người tiêu dùng.

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, để giải quyết được vấn đề này, cần có chung tay của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp phân phối – bán lẻ, người tiêu dùng, nhà sản xuất và các cơ quan truyền thông. Cụ thể, với Nhà nước cần khắc phục việc pháp luật và thực tiễn quản lý vẫn còn chồng chéo, lãng phí nguồn lực và kém hiệu quả; xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm… Với doanh nghiệp phân phối – bán lẻ cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong kinh doanh bán lẻ: Từ kho hàng, nhà máy, đồng ruộng của nhà sản xuất – cung ứng đến quầy, kệ … bán lẻ trực tiếp đến tay người tiêu dùng. Và cần có sự kết nối với nhà sản xuất – cung ứng để đảm bảo an toàn thực phẩm… Nhà sản xuất cần tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất và lưu hành sản phẩm đúng theo tiêu chuẩn chất lượng đã công bố hoặc đã được chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy. Không sử dụng hoá chất phụ gia ngoài danh sách cho phép, nguyên liệu, hoá chất phụ gia không có nguồn gốc rõ ràng; tuân thủ hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến trong sản xuất…

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh