THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 01:24

Việt Nam thúc đẩy hợp tác với Israel về đào tạo nguồn nhân lực

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Israel được tổ chức ngày 21/3 tại Hà Nội. Diễn đàn có sự tham dự của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc và hàng trăm doanh nghiệp Việt Nam và Israel.

 

Tổng thống Israel Reuven Ruvi Rivlin phát biểu tại Diễn đàn

 

Ông Reuven R.Rivlin, Tổng thống Israel chia sẻ trong bài phát biểu của mình niềm hãnh diện và vinh dự khi được biết nhiều về đất nước và con người Việt Nam. Càng tìm hiểu nhiều về Việt Nam, Tổng thống càng nhận thấy người Việt Nam và Israel có nhiều nét tương đồng. 

Ông ví von, ngay ngoài cửa sổ nhà ông là một cây thông Jerusalem. Jerusalem vô cùng lạnh lẽo vào mùa đông và trong những đêm mưa gió bão bùng. Băn khoăn tự hỏi rằng liệu cây thông đó có thể tồn tại được qua đêm bão, hay sáng dậy cây đã đổ cành và đã gẫy. "Nhưng ơn Chúa, cây thông đó vẫn sống qua mỗi đêm giông gió, đã trở thành biểu tượng của sự bền bỉ, dẻo dai", Tổng thống Reuven R.Rivlin nói.

Tổng thống cũng nhớ tới Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhắc nhở người Việt Nam nên ghi nhớ một điều rằng chính bão tố là cơ hội để cây tùng, cây bách vững chãi hơn. “Đối với tôi - người sinh ra và lớn lên ở vùng đất có cả cây tùng, cây bách - thì Hồ Chí Minh nói vậy cũng đúng với Israel”, Tổng thống Reuven R.Rivlin nói.

Chia sẻ tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, Israel có nhiều điều để Việt Nam học hỏi, đặc biệt là cách người Israel khởi nghiệp và cách họ sử dụng tài nguyên cũng như cách họ đoàn kết vượt qua khó khăn. 

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam luôn rộng mở chào đón các doanh nghiệp Israel và hai phía còn rất nhiều tiềm năng có thể chung tay khai thác. Đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam, Israel có cơ hội tiếp cận với thị trường hơn 90 triệu dân, và thị trường ASEAN rộng lớn cũng như hàng chục quốc gia khác mà Việt Nam đã cũng như sẽ có hiệp định thương mại tự do song phương.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam mong muốn thúc đẩy hợp tác với Israel trong các lĩnh vực như nông nghiệp, công nghệ cao, công nghệ quốc phòng, đào tạo nguồn nhân lực và chia sẻ kinh nghiệm về khởi nghiệp, bởi Israel có danh tiếng của một quốc gia khởi nghiệp. 

Chính phủ Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Israel vào tìm kiếm kinh doanh, hợp tác đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, nông nghiệp, thương mại và đầu tư...

Chiều cùng ngày, hội thảo “Israel - nguồn công nghệ cho phát triển nông nghiệp Việt Nam" cũng đã diễn ra. Tại hội thảo phía Israel cho biết, lao động trong nông nghiệp Israel chỉ chiếm 3,7% tổng lực lượng lao động nhưng quốc gia này tự sản xuất được 95% nhu cầu thực phẩm. Israel cũng là một trong những quốc gia xuất khẩu lớn của thế giới về nông sản và đứng hàng đầu về công nghệ trong nông nghiệp.

Do đó, Israel mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam trong việc chuyển giao công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực nông nghiệp. 

Israel là một quốc gia tại Trung Đông có diện tích tương đối nhỏ (khoảng 22.000 km2), nhưng ngành nông nghiệp Israel phát triển ở trình độ cao. Israel co điều kiện địa lý không thích hợp cho nông nghiệp, với hơn một nửa diện tích đất là sa mạc, điều kiện khí hậu khắc nghiệt và thiếu nước hoàn toàn.

Tuy nhiên, Israel là một trong những quốc gia xuất khẩu lớn của thế giới về nông sản và đứng hàng đầu về công nghệ trong nông nghiệp. Lao động trong nông nghiệp Israel chỉ chiếm 3,7% tổng lực lượng lao động trong nước, nhưng Israel tự sản xuất được 95% nhu cầu thực phẩm, phần còn lại được bổ sung từ việc nhập khẩu ngũ cốc, các loại hạt lấy dầu, thịt, cà phê, ca cao, đường.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Quốc Doanh, nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức như quy mô hộ nhỏ lẻ, biến đổi khí hậu nhanh và mạnh, hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt ở các tỉnh miền Trung… Ngoài ra, hội nhập sâu sẽ dẫn tới cạnh tranh xuất khẩu nông sản diễn ra gay gắt hơn.

Đứng trước những thách thức này, Bộ NN&PTNT đang triển khai tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong đó, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp là hướng đi tất yếu. 

“Do đó, việc học hỏi kinh nghiệm và ứng dụng công nghệ cao của Israel sẽ giúp tăng hiệu quả và tạo ra sức bật cho nông nghiệp Việt Nam”, ông Doanh nói.

Việt Nam và Israel đã ký Hiệp định hợp tác nông nghiệp vào năm 1997. Israel đã hỗ trợ Việt Nam triển khai nhiều dự án, chuyển giao công nghệ trong chăn nuôi, trồng trọt, tưới tiêu… Từ năm 2008 tới nay, Israel còn tiếp nhận hàng ngàn tu nghiệp sinh của Việt Nam.

Trong khuôn khổ hội thảo, nhiều doanh nghiệp Việt Nam và Israel đã có những cuộc gặp riêng để giới thiệu công nghệ, sản phẩm tiên tiến của Israel, đồng thời tìm kiếm các cơ hội hợp tác trong tương lai.

Nguyễn Thanh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh