CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:49

Đền Bà Triệu đón Bằng di tích Quốc gia đặc biệt

 

Đến dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương, các tổ chức quốc tế và đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh tham dự. Đây là khu di tích thứ 2 ở Thanh Hóa xếp hạng Quốc gia đặc biệt sau Khu di tích Lam Kinh.

 Bà Triệu hay những cái tên Triệu Ẩu, Triệu Trinh Nương, Triệu Thị Trinh và cuộc khởi nghĩa của Bà (năm 248) đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam, in đậm trong tâm tư, tình cảm mỗi người dân Việt Nam như một huyền thoại. Bà Triệu sinh ngày 2 tháng 10 năm Bính Ngọ, tại vùng đất Quan Yên (nay thuộc xã Định Tiến, huyện Yên Định), lúc còn nhỏ được nuôi dậy tinh thần yêu nước, binh thư, võ nghệ, lớn lên, Bà trở thành một người phụ nữ can đảm, mưu trí, có sức khỏe hơn người.

Phó thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao Bằng công nhận 

di tích quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu cho tỉnh Thanh Hóa

Thời kỳ đó, nhân dân xứ Giao Châu chịu sự bóc lột hà khắc, đàn áp dã man của giặc Đông Ngô, nhân dân ta phải sống cảnh lầm than, khổ cực, sục sôi ý chí nổi dậy chống lại sự thống trị tàn bạo của chính quyền phong kiến phương Bắc. Bà Triệu cùng anh trai là Triệu Quốc Đạt đã giương cao ngọn cờ tụ nghĩa, kêu gọi hào kiệt bốn phương, nhân dân khắp nơi đứng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm. Nữ anh hùng Triệu Thị Trinh với khí phách mãnh liệt “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá Kình ở biển Đông, đánh đuổi giặc Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tỳ thiếp cho người ta”.

Hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của hai anh em Bà Triệu, nhân dân khắp nơi nhiệt tình ủng hộ, tạo thành sức mạnh, khí thế sôi sục đánh đuổi giặc Ngô. Sau khi anh trai mất, Bà Triệu đã cùng nghĩa quân từ quê nhà Quan Yên vượt sông Chu sang núi Nưa (thuộc huyện Triệu Sơn) luyện quân, tập trận và sau đó tiến xuống Bồ Điền (nay là xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc) cùng với nhân dân địa phương xây dựng căn cứ lâu dài cho công cuộc kháng chiến.

Các đại biểu dâng hương  tưởng nhớ công ơn Bà Triệu

Từ căn cứ Bồ Điền, nghĩa quân đã tiến đánh các thành ấp của giặc Ngô khiến cho bọn quan quân địch Từ Thái thú đến Huyện lệnh, kẻ bị giết, kẻ phải tháo chạy trong cơn hoảng loạn. Từ Cửu Chân, cuộc khởi nghĩa đã gây tiếng vang mạnh mẽ khiến cho “toàn thể Giao Châu chấn động” và nhanh chóng lan ra tận Giao Chỉ (thuộc khu vực Bắc Bộ) và vào tận Cửu Đức, Nhật Nam (nay là các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình). Mỗi lần gặp Bà Triệu, kẻ thù phải gọi Bà là “Lệ Hải Bà Vương” (tức Vua Bà ở vùng biển Mỹ Lệ).

Hoảng sợ trước thanh thế và sức mạnh của khởi nghĩa Bà Triệu, nhà Ngô đã phái Lục Dận, một tên tướng khét tiếng tàn ác cùng 8 ngàn quân với nhiều chiến thuyền hùng hổ kéo sang đàn áp, hòng đè bẹp cuộc khởi nghĩa. Bà Triệu và nghĩa quân đã giao tranh với địch bằng tinh thần quả cảm, bất khuất, ý chí và nghị lực phi thường. Song, do tương quan lực lượng quá chênh lệch cùng với sự tàn bạo và thủ đoạn thâm độc của kẻ thù, nghĩa quân của Bà Triệu gặp phải muôn vàn khó khăn, trong một trận giao tranh ác liệt vào ngày 22 tháng 2 năm Mậu Thìn 248, Bà Triệu đã anh dũng hy sinh trong sự tiếc thương và kính phục của nhân dân.

Một trong số những tiết mục văn nghệ dặc sắc ca ngợi công ơn Bà Triệu

Với tấm lòng thành kính, khâm phục dành cho người phụ nữ có tài trí, võ nghệ hơn người, có ý chí quật cường, dám vượt lên quan niệm của xã hội lúc bấy giờ để xả thân vì nền độc lập, tự do của dân tộc, nên ngay từ khi lập nước Vạn Xuân, nhà Vua Lý Bôn đã phong thần cho Bà, cho xây dựng lăng mộ và lập đền thờ Bà tại làng Phú Điền, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc. Nhân dân nhiều địa phương trong tỉnh cũng đã lập đền thờ Bà và các Tướng lĩnh trong nghĩa quân của Bà để tỏ lòng tôn kính, khắc ghi công ơn.

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trồng cây lưu niệm tại khu di tích lịch sử đền Bà Triệu

Ngày nay, Khu di tích Bà Triệu thuộc địa phận xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa nằm cách thành phố Thanh Hóa 17km về phía Bắc, cách thủ đô Hà Nội hơn 150km về phía Nam. Đây là một trong những công trình văn hóa, lịch sử lớn và lâu đời ở Thanh Hóa. Tọa lạc trên diện tích hơn 4ha, có phong cách kiến trúc đền thờ truyền thống của người Việt và nghi lễ bài trí gắn liền với tâm thức cổ truyền: Hậu Điện thờ vua Bà, Trung Điện thờ Triệu Quốc Đạt và các tướng quân họ Lý, Tiền Điện thờ Thánh Tổ và Bách gia trăm họ. Cùng với đền thờ Bà Triệu ở núi Gai, khu di tích này còn có Lăng mộ Bà trên núi Tùng, mộ các tướng quân họ Lý, Miếu Bàn thờ, đình Phú Điền và Nghè Đệ tứ. Giá trị kiến trúc nghệ thuật của khu di tích Bà Triệu là những công trình kiến trúc mang tính tâm linh được trùng tu, tôn tạo qua nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau. Có di tích được bảo tồn khá nguyên vẹn tính nguyên gốc.   

Lăng tháp (được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia ngày 29/4/1979) và đình làng Phú Điền được công nhận Di tích cấp quốc gia ngày 13/2/1996,  là công trình được xây dựng trên đỉnh núi Tùng, đây là nơi nữ anh hùng Triệu Thị Trinh - người con gái trinh trắng, hiến trọn tuổi thanh xuân cho đất nước, bà đã ngã xuống mảnh đất thiêng này khi chiến đấu với quân giặc xâm lược. Dù chưa một ngày được làm vua, nhưng trong lòng người dân luôn tôn sùng Triệu Thị Trinh là “Vua Bà” của nhân dân. Đền thờ Nữ Anh hùng nằm đối diện với khu Lăng tháp phía bên kia quốc lộ 1A về hướng Đông Bắc, dưới chân núi Gai thuộc dãy núi Bần. Đây là ngôi đền được xây dựng theo kiến trúc truyền thống vùng đồng bằng Bắc Trung Bộ. Khu đền có nơi có kiến trúc độc đáo với cổng ngoại, cổng nội, hồ nước, bình phong, tả hữu mạc, tiền đường, trung đường và hậu cung (nơi thờ Bà Triệu). Đình làng Phú Điền thuộc làng Phú Điền, xã Triệu Lộc cũng nằm trong khu di tích Bà Triệu. Đây là ngôi đình cổ được dân làng Phú Điền xây dựng để thờ Thành Hoàng làng. Điều đặc biệt, Thành Hoàng làng của làng cũng chính là nữ anh hùng Triệu Thị Trinh. Ngôi đình vẫn giữ nguyên vẻ đẹp cổ kính của làng quê Bắc bộ xưa, có cây đa, giếng nước, sân đình.

Lễ hội đền Bà Triệu thu hút đông đảo nhân dân trong vùng và du khách thập phương tham dự

Khu di tích Bà Triệu không chỉ là nơi chứng tích lịch sử, văn hóa mà còn là nơi lưu giữ nhiều hiện vật quý hiếm, một kho tàng các sự tích huyền thoại, ca dao, tục ngữ của đất nước ta trải dài hàng trăm năm nay. Theo đó, tại khu di tích Bà Triệu hiện vẫn còn nhiều cổ vật được gìn giữ nguyên bản như: 10 cuốn thần phả viết bằng chữ Hán; 65 đạo sắc phong qua các triều đại phong kiến Việt Nam; quạt ngà; lược đồi mồi; trâm ngà; long cung sơn son thếp vàng; tượng Bà Triệu bằng đồng… Từ những chứng tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật độc đáo trên của khu di tích Bà Triệu, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt cho khu di tích Bà Triệu. Đây là khu di tích thứ 2 tại Thanh Hóa được xếp hạng đặc biệt sau khu di tích Lam Kinh.

Tại buổi Lễ, thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hoá, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Nguyễn Đình Xứng tỏ lòng tri ân với Nữ anh hùng Triệu Trinh Nương: “ Đây là sự kiện văn hóa có ý nghĩa to lớn, là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa, đồng thời là mốc son quan trọng, di sản văn hóa vô giá mãi mãi trường tồn với lịch sử hàng ngàn năm văn hiến, với non sông gấm vóc Việt Nam, là sự khẳng định của Đảng, Nhà nước, là lòng tri ân của hậu thế đối với công lao to lớn, lòng biết ơn vô hạn đối với Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh và các bậc tiền nhân, các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh để Tổ quốc Việt Nam tươi đẹp và cuộc sống hạnh phúc hôm nay”.

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao Bằng di tích quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu cho tỉnh Thanh Hóa. Phát biểu tại Lễ đón nhận Bằng di tích Quốc gia này, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Khánh Hải nhấn mạnh đến những giá trị đặc biệt của Thanh Hoá, một mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, sinh ra rất nhiều vị anh hùng lỗi lạc. Nối tiếp truyền thống của các anh hùng qua các thời kỳ lịch sử, đặc biệt khu di tích đền Bà Triệu có giá trị văn hoá lâu đời, các thế hệ cần tiếp tục tri ân, bảo tồn các di tích có liên quan đến bà Triệu, từ Núi Nưa cho đến đền thờ bà. Gìn giữ và phát huy những giá trị văn hoá lịch sử trường tồn mãi cùng dân tộc”.

 Lễ hội đền Bà Triệu kéo dài từ 7-9/4, và từ đây Khu Di tích Bà Triệu sẽ trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh Thanh Hóa, góp phần giới thiệu hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, hình ảnh người anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh và sự thân thiện, mến khách của người dân Xứ Thanh với bạn bè, du khách trong nước và quốc tế.

Thu Hương - Anh Tuấn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
4 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh