THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 06:50

Huyện Thanh Bình (Đồng Tháp): Ớt chỉ thiên là cây xóa nghèo

 

Được biết, với diện tích đất trồng màu mỡ của 5 xã cù lao, hàng năm huyện Thanh Bình có diện tích trồng màu và cây công nghiệp ngắn ngày đạt từ 4.000 – 5.000 ha, trong đó riêng diện tích trồng ớt chỉ thiên hàng năm khoảng 2.000 ha, sản lượng đạt từ 40.000 – 50.000 tấn, được coi là “vựa ớt lớn nhất miền Tây”.

Trong đó đáng kể nhất là cây ớt chỉ thiên lai F1 Capri 45 giống nhập khẩu từ Thái Lan, do Cty TNHH Lân Khải Minh cung cấp, với diện tích tăng lên từ 800 ha – 1.500 ha.

Những năm qua,  một số diện tích đất gò cao hoặc có bờ bao, người dân còn tận dụng trồng vụ ớt nghịch mùa với diện tích khoảng hàng trăm ha, tập trung ở các xã Tân Huề, Tân Hòa, Tân Long, Tân Qưới.

Ông Nguyễn Ngọc Tân - một trong những nông dân trồng ớt hiệu quả ở ấp Tân Thuận A, xã Tân Phú cho biết, đây là loại ớt có nhiều ưu điểm là cây sinh trưởng mạnh, phân nhánh tốt, đồng loạt, ít bị bệnh thán thư, trái vỏ dày, để được lâu, độ cay cao nên rất được ưa chuộng trên thị trường nội địa và xuất khẩu sang Campuchia, Hàn Quốc,Trung Quốc, cho lợi nhuận cao.

 

Trồng ớt chỉ thiên giống lai F1 Capri 45 là một trong những mô hình đem lại lợi nhuận cao, nhanh chóng xóa nghèo ở địa phương

 

Theo ông Tân và một số nông dân chuyên canh cây ớt ở Thanh Bình, trung bình một công đất (1.000 m2) trồng được khoảng 5.000 cây ớt, đạt năng suất từ 2,5 -3 tấn/công.

Hiện nay với giá bán ớt tươi tại ruộng từ 15.000 đ/kg – 18.000đ/kg; giá ớt khô từ 55.000 đồng/ kg – 60.000 đồng/ kg sau khi trừ mọi chi phí, người trồng có lãi khoảng từ 22 triệu đồng – 25 triệu đồng/công. Như vậy, với giá ổn định như hiện nay, tính ra lợi nhuận cao hơn trồng lúa từ 2 – 3 lần, những vụ có giá cao hơn, có thể lãi gấp 5 – 6 lần.

Nhờ đó mà những năm qua, nhiều nông dân trồng ớt ở Thanh Bình không chỉ thoát nghèo mà còn có của để dành, mở rộng quy mô sản xuất vươn lên làm giàu từ cây ớt.

Một thương lái chuyên thu mua ớt cho biết, hiện nay nhiều chủ vựa đã đặt cơ sở ở các địa phương để thu mua với số lượng lớn, rồi vận chuyển về thành phố HCM để sơ chế và xuất khẩu. Những năm qua, nhiều cơ sở đã ký kết hợp đồng bao tiêu lâu dài với nông dân bằng hình thức thu mua với giá thị trường ổn định, hoặc đầu tư một phần cây giống và chi phí khác, tạo điều kiện cho nông dân yên tâm phát triển diện tích trồng ớt ở địa phương .

Để đảm bảo chất lượng sản phẩm ớt và nhằm quảng bá hàng nông sản đặc thù của huyện trên thị trường nội địa và xuất khẩu, các ngành chức năng đã tiến hành xây dựng nhãn hiệu “ớt Thanh Bình”.  

Sau nhiều giai đoạn phân tích, kiểm tra, đánh giá các chỉ tiêu hóa, lý, đến nay sản phẩm ớt Thanh Bình đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “ớt Thanh Bình”.  Đây thực sự là một tín hiệu vui cho người nông dân trồng ớt  ở Thanh Bình.  

                                   

LƯƠNG ĐỊNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh