THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:40

Huyện Châu Thành (Đồng Tháp): Trồng cây ăn trái theo chuẩn GAP lợi nhuận cao

 

Là vùng đất hội tụ hàng trăm loại cây ăn trái có tiếng như: Chôm chôm, sầu riêng, vú sữa, mít, sapôchê (hồng xiêm), măng cụt và đặc biệt là nhãn, huyện Châu Thành đang nhân rộng mô hình làm vườn theo quy trình GAP hiệu quả.

Với những loại cây ăn trái đặc sản có giá trị kinh tế cao như đã kể trên, các hội viên Hội làm vườn (HLV) của huyện có nhiều cơ hội thuận lợi để khai thác tiềm năng phát triển kin tế vườn.

Chính vì thế, hiện có rất nhiều hội viên HLV không chỉ thoát nghèo mà đã trở thành triệu phú từ cây ăn trái theo quy trình GAP.

Tất cả các hội viên HLV đều năng động cập nhật và ứng dụng khoa học kỹ thuật và xây dựng những vườn cây ăn trái theo tiêu chuẩn GAP, phát triển kinh tế trang trại theo hướng sản xuất hàng hóa.

Những năm gần đây nhiều nhà vườn đã trồng loại sầu riêng hạt lép và cho ra trái nghịch vụ, đem lại lợi nhuận cao hơn so với chính vụ, với lợi nhuận đạt khoảng từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ ha.

Theo kinh nghiệm của một số nhà vườn, sau 4 năm trồng sầu riêng giống hạt lép cho lứa trái đầu tiên, với năng suất đạt từ 1,5 đến 2 tấn/ công (1000 mét vuông).

Sầu riêng là loại cây ăn trái lâu năm, nên những năm tiếp theo khi được chăm sóc đúng kỹ thuật cho cây phát triển tốt, nhiều nhánh và rộng tán, sẽ cho năng suất cao hơn.

Theo lãnh đạo huyện Châu Thành, hiện ngành nông nghiệp huyện đã và đang quy hoạch vùng sản xuất đối với cây sầu riêng giống hạt lép, đồng thời tiến hành chuyển giao, hướng dẫn nông dân tiếp cận với những kỹ thuật mới theo hướng an toàn và tiêu chuẩn GAP.   

Để tạo điều kiện và góp phần bảo vệ quyền lợi cho các nhà vườn, huyện đang khuyến khích các hộ nông dân liên kết sản xuất trong mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp.

 

Nhờ trồng cây sầu riêng hạt lép cho ra trái nghịch vụ lợi nhuận cao mà nhiều nhà vườn thu về lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/ ha/ năm

Tiếp tục khai thác tiềm năng từ cây nhãn, huyện đã cùng với các hợp tác xã đẩy mạnh khâu tìm đầu ra cho sản phẩm, vốn là loại đặc sản của địa phương này.

Nhờ đó, từ 2015 đến nay, đã có hàng chục thành viên hợp tác xã, với gần 30 ha cây nhãn được cấp mã code có đủ điều kiện để xuất khẩu nhãn sang thị trường Mỹ (thông qua Công ty xuất nhập khẩu Nhiệt Đới) và các nước châu Á.

Có thể nói, với định hướng trồng cây ăn trái theo chuẩn GAP đang được nhân rộng ở huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp trong những năm qua đã thực sự mở ra môt cơ hội mới cho người làm vườn.

Đó là tránh được những rủi ro bấp bênh về đầu ra và giá cả, để tăng cao lợi nhuận trong trồng trọt, nhanh chóng vươn lên xóa nghèo, làm giàu từ cây ăn trái.       

LƯƠNG ĐỊNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh