THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 05:54

Huyện Sông Hinh (Phú Yên): Chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Sông Hinh là một huyện miền núi nằm phía tây nam tỉnh Phú Yên, với nhiều thành phần dân tộc sinh sống: Kinh, Ea đê, Ba na, Tày, Nùng, Dao, Mường, Chăm... Quỹ đất sản xuất nông nghiệp lớn, đa dạng, thích hợp với nhiều loại vật nuôi, cây trồng, nhất là cây công nghiệp và chăn nuôi đại gia súc. Sông Hinh là huyện tiếp giáp với vùng trồng cây công nghiệp phát triển của 2 tỉnh Gia Lai và Đắk  Lắk. Các loại cây công nghiệp như cà phê, cao su, hồ tiêu đang phát triển mạnh nơi đây. Bởi vậy trong thời gian qua, huyện Sông Hinh rất chú trọng đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn để giúp người dân nơi đây nắm bắt kiến thức khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất kinh doanh hiệu quả.

Ông Trần Trung Tính cho biết, hầu hết học viên là lao động nông thôn học nghề nông nghiệp để tiếp tục sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Việc tổ chức học nghề được gắn với kế hoạch phát triển sản xuất của địa phương nên từ đầu năm đến nay, thực hiện trong công tác tuyển sinh và đào tạo nghề đạt được cơ bản các mục tiêu đề ra. Đã tổ chức chiêu sinh và đào tạo được 4 lớp, với 103 học viên. Gồm 1 lớp kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho trâu bò ở xã Sông Hinh, 2 lớp trồng lúa nước năng suất chất lượng cao ở xã Ealy và Ea Lâm và 1 lớp điện dân dụng ở xã Đức Bình Đông. Số lao động có việc làm sau khi được học nghề đạt từ 75 đến 80%. Người học nghề có quyền tự do lựa chọn các nghề có nhu cầu cần học, chọn địa điểm học phù hợp với điều kiện kinh tế, trình độ học vấn của mình. Vì vậy mà chất lượng đào tạo được nâng lên rõ rệt. Các học viên đều nhận thức được lợi ích trong học nghề nên theo học đầy đủ, nắm bắt cơ bản kiến thức trong quá trình học.

Chị Mí Nhơn sau khi học nghề dệt thổ cẩm đã tự tạo việc làm, vừa bảo tồn sản phẩm truyền thống văn hóa dân tộc, vừa tăng thêm thu nhập.

Chúng tôi đến thăm gia đình chị Mí Nhơn, ở thôn ở Buôn Lê Diêm, thị trấn Hai Riêng. Bên khung cửi, chị Mí Nhơn vừa dệt vừa cho biết, chị học nghề dệt thổ cẩm ở Trung tâm cuối năm 2015. Chị học nghề là vừa để bảo tồn nghề truyền thống của dân tộc, vừa tranh thủ thời gian dệt quần áo, khố trong gia đình, nếu rảnh rỗi khi thời gian làm nông nghiệp nông nhàn thì dệt bán sản phẩm theo đơn đặt hàng. Chị Mí Nhơn cho biết thêm, sản phẩm 1 áo nam khoảng 2 triệu đồng, 1 áo nữ 1,5 triệu đồng, trong khi nguyên liệu chỉ khoảng 100.000 đồng. Nhưng dệt xong một chiếc áo cũng mất nhiều thời gian vì chỉ tranh thủ làm lúc nông nhàn.

Chị Hoàng Thị Hiền, Phó Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Hai Riêng cho biết, Hội phối hợp chặt chẽ với Trung tâm để tuyển sinh hội viên phụ nữ tham gia học nghề. Nhiều học viên học nghề truyền thống dệt thổ cẩm đều tự tạo việc làm và bán sản phẩm cho Nhà Văn hóa buôn để trưng bày cho khách tham quan du lịch và những ai có nhu cầu đặt hàng, như chị Mí Nhơ, chị Tur Dưng…

Đối với các học viên học lớp thú y như Y Thao ở thôn Lê Diêm cũng ứng dụng vào làm kinh tế hộ như trồng mỳ, nuôi bò, trồng lúa rất hiệu quả, đạt năng suất cao. Ông Nguyễn Đình Sao, ở thôn Tân Lập, xã EaLy là học viên lớp Kỹ thuật trồng và chăm sóc hồ tiêu cho biết: “Sau khi được học lớp này, tôi đã nắm bắt được kỹ thuật chọn giống, trồng và chăm sóc cây hồ tiêu. Nhờ vậy mà áp dụng kiến thức học được vào sản xuất kinh doanh hiệu quả. Qua lớp học tôi đã biết được cách phòng trị nấm cây tiêu, kỹ thuật bón phân”. Hiện nay gia đình ông Sao đang có 1000 trụ tiêu rất tươi tốt, thu hoạch đạt năng suất cao.

Còn anh Y Zum (người Ê đê), ở thôn Dành B, xã EaBia, sau khi học lớp Phòng trị bệnh cho đàn trâu bò cho biết, qua lớp học đã nắm bắt được kiến thức chăm sóc, phòng trị bệnh cho bò. Trước đây khi bò bệnh thì ra hiệu thuốc để mua thuốc, còn bây giờ thì đã nhận biết, phát hiện bệnh ở bò như bệnh tụ huyết trùng, tiêu chảy. Nhờ biết cách chăm sóc mà đàn bò anh ngày một phát triển béo tốt, không bị dịch bệnh. Khi xảy ra dịch bệnh anh đã biết mua loại thuốc phù hợp về điều trị. Ngoài thức ăn có sẵn trong tự nhiên, anh còn trồng cỏ đảm bảo thức ăn đủ dinh dưỡng cho bò và cho thêm thức ăn phụ như bột mì, bột gạo. Ngoài các thu nhập chính trong nông nghiệp như lúa, mỳ, gia đình Y Zum hiện có 5 con bò phát triển tốt, là “của để dành” để gia đình tích lũy.

Tuy nhiên, theo Trung tâm GDNN - GDTX huyện Sông Hinh, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện trong năm 2016 cũng đang gặp không ít khó khăn.  Đó là, theo kế hoạch đào tạo 6 tháng cuối năm Trung tâm sẽ mở các lớp phi nông nghiệp tại các xã EaBia, EaBá, thị traand Hai riêng, Sơn Giang, Đức Bình Tây, EaTrol, Ea Bar nhưng hiện tại nguồn kinh phí đào tạo đã hết, vì vậy đề nghị UBND huyện và Sở LĐ-TB&XH cấp bổ sung kinh phí để Trung tâm tổ chức các lớp đào tạo nghề theo kế hoạch được giao. 

NGỌC MINH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh