THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 12:27

Bình Dương: Hiệu quả với mô hình dạy nghề, tạo việc làm cho người nghèo dựa vào cộng đồng

 

Đổi mới phương thức trong dạy nghề tạo việc làm

Nhìn chung, công tác dạy nghề, tạo việc làm thời gian qua đã có những chuyển động tích cực, được sự đồng thuận của các cấp, ngành và người lao động. Các khóa đào tạo đã trang bị cho người học các kiến thức khoa học kỹ thuật, kỹ năng nghề nghiệp, thái độ công việc cơ bản nhất để họ có thể tự tạo việc làm hoặc tìm việc làm nuôi sống bản thân, gia đình; từ đó, góp phần cải thiện đời sống, thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm cho người lao động.

Từ đó, xác định tính cấp thiết cần phải đổi mới cách thức tổ chức đào tạo gắn với nhu cầu xã hội, nâng cao chất lượng đào tạo, giải quyết việc làm, cải thiện chỉ số đào tạo lao động nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh Bình Dương.

Bên cạnh đó, Hội Bảo trợ NKT, TMC&BNN tỉnh đã vận dụng mô hình dạy nghề, tạo việc làm cho người nghèo dựa vào cộng đồng. Cụ thể đã trao tặng máy may  trị giá 7,8 triệu đồng cho gia đình chị Nguyễn Thị Mạng (xã Định Hiệp, huyện Dầu Tiếng). Được biết, gia đình chị Mạng thuộc hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Việc trao tặng máy may cho chị Mạng nằm trong chương trình hành động hỗ trợ phương tiện lao động cho hộ nghèo của Hội Bảo trợ NKT,TMC&BNN tỉnh.

Một trong những trường hợp mới được hỗ trợ về việc làm là chị Nguyễn Thị Mai (xã Định An, huyện Dầu Tiếng) bị khuyết tật chân. Đầu năm 2019, chị Mai được Hội Bảo trợ NKT,TMC&BNN tỉnh tài trợ học nghề may gia công túi xách tại cơ sở may gia công ở thị trấn Dầu Tiếng. Sau khi học nghề, chị Mai được cơ sở nhận làm thợ phụ. Hiện tiền lương của chị khoảng 4,5 triệu đồng/tháng, đủ để chị Mai trang trải, vươn lên trong cuộc sống. Hoạt động này thể hiện tinh thần “tương thân tương ái”, động viên, hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn để họ có điều kiện phát triển kinh tế, tạo thu nhập và thoát nghèo.

Hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo (ảnh: Internet).


Theo ông Lê Minh Quốc Cường, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, trong 6 tháng đầu năm 2019, Hội Bảo trợ NKT,TMC&BNN tỉnh đã hỗ trợ học nghề dựa vào cộng đồng cho hàng chục người nghèo trong tỉnh. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2019, Hội Bảo trợ NKT,TMC&BNN tỉnh phấn đấu sẽ hỗ trợ phương tiện lao động cho 135 đối tượng là hộ nghèo, không có phương tiện lao động sản xuất.

Cần phát triển và nhân rộng

Mô hình dạy nghề, tạo việc làm cho người nghèo dựa vào cộng đồng đã góp phần giúp một bộ phận hộ nghèo tăng thu nhập vươn lên thoát nghèo. Vì vậy, thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện chương trình giảm nghèo đa chiều trong giai đoạn mới, Bình Dương chủ trương dạy nghề, tạo việc làm cho người nghèo dựa vào cộng đồng. Điểm sáng mô hình là toàn bộ kinh phí 800 triệu đồng được dựa vào nguồn vận động, xã hội hóa. Mức kinh phí hỗ trợ chi phí học tập của học viên dựa theo Quyết định số 353/ QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Bình Dương năm 2017.

Ngoài chi phí dạy nghề theo hướng dẫn, các địa phương chủ động vận động, thương lượng với các nơi dạy nghề, hỗ trợ, miễn giảm chi phí cho đối tượng học nghề trên tinh thần “tương thân tương ái”, sự chung tay của cộng đồng vì người nghèo. Chính vì vậy, mô hình này đạt được sự hỗ trợ tài chính tốt nhất từ các tổ chức, cá nhân trong, ngoài tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch Hội Bảo trợ NKT,TMC&BNN tỉnh cho biết thêm: “Lớp học được diễn ra trực tiếp tại nơi sản xuất, kinh doanh và được thực hiện theo từng trường hợp cụ thể để học viên thành thạo những kỹ năng và tay nghề, có việc làm sau khi học nghề và đáp ứng yêu cầu xã hội. Mô hình tuy không giới hạn các ngành nghề đào tạo nhưng học viên cần lựa chọn những ngành nghề phù hợp với nguyện vọng, điều kiện thực tế và khả năng có việc làm, tạo thu nhập ổn định sau học nghề, như: May gia công; cắt, uốn tóc; sửa rửa xe máy, ô tô; lái xe nâng, máy xúc; trồng trọt, chăn nuôi...”.

Ông Lê Minh Quốc Cường cho biết: Hiện toàn tỉnh có 4.546 hộ nghèo theo tiêu chí mới của UBND tỉnh; trong đó có 2.610 hộ nghèo, 1.936 hộ nghèo xã hội. Thay vì hỗ trợ tài chính để người nghèo vượt qua khó khăn trước mắt thì việc hỗ trợ học nghề, tạo việc làm mang tính bền vững. Chủ trương của tỉnh là “trao cần câu chứ không trao con cá” để người nghèo nâng cao ý thức, trách nhiệm của bản thân trong việc phát triển sản xuất, kinh doanh để từng bước vươn lên thoát nghèo.

Dự kiến, năm 2019 tập trung đào tạo một số ngành nghề phù hợp với người lao động, khôi phục các làng nghề, ngành nghề truyền thống trong nông nghiệp, các ngành nghề phục vụ cho doanh nghiệp, trang trại và các công trình dân dụng, bao gồm các nghề: May công nghiệp, may gia dụng, thiết kế, tạo mẫu tóc, lái xe nâng hàng, nấu ăn, đãi tiệc, cắm hoa, trang điểm, pha chế (pha chế đồ uống hoặc pha chế thức uống), trồng và nhân giống nấm (kỹ thuật trồng nấm), tạo dáng và chăm sóc cây cảnh, chăn nuôi thú y, trồng bưởi theo công nghệ VietGap, trồng rau an toàn, kỹ thuật chăm sóc cây măng cụt, trồng hoa lan.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tư vấn học nghề cho người lao động, nhất là lao động vùng nông thôn, tổ chức thông tin tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng và phối hợp các sở, ngành, đoàn thể thông báo sâu rộng cho người dân am hiểu về nghề nghiệp, các cơ sở đào tạo nghề trong tỉnh, nhằm nâng cao nhận thức của xã hội đối với công tác dạy nghề. Tuyên truyền đầy đủ các chính sách học nghề hiện nay như: Học sinh tốt nghiệp THCS; học sinh học các nghề nặng nhọc, độc hại... được miễn, giảm học phí khi học trung cấp, cao đẳng.

PV

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh