THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 03:49

Huyện Như Xuân (Thanh Hóa): Tăng cường tuyên truyền công tác XKLĐ

 

Như Xuân là một trong những huyện nghèo, còn nhiều khó khăn của tỉnh Thanh Hóa. Năm 2016, Như Xuân có 4 doanh nghiệp tham gia tuyển chọn lao động đi XKLĐ, 9 tháng đầu năm có 213 lao động tham gia học ngoại ngữ, học định hướng và có 141 lao động đã xuất cảnh. Hiện nay, toàn huyện hiện có 455 lao động đang làm việc ở nước ngoài. Trong đó tập trung chủ yếu ở các thị trường: Ả rập xê út 335 lao động; Hàn Quốc 59 lao động; Malaysia 38 lao động...

Lễ ký thỏa thuận hợp tác tuyển dụng lao động đi làm việc tại Ả rập xê út giữa

UBND huyện Như Xuân, Cty CPĐT Vĩnh Cát và đối tác phía Ả rập xê út

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó chủ tịch UBND huyện Như Xuân cho biết: "Cùng với việc thực hiện Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ áp dụng đặc thù cho các huyện nghèo để đẩy mạnh công tác XKLĐ; Ban thường vụ huyện ủy, UBND huyện cũng đã thống nhất lựa chọn 2 doanh nghiệp là Cty cổ phần Vĩnh Cát và Cty CPĐT&HTQT Thăng Long thực hiện thí điểm đưa lao động đi làm việc tại thị trường Ả rập xê út cho những lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, trình độ văn hóa thấp có điều kiện tham gia và được các cấp ủy, chính quyền, người dân đồng thuận hưởng ứng".

 Qua triển khai thí điểm, năm 2014, 2015, 2016, huyện Như Xuân đã có 443 lao động xuất cảnh. Nhìn chung số lao động tham gia đi XKLĐ ở các nước đều có việc làm và thu nhập ổn định. Một số thị trường có thu nhập cao như Nhật Bản, Hàn Quốc mức thu nhập bình quân từ 20-30 triệu/người/tháng, thị trường Ả rập xê út 8,5 triệu/tháng...

"Những gia đình hộ nghèo có con em đi XKLĐ kinh tế gia đình đã được cải thiện đáng kể, có bước phát triển khá, trên 70% lao động đi XKLĐ đã thoát nghèo. Từ nguồn vốn con em đi XKLĐ gửi về nhiều hộ đã đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, mở thêm các cơ sở sản xuất mới, thu hút nhiều lao động vào làm việc. Đặc biệt, nhiều hộ sau khi thoát nghèo kinh tế khá hơn và từng bước làm giàu". - ông Phương nói.

Ông Lê Đình Chuyên, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Như Xuân cho biết thêm: XKLĐ là một trong những mục tiêu quan trọng trong công tác xoá đói, giảm nghèo bền vững. Vì vậy, Ban chỉ đạo XKLĐ của huyện đã xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng xã, thị trấn trong huyện để các xã, thị trấn có những giải pháp cụ thể tuyên truyền, định hướng, khuyến khích người dân tham gia XKLĐ. Đến hết tháng 9/2016, toàn huyện đã phối hợp tổ chức 51 hội nghị chuyên đề tư vấn, tuyên truyền, giám sát về công tác XKLĐ; 18 hội nghị cấp xã; Chỉ đạo các xã, thị trấn phối hợp trực tiếp với các doanh nghiệp XKLĐ tổ chức 38 hội nghị cấp thôn, bản cho gần 5.000 lượt lao động tham gia...

Đặc biệt, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo từ  huyện đến cơ sở, nhất là trong việc lựa chọn những doanh nghiệp có kinh nghiệm, uy tín về địa phương để tư vấn, tuyển dụng lao động; đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua nhiều hình thức, trong đó lấy điển hình là những thôn, xã có phong trào đi XKLĐ và những người đã từng đi XKLĐ.

Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương cùng với ngành LĐ-TB&XH đã liên tục theo dõi, nắm bắt thông tin thường xuyên của người lao động làm việc ở nước ngoài, cũng như liên lạc với gia đình, với đơn vị đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhằm tạo sự gắn bó, trách nhiệm trong phối hợp giải quyết các vấn đề khó khăn về thủ tục pháp lý, cũng như những sự cố xảy ra ngoài ý muốn nên công tác XKLĐ đã có chuyển biến tích cực.

Cán bộ xã, thị trấn, trưởng các thôn bản tham gia hội nghị tuyên truyền về XKLĐ

Từ công tác tuyên truyền, chỉ đạo, một số xã trên địa bàn đã có cách làm đổi mới, sáng tạo, đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp được giới thiệu về địa phương rà soát các đối tượng có nhu cầu đi XKLĐ nằm trong độ tuổi, sau đó tổ chức tư vấn tuyên truyền tại thôn bản, gia đình. Qua tuyên truyền đã tạo được phong trào đi XKLĐ như ở các xã Thượng Ninh, Hóa Quỳ, Thanh Hòa, Thanh Quân...thu hút đông đảo lao động tham gia.

Là một trong những xã khó khăn nhất của huyện Như Xuân, tuy nhiên trong vài năm gần đây công tác XKLĐ đã có nhiều chuyển biến tích cực, ông Vi Hồng Long, Chủ tịch UBND xã Thanh Quân cho hay: Năm 2014, Thanh Quân không có lao động nào tham gia XKLĐ, năm 2015, có 10 lao động xuất cảnh; đến 9/2016 đã có 13 lao động xuất cảnh và có 4 lao động đã tham gia học tiếng, học định hướng.

Một trong những nguyên nhân chính khiến người lao động không mặn mà đi XKLĐ là do trình độ dân trí thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là những vị trí làm việc có thu nhập cao. Hơn nữa, người lao động có tâm lý ngại đi xa, sợ rủi ro, không có tư tưởng sẵn sàng đi làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp tuyển dụng lao động đi làm việc tại nước ngoài chưa làm hết vai trò, trách nhiệm như đã cam kết dẫn đến mất niềm tin, gây bức xúc trong nhân dân…

Do vậy, với những công ty, doanh nghiệp đã được giới thiệu, lựa chọn khi về địa phương tuyển dụng lao động cần phải thực hiện đúng những chủ trương, chính sách công ty đã cam kết. Thêm vào đó, cần tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với địa phương tuyên truyền, vận động và có những chính sách thích hợp hỗ trỡ người lao động. Có như vậy mới thực sự tạo nên phong trào XKLĐ ở địa phương...

Theo kế hoạch, năm 2016, huyện Như Xuân đưa khoảng trên 250 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Để hoàn thành kế hoạch đề ra, trong thời gian tới huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân để họ thấy được lợi ích của việc XKLĐ chính là con đường ngắn nhất để xoá đói, giảm nghèo bền vững.

Mộc Miên

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh