CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:00

Các giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực XKLĐ

Với chủ trương đẩy mạnh hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, trong thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã chỉ đẩy mạnh thực hiện chương trình xuất khẩu lao động và chuyên gia trong các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội hằng năm của thành phố; trong đó chú trọng đến chương trình đưa lao động đi làm việc ở các thị trường lao động ngoài nước có nền kinh tế phát triển, công nghệ kỹ thuật cao để người lao động tiếp thu, học hỏi, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ và đặc biệt là tạo điều kiện cho lao động nghèo tham gia chương trình.

Là địa phương có tiềm năng lớn về xuất khẩu lao động (XKLĐ), TP Hồ Chí Minh xem XKLĐ là hoạt động kinh tế - xã hội góp phần giải quyết nhiều vấn đề kinh tế và xã hội trong quá trình phát triển. Từ năm 2010 đến năm 2015, đã có trên 40.000 lao động được đưa đi làm việc tại các nước. Qua số liệu thống kê cho thấy thị trường thu hút nhiều người lao động đi làm việc là Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc... Về ngành nghề người lao động làm việc ở nước ngoài tập trung ở các ngành nghề dệt, may mặc, chế biến thực phẩm, điện tử, cơ khí, xây dựng, nông nghiệp... Kết quả đó đã góp phần vào quá trình tăng trưởng, phát triển của thành phố, cũng như giải quyết một số vấn đề của đời sống xã hội.

Bà Trương Lê Mỹ Ngọc phát biểu tại buổi tập huấn Các văn bản quy định quản lý LĐ làm việc ở nước ngoài.

Để nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của XKLĐ tại TP Hồ Chí Minh trong thời gian tới, cần phải xác định đúng phương hướng, mục tiêu và những giải pháp mang tính khả thi. Các giải pháp cần hướng vào việc phát huy những thành tựu, khắc phục những tồn tại, hạn chế của XKLĐ tại thành phố thời gian qua, đồng thời, phản ánh đúng tình hình thực tiễn và xu hướng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; một số giải pháp trọng tâm cần tiếp tục thực hiện trên địa bàn thành phố như sau:

1. Tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về chủ trương, ý nghĩa, tầm quan trọng, hiệu quả kinh tế - xã hội của xuất khẩu lao động; chính sách, pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và các quy định hướng dẫn chương trình đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài bằng nhiều hình thức để người lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm phù hợp tại các thị trường lao động ngoài nước. Trong đó kịp thời phổ biến, thông tin các chương trình xuất khẩu lao động do Trung tâm lao động ngoài nước thuộc Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH triển khai để người lao động tìm hiểu và đăng ký tham gia như: Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (gọi tắt là EPS); chương trình thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản; chương trình tuyển chọn điều dưỡng viên sang học tập và làm việc tại Cộng hòa liên bang Đức, v.v....

2. Khảo sát, rà soát nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài của người lao động trên địa bàn thành phố, tập trung lao động trong độ tuổi thanh niên, lao động có chuyên môn kỹ thuật chưa có việc làm, bộ đội xuất ngũ, người lao động trong hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số, ...  để tư vấn, giới thiệu tham gia chương trình xuất khẩu lao động của Trung tâm Lao động ngoài nước thuộc Bộ hoặc của các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

3. Kết nối hệ thống các đơn vị giáo dục – đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, dịch vụ việc làm với các đơn vị hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để tạo nguồn lao động có chuyên môn kỹ thuật, nâng cao chất lượng lao động qua đào tạo trước khi xuất khẩu thông qua các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng trình độ về chuyên môn, nghề nghiệp, ngoại ngữ, giáo dục định hướng,...  cho người lao động.

4. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp đã được đề cập tại Kế hoạch số 5264/KH-UBND ngày 13/10/2014 của UBNDTP triển khai thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 30/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc và Công văn số 6075/UBND-VX ngày  07/10/2015 của UBNDTP về việc triển khai Nghị quyết số 62/NQ-CP ngày 07/9/2015 của Chính phủ về miễn xử phạt vi phạm hành chính đối vối người lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện về nước; trong đó chú trọng giải pháp phối hợp với chính quyền, các tổ chức đoàn thể tại địa phương tuyên truyền, vận động người lao động đang làm việc về nước đúng hạn khi hết hạn hợp đồng; lao động đang cư trú và làm việc bất hợp pháp trở về nước thông qua gia đình, người thân, chú trọng thị trường Hàn Quốc để kéo giảm tỷ lệ người lao động cư trú bất hợp pháp.

5. Triển khai thực hiện có hiệu quả, kịp thời, đúng quy định các chính sách có liên quan  đến công tác hỗ trợ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2016 - 2020, trong đó tập trung chính sách hỗ trợ theo quy định tại Nghị định 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ Quốc gia về việc làm, Thông tư hướng dẫn của Bộ LĐ- TB&XH về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, ngoại ngữ, vay vốn, chi phí làm các thủ tục,... cho người lao động là người dân tộc thiểu số, người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, thân nhân chủ yếu của người có công với cách mạng.

6. Kết nối giữa đơn vị hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đơn vị hoạt động dịch vụ việc làm và người lao động để tiếp tục giới thiệu việc làm cho người lao động sau khi trở về nước. Lồng ghép các hoạt động có liên quan đến xuất khẩu lao động trong các sàn giao dịch việc làm, phiên giao dịch việc làm để giới thiệu cho người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài ban đầu tìm hiểu và tiếp cận thông tin của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động; giới thiệu việc làm cho người lao động hết hạn hợp đồng trở về nước để nhanh chóng tái gia nhập thị trường lao động trong nước.

7. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền giới thiệu danh sách các doanh nghiệp có giấy phép hoạt động xuất khẩu lao động; trong đó chú trọng tuyên truyền để phòng ngừa, ngăn chặn rủi ro cho người lao động; tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động và doanh nghiệp dịch vụ XKLĐ trong hoạt động tại địa phương.; tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp có chức năng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, trong đó tập trung công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn thành phố.

Trương Lê Mỹ Ngọc (Trưởng Phòng Việc làm, Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh